Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn ở các đơn vị trong Quân đội

Thứ sáu, 28/06/2019 11:29
(ĐCSVN) - Để công tác Đoàn và phong trào thanh niên thực sự vững mạnh, hiệu quả, tránh sa vào hình thức, khô khan, bên cạnh các phương pháp tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng... thì nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn ở các đơn vị cơ sở trong Quân đội là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng.



Công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ Đoàn tại các đơn vị cơ sở trong Quân đội luôn được lãnh đạo, chỉ huy quan tâm thực hiện có hiệu quả. (Ảnh minh họa: ND)

Đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp là lực lượng nòng cốt, trực tiếp chỉ đạo và tổ chức mọi hoạt động giữa hai kỳ đại hội, hội nghị của tổ chức đoàn; thay mặt cho tổ chức đoàn giải quyết công việc nội bộ và các mối quan hệ giữa tổ chức đoàn với các tổ chức khác, là người đại diện cho quyền làm chủ tập thể của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) ở đơn vị cơ sở; giữ vai trò rất quan trọng trong thực hiện thắng lợi nghị quyết của đại hội, hội nghị đề ra. Vì vậy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn có ý nghĩa rất quan trọng, trực tiếp quyết định đến nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn ở các đơn vị cơ sở.

Những năm qua, với phương châm “Chất lượng cơ sở là trọng tâm, cán bộ là then chốt, đoàn kết, tập hợp thanh niên là nhiệm vụ hàng đầu”, Ban Thanh niên Quân đội đã triển khai nhiều giải pháp tích cực để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn ở các đơn vị cơ sở trong toàn quân. Nhờ đó, cán bộ Đoàn ở các đơn vị cơ sở đã từng bước được củng cố và kiện toàn, đa số đều đạt tiêu chuẩn về độ tuổi, trình độ chuyên môn, tâm huyết với công tác thanh niên. Theo đó, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị đã quan tâm, đưa vào quy hoạch, tạo nguồn những cán bộ Đoàn có phẩm chất và năng lực tốt; quan tâm tạo môi trường để cán bộ Đoàn phát huy năng lực, sở trường thông qua việc luân chuyển về cơ sở nhằm rèn luyện kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm. Đoàn đã giới thiệu nhiều cán bộ trưởng thành qua thực tiễn cơ sở để tạo nguồn cán bộ. Bên cạnh đó, công tác đánh giá, bổ nhiệm, miễn nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vào các chức danh lãnh đạo được các cấp bộ Đoàn triển khai chặt chẽ, đúng quy trình, bảo đảm tiêu chuẩn, độ tuổi theo quy định của Đảng, Đoàn về công tác cán bộ. Hàng năm, các cấp bộ Đoàn tại các đơn vị cơ sở luôn chủ động tiến hành rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch đối với các chức danh chủ chốt, trong đó đặc biệt chú trọng đến lực lượng cán bộ trẻ, có năng lực, đã qua thực tiễn công tác. Trên cơ sở đội ngũ cán bộ được quy hoạch, tổ chức Đoàn các cấp đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Cùng với xây dựng quy hoạch cán bộ, Ban Thanh niên Quân đội và lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị cũng thường xuyên tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ nhằm từng bước chuẩn hóa đội ngũ, nhất là chương trình tập huấn cho Bí thư, Phó bí thư Chi Đoàn và Bí thư, Phó bí thư Liên chi Đoàn. Chỉ tính riêng trong năm 2018, toàn quân đã tổ chức gần 300 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Đoàn; 100% cán bộ ở các đơn vị cơ sở đã được tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đoàn với nhiều hình thức khác nhau. Tại các lớp tập huấn, học viên được hướng dẫn các kỹ năng, phương pháp công tác như: kỹ năng nắm bắt, định hướng tư tưởng của bộ đội, nhất là chiến sĩ trẻ; các giải pháp nâng cao chất lượng đoàn viên, kỹ năng cán bộ Đoàn (kỹ năng tuyên truyền miệng, tổ chức sinh hoạt tập thể, các diễn đàn, đối thoại thanh niên), tuyên truyền cơ chế, chính sách liên quan đến công tác thanh niên; tuyên truyền phòng, chống ma túy, bảo đảm trật tự ATGT… Đồng thời, các học viên cũng được trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm về công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Nhờ vậy, nhìn chung chất lượng công tác của đội ngũ cán bộ Đoàn ở các đơn vị cơ sở trong Quân đội hiện nay đã được nâng lên. Qua đánh giá hàng năm, cơ bản cán bộ Đoàn ở các đơn vị cơ sở đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác cán bộ Đoàn ở các đơn vị cơ sở trong Quân đội hiện nay vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như: chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Số ít cán bộ Đoàn ở các đơn vị cơ sở chưa chủ động trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác và năng lực tổ chức. Một số cán bộ Đoàn ở các đơn vị cơ sở chưa nhiệt tình, đi sâu sát vào đời sống ĐVTN nên hoạt động của nhiều cơ sở Đoàn vẫn còn nhiều khó khăn. Việc bố trí luân chuyển cán bộ làm công tác Đoàn còn gặp nhiều khó khăn, chưa đào tạo được nhiều cán bộ trẻ có trình độ, khả năng, năng khiếu ở cơ sở nên chưa phát huy hiệu quả…

Để tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đoàn ở các đơn vị cơ sở trong Quân đội hiện nay, cần thực hiện tốt một số nội dung cụ thể sau đây:

Một là, thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố, kiện toàn ban chấp hành đoàn cơ sở và đội ngũ cán bộ đoàn các cấp.

Sức mạnh của tổ chức đoàn ở các đơn vị trong quân đội nói chung, ở các đơn vị cơ sở nói riêng, trước hết thể hiện ở sức mạnh của Ban chấp hành (BCH) đoàn cơ sở và đội ngũ cán bộ đoàn các cấp. Với vai trò là lực lượng trực tiếp chỉ đạo và tổ chức mọi hoạt động của tổ chức đoàn, để thu hút, tập hợp ĐVTN vào các hoạt động nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra, đòi hỏi đội ngũ cán bộ đoàn phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý thức trách nhiệm tốt, phẩm chất đạo đức lối sống trong sạch, năng lực, uy tín cao... thực sự là trung tâm đoàn kết, chỗ dựa tin cậy, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của ĐVTN. Vì vậy, BCH đoàn, đội ngũ cán bộ đoàn các cấp phải thường xuyên được quan tâm xây dựng, củng cố, kiện toàn vững mạnh, phát huy được trí tuệ tập thể và nhiệm vụ, chức trách của từng cá nhân. Do đó, trên cơ sở Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, hướng dẫn của Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam và của cơ quan chính trị cấp trên; căn cứ vào đặc điểm nhiệm vụ, biên chế, tổ chức của đơn vị và tình hình thực tiễn của tổ chức đoàn, cấp ủy, cán bộ chủ trì ở đơn vị cơ sở cần kịp thởi có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng, củng cố, kiện toàn ban chấp hành đoàn cơ sở và đội ngũ cán bộ đoàn các cấp trong đơn vị, bảo đảm luôn có đủ số lượng, chất lượng cao và cơ cấu hợp lý, đáp ứng được nhiệm vụ khó khăn, gian khổ, phức tạp của các đơn vị cơ sở trong giai đoạn hiện nay.

Hai là, giữ vững nền nếp, chế độ sinh hoạt, cải tiến, nâng cao chất lượng sinh hoạt và phương pháp hoạt động của BCH đoàn.

Đây là cơ sở bảo đảm cho BCH đoàn thực hiện đúng chức năng, đúng quy định của Điều lệ Đoàn, đồng thời phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Duy trì nghiêm nền nếp chế độ, không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng sinh hoạt BCH; bảo đảm đúng nguyên tắc tập trung dân chủ để phát huy được trí tuệ tập thể và sự thống nhất cao.

Ban chấp hành đoàn cơ sở phải xây dựng lề lối làm việc khoa học, linh hoạt, sáng tạo, chấp hành nghiêm nguyên tắc, quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nghị quyết, hướng dẫn của tổ chức đoàn cấp trên. BCH đoàn phải căn cứ vào nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan, đơn vị và thường xuyên bám sát nghị quyết của cấp ủy, tổ chức đảng, sự chỉ đạo, hướng dẫn của cán bộ chủ trì và cơ quan chính trị... Quá trình triển khai tổ chức thực hiện phải phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ủy viên phụ trách các mặt công tác. Các ủy viên khi được phân công nhiệm vụ phải tích cực, chủ động, sáng tạo, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện trước bí thư và BCH.

Ba là, làm tốt công tác tạo nguồn và chăm lo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Đoàn ở các đơn vị cơ sở.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém” (1). Điều đó khẳng định vai trò của người cán bộ đối với công việc của đoàn thể, của tổ chức. Đối với tổ chức đoàn, cán bộ Đoàn là người “thiết kế” và tổ chức thực hiện mọi hoạt động của công tác Đoàn và phong trào thanh niên, là người tập hợp, vận động và trực tiếp tuyên truyền, giáo dục, rèn luyện ĐVTN, “thủ lĩnh” của phong trào thanh niên, trực tiếp tổ chức, hướng dẫn tiến hành công tác đoàn ở từng cơ quan, đơn vị, đại diện cho lợi ích và quyền làm chủ của ĐVTN, đóng vai trò quyết định tới xây dựng tổ chức đoàn vững mạnh. Phẩm chất, năng lực của cán bộ Đoàn quyết định tới việc xác định nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động của đoàn phù hợp hay không phù hợp, chất lượng hiệu quả cao hay thấp.

Đặc biệt, cần coi trọng bồi dưỡng nâng cao kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn cho đội ngũ cán bộ Đoàn. Nội dung bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ Đoàn phải toàn diện, cả trình độ lý luận, trình độ chuyên môn nghiệp vụ quân sự, đạo đức, lối sống và kiến thức, kỹ năng tiến hành công tác đoàn... Trong đó, cần tập trung vào bồi dưỡng những quan điểm, chủ trương mới của Đảng về công tác thanh niên; chỉ thị, hướng dẫn, kế hoạch hoạt động phong trào thanh niên quân đội trong thời kỳ mới của Tổng cục Chính trị; chức trách, nhiệm vụ, phương pháp, tác phong công tác của cán bộ đoàn. Bồi dưỡng cho họ những kinh nghiệm giáo dục, thuyết phục ĐVTN tham gia các hoạt động, các phong trào của Đoàn; sự nhạy bén, sáng tạo trong kết hợp hoạt động của tổ chức đoàn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Bồi dưỡng nâng cao kỹ năng công tác thanh niên, phương pháp tổ chức phong trào, xây dựng mô hình tiến tiến, điển hình trên các mặt hoạt động đoàn và cách thức tổ chức các hoạt động cụ thể như: Diễn đàn, tọa đảm, dạ hội, hội thi, hội thao...

Bốn là, thường xuyên quan tâm đến lợi ích và nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đội ngũ cán bộ Đoàn ở các đơn vị cơ sở.

Hoạt động của con người với tư cách là một thực thể xã hội bao giờ cũng gắn liền với lợi ích và nhu cầu nhất định. Các hoạt động của cán bộ Đoàn ở đơn vị Quân đội không nằm ngoài quy luật đó, như lợi ích cá nhân, nhu cầu được phấn đấu, cống hiến, hưởng thụ, trưởng thành, phát triển... Đây là những lợi ích, nhu cầu hoàn toàn hợp pháp, chính đáng của cán bộ Đoàn cần được quan tâm, giải quyết một cách phù hợp. Do vậy, cCấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp, trực tiếp là chính ủy, chính trị viên trong đơn vị, cần thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, đời sống tinh thần; động viên khen thưởng kịp thời những cán bộ Đoàn có nhiều thành tích và đóng góp lớn cho công tác đoàn và phong trào thanh niên; giúp đỡ những cán bộ Đoàn đang gặp khó khăn ổn định cuộc sống; tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ đoàn được cống hiến, thể hiện năng lực, sở trường của mình, đóng góp vào việc nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đoàn; bố trí công việc phù hợp với khả năng, trình độ nhằm tạo điều kiện cho họ phát triển và không bị “ùn tắc quân hàm”. Đây cũng là yếu tố quan trọng để phát huy tính năng động, sáng tạo của tuổi trẻ, sức mạnh của tổ chức quần chúng chủ yếu nhất ở đơn vị cơ sở, nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của đơn vị./.

(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 237

Thượng tá Chu Văn Quang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực