Nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học ở Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự

Thứ hai, 08/04/2019 15:37

(ĐCSVN) - Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự có chức năng nghiên cứu, phát triển, ứng dụng những kiến thức xã hội nhân văn vào lĩnh vực quân sự, phục vụ cho sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương, Bộ quốc phòng và Tổng cục Chính trị, nghiên cứu lý luận và thực tiễn xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam về chính trị, đáp ứng yêu cầu mới của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tham gia đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng và đường lối, quan điểm của Đảng.

Hội thảo khoa học “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” diễn ra tại Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự. Nguồn ảnh: hocvienchinhtribqp.edu.vn

Được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Chính trị, từ năm 1999 đến nay, Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự (KHXHNVQS) đã luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ trọng tâm là nghiên cứu khoa học, cụ thể là đã hoàn thành nghiên cứu 2 đề tài cấp Nhà nước, 15 đề tài cấp bộ, 150 đề tài cấp ngành và học viện, xuất bản 150 đầu sách, tiến hành 100 cuộc hội, tọa đàm khoa học. Trong giai đoạn hiện nay để nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội về chính trị, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của Viện cần thực hiện tốt một số giải pháp sau.

Một là, đổi mới nhận thức của các cấp lãnh đạo, chỉ huy, quản lý khoa  học, và đội ngũ cán bộ nghiên cứu  đối với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn quân sự.

Nhận thức là cơ sở, tiền đề không thể thiếu để hành động đúng. Để nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn quân sự, trước hết phải nhận thức đúng những khía cạnh bản chất nhất của hiệu quả nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn quân sự. Từ nhận thức đúng về khoa học xã hội và nhân văn quân sự, các cấp lãnh đạo, chỉ huy, quản lý cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm điều kiện và môi trường cho nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn quân sự. Cần nhận thức một cách khách quan rằng, sản phẩm của các công trình khoa học xã hội và nhân văn quân sự không thể lượng hoá tối đa và áp dụng trực tiếp như các công trình khoa học và công nghệ quân sự hoặc không thể đưa ngay vào huấn luyện bộ đội như các công trình khoa học nghệ thuật quân sự. Đổi mới nhận thức của các cấp lãnh đạo, chỉ huy, quản lý khoa học cần có sự đổi mới nhận thức toàn diện về các công trình nghiên cứu. cần hiểu rõ sự cần thiết, tính cấp thiết của từng công trình nghiên cứu.

Hai là, đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội và nhân vãn quân sự.

Đối với khoa học xã hội và nhân văn quân sự hiện nay, vấn đề đặt ra trước hết là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý khoa học phải bảo đảm cho các hoạt động nghiên cứu luôn kết hợp chặt chẽ giữa tính khoa học và tính đảng, phải đổi mới nội dung và hình thức quản lý theo hướng nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn quân sự, gắn nâng cao chất lượng nghiên cứu với hiệu quả ứng dụng, sử dụng kết quả nghiên cứu các công trình khoa học. Điều đó được thể hiện trong khâu tuyển chọn, xét duyệt hoặc đấu thầu các công trình nghiên cứu, kiên quyết không đề xuất nghiên cứu những vấn đề không thiết thực. Để đánh giá khách quan chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn quân sự cần xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá thống nhất làm cơ sở đánh giá, phân loại chất lượng sản phẩm của khoa học xã hội và nhân văn quân sự. thực hiện sự phân công và phân cấp quản lý trong tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu của khoa học xã hội và nhân văn quân sự. Trong công tác quản lý là phải giải quyết tốt mặt nhận thức của cả chủ thể quản lý, chủ thể nghiên cứu và chủ thể ứng dụng, sử dụng kết quả nghiên cứu của khoa học xã hội và nhân văn quân sự vào thực tiễn hoạt động quân sự, quốc phòng, xây dựng quân đội và lực lượng vũ trang. Nghiên cứu sắp xếp, kiện toàn, hoàn chỉnh hệ thống mô hình cơ quan, đơn vị nghiên cứu và quản lý theo hướng khoa học, hợp lý nhằm tạo ra những cơ quan, đơn vị nghiên cứu mạnh, gắn với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng quân đội về chính trị; xây dựng các cơ quan, đơn vị nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn quân sự trong quân đội có uy tín, để khoa học xã hội và nhân văn quân sự đủ khả năng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong cung cấp cơ sở lý luận cho Đảng, Nhà nước, quân đội hoạch định đường lối,  chủ trương, chính sách xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Ba là, đổi mới quy trình nghiên cứu, hợp tác giữa đội ngũ cán bộ nghiên cứu của Viện với các cơ quan, đơn vị nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn trong và ngoài quân đội.

Đổi mới quy trình nghiên cứu là xây dựng một quy trình nghiên cứu theo huống tiêu chuẩn hóa, phù hợp với đặc thù của khoa học xã hội và nhân văn quân sự. Nếu thực hiện thành công việc đổi mới này, nghĩa là đã tạo được một nửa khả năng bảo đảm hiệu quả nghiên cứu. tiến hành hợp tác nghiên cứu trong một công trình hoặc theo một phần của công trình. Lâu nay thường phân công theo từng nội dung trong một công trình, nhưng như vậy chưa phải tối ưu cần kết hợp với phân công theo công đoạn nghiên cứu như thiết kế - thi công; tổng thuật tư liệu - khái quát lý luận; thực hiện chuyên đề - phản biện, bổ sung, biên tập... Kết hợp chặt chẽ cả hai cách đó sẽ tạo nên khả năng chuyên sâu theo thế mạnh của từng chuyên ngành, vừa tăng hiệu quả nghiên cứu nhờ khai thác tiềm năng của đội ngũ trí thức, vừa cho phép phản biện để hoàn chỉnh sản phẩm. Cần sớm có quy trình, hợp tác nghiên cứu mang tính pháp định.

Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự là cơ quan chủ trì phối hợp thực hiện hợp tác nghiên cứu. Hình thức hợp tác nghiên cứu phổ biến hiện nay được thực hiện đơn phương theo nhu cầu của mỗi lĩnh vực khoa học mà tiến hành đặt hàng một số nội dung thuộc thế mạnh của bên kia, chưa theo một quy hoạch hay chiến lược hợp tác thường xuyên. Chưa có nhiều công trình hợp tác nghiên cứu mà các bên hợp tác cùng, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện cũng như bảo đảm chất lượng, hiệu quả nghiên cứu. Song, do tính đặc thù quân sự, quốc phòng của khoa học xã hội và nhân văn quân sự nên không ít trí thức ngoài quân đội "ngại đụng chạm", "ngại vào sân" của khoa học xã hội và nhân văn quân sự; ngược lại, đội ngũ trí thức khoa học xã hội và nhân văn quân sự lại "ngại gai góc" trong cách phản ánh, diễn đạt của đội ngũ trí thức ngoài quân đội.

Bốn là, đổi mới cơ chế quản lý và chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn quân sự trong quân đội.

Nghiên cứu khoa học và ứng dụng kết quả nghiên cứu là hai mặt có mối quan hệ hữu cơ thống nhất. Đó là sự thống nhất giữa nhận thức và cải tạo, giữa lý luận và thực tiễn. Nếu nghiên cứu khoa học nhằm nhận thức sâu sắc bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng quân sự, quốc phòng, tìm ra cơ chế vận động, phát triển của chúng, thì việc ứng dụng kết quả nghiên cứu nhằm cải tạo sự vật, hiện tượng, biến cái chủ quan thành cái khách quan. Phải đổi mới cơ chế, tạo ra mối quan hệ chặt chẽ giữa "ba nhà": lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu, trong quá trình nghiên cứu và triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn quân sự.

Đối với khoa học xã hội và nhân văn nói chung, khoa học xã hội và nhân văn quân sự nói riêng, việc ứng dụng kết quả nghiên cứu có tính đặc thù. Khoa học xã hội và nhân văn quân sự là khoa học nghiên cứu lĩnh vực chính trị tinh thần của nhân dân và quân đội; nghiên cứu đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; nghiên cứu xây dựng quân đội về chính trị, chông "phi chính trị hóa" quân đội; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, chất lượng công tác đảng, công tác chính, trị trong lực lượng vũ trang nói chung, trong quân đội nói riêng; nghiên cứu các biện pháp chống âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình", bạo loạn, lật đổ; nghiên cứu phát huy sức mạnh chính trị tinh thần trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm là, xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn quân sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn quân sự của Viện, bảo đảm đủ về số lượng, có chất lượng cao cho các chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn quân sự. Đội ngũ này vừa là người sáng tạo những giá trị văn hóa quân sự mới, giữ vững nền tảng chính trị của quân đội và xã hội; vừa là người tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thế giới quan, nhân sinh quan cộng sản, đạo đức cách mạng và truyền thống văn hóa, đạo đức của dân tộc, lối sống cao đẹp và quan điểm thẩm mỹ lành mạnh cho bộ đội, góp phần định hướng chính trị tư tưởng và đạo đức đúng đắn. Đội ngũ này còn là lực lượng trực tiếp nghiên cứu và tiến hành, các nhiệm vụ liên quan đến nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học có vai trò quan trọng trực tiếp góp phần xây dựng Đảng bộ Viện trong sạch, vững mạnh, Viện vững mạnh toàn diện, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị. Để nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học ở Viện KHXHNVQS cần thực hiện đồng bộ các giải pháp trên./.

TS Nguyễn Trường Sơn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực