Nghiên cứu lý luận xây dựng quân đội về chính trị trong tình hình mới

Thứ năm, 25/04/2019 11:10
(ĐCSVN) - Viện Khoa học xã hội Nhân văn quân sự là cơ quan nghiên cứu lý luận và thực tiễn xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam về chính trị, những vấn đề về công tác đảng, công tác chính trị, đáp ứng yêu cầu mới của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tham gia đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng và đường lối, quan điểm của Đảng.
Một Hội thảo khoa học do Viện Khoa học xã hội Nhân văn quân sự tổ chức. (Nguồn: hocvienchinhtribqp.edu.vn)

Hiện nay, với đội ngũ cán bộ khoa học có 1 Giáo sư, 16 Phó Giáo sư, 8 Tiến sĩ, 19 Thạc sỹ, qua 20 năm, Viện Khoa học xã hội Nhân văn quân sự đã triển khai nghiên cứu thành công 179 đề tài khoa học các cấp; 15 chuyên đề tổng kết lý luận - thực tiễn theo yêu cầu của Ban Bí thư, Hội đồng Lý luận Trung ương; triển khai 14 công trình nghiên cứu cơ bản; biên soạn và xuất bản 156 đầu sách chuyên khảo, 315 chuyên đề khoa học, 235 bộ giáo trình, tập bài giảng; tham gia 17.500 hội đồng khoa học, hướng dẫn 950 học viên sau đại học; tổ chức hơn 100 cuộc hội thảo và tọa đàm khoa học.

Do vậy, trong thời kỳ mới, việc định hướng nghiên cứu, lý luận xây dựng Quân đội về chính trị của Viện trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung vào một số  nội dung chủ yếu sau.

Một là, nghiên cứu hoàn thiện khái niệm, mục đích, chủ thể, lực lượng xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam về chính trị trong tình hình mới.

Bổ sung, hoàn thiện khái niệm, mục đích, chủ thể, lực lượng xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam về chính trị là vấn đề có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, tạo cơ sở thuận lợi để định hướng chính trị cho việc nghiên cứu lý luận xây dựng Quân đội về chính trị trong tình hình mới. Bởi lẽ, nếu tiếp cận không đúng khái niệm, bản chất xây dựng Quân đội về chính trị sẽ dẫn tới hiểu không đúng và đầy đủ, sâu sắc nội dung xây dựng Quân đội về chính trị. Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện khái niệm xây dựng Quân đội về chính trị trong tình hình mới, cần dựa trên cơ sở vận dụng và phát triển sáng tạo những giá trị cốt lõi đúc kết được từ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, tư tưởng quân sự của Đảng; từ sự chắt lọc những hạt nhân hợp lý trong khái niệm xây dựng Quân đội về chính trị qua các thời kỳ gắn với quá trình xây dựng, trưởng thành và chiến thắng của Quân đội.

Nghiên cứu lý luận về mục đích của xây dựng Quân đội về chính trị, cần bao quát được hệ giá trị, phản ánh một cách chính xác giá trị, mức độ, kết quả cuối cùng đạt được của hoạt động xây dựng Quân đội về chính trị; lượng hóa càng chính xác, khoa học bao nhiêu càng đặt cơ sở vững chắc cho việc xác định đúng đắn nội dung, hình thức, phương pháp xây dựng Quân đội về chính trị bấy nhiêu. Trong tình hình mới, định hướng nghiên cứu lý luận về mục đích xây dựng Quân đội về chính trị cần phải hướng tới và góp phần giữ vững, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội.

Nghiên cứu lý luận về chủ thể, lực lượng xây dựng quân đội về chính trị, cần làm rõ hơn trách nhiệm, quyền hạn, nhiệm vụ của các chủ thể và lực lượng tham gia. Đây là vấn đề cần được nhận thức một cách đầy đủ và thống nhất ở tất cả các cấp, các ngành trong và ngoài Quân đội, từ Trung ương đến cơ sở. Có như vậy mới tạo cơ sở vững chắc để phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng trong xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị.

Hai là, bổ sung những nhận thức mới trong  lý luận về bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của Quân đội.

Khẳng định bản chất xây dựng quân đội về chính trị là xây dựng quân đội thực sự cách mạng, không ngừng củng cố, tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của quân đội, đảm bảo cho Đảng nắm chắc quân đội và quân đội luôn trung thành vô hạn, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân trong mọi tình huống.

Trong tình hình mới, việc tiếp tục củng cố và tăng cường bản chất giai cấp công nhân vẫn luôn là vấn đề cốt tử trong xây dựng quân đội về chính trị, nhất là trước tác động mạnh mẽ của tình hình trong nước, quốc tế, những biến đổi kinh tế, cơ cấu xã hội - giai cấp. Tuy thành phần cán bộ, chiến sĩ quân đội chủ yếu vẫn xuất thân từ giai cấp nông dân, nhân dân lao động, nhưng đã có những thay đổi về nhận thức, trình độ học vấn, mức sống, định hướng giá trị. Vì vậy, lý luận cần nghiên cứu, bổ sung những nội dung, phương pháp khoa học để đổi mới công tác giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện lập trường, tư tưởng, củng cố tăng cường bản chất cách mạng, bản chất giai cấp công nhân cho cán bộ, chiến sỹ.

Ba là, nghiên cứu, hoàn thiện khái niệm, nguyên tắc tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội

Xác định khái niệm công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội cần dựa trên cơ sở vận dụng và phát triển sáng tạo những giá trị cốt lõi đúc kết từ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, tư tưởng quân sự của Đảng; từ sự chắt lọc những hạt nhân hợp lý trong khái niệm công tác đảng, công tác chính trị truyền thống gắn với quá trình xây dựng, trưởng thành và chiến thắng của quân đội; đồng thời xuất phát từ thực tế và tôn trọng các quy luật khách quan.

Luận giải rõ về lý luận và thực tiễn về các nguyên tắc tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội. Nghiên cứu, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị phù hợp với thực tiễn xây dựng, chiến đấu của quân đội trong tình hình mới, nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục và hiệu quả công tác tư tưởng, củng cố vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội.Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, củng cố sự lãnh đạo vững chắc của Đảng trong quân đội.

Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ trong quân đội. Nâng cao chất lượng công tác bảo vệ an ninh trên các lĩnh vực hoạt động của quân đội trong tình hình mới. Nghiên cứu, đổi mới một cách căn bản, đồng bộ hệ thống chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội. Nghiên cứu đổi mới công tác dân vận, củng cố mối quan hệ đoàn kết quân dân, nâng cao chất lượng công tác quần chúng trong quân đội. Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đảng, công tác chính trị trong các nhiệm vụ, trong công tác quân sự địa phương.

Bốn là, nghiên cứu, hoàn thiện quan điểm chỉ đạo xây dựng quân đội về chính trị trong tình hình mới

Luận giải sáng tỏ về tính tất yếu khách quan xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị trong tình hình mới. Kiên quyết đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch. Nghiên cứu, Hoàn thiện nguyên tắc lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam, không những tổ chức ra Quân đội nhân dân Việt Nam, mà còn lãnh đạo, rèn luyện và xây dựng quân đội thực sự là đội quân cách mạng, mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, với nhân dân, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Trong từng giai đoạn cách mạng, nguyên tắc lãnh đạo của Đảng đối với quân đội không ngừng được bổ sung, phát triển, hoàn thiện nhằm đảm bảo cho Đảng nắm chắc quân đội trong mọi tình huống.

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, làm cơ sở định hướng đúng đắn, toàn diện xây dựng quân đội về chính trị trong tình hình mới.

Từ khi thành lập quân đội đến nay, cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội đã nhiều lần bổ sung, hoàn thiện phù hợp với quá trình xây dựng, trưởng thành, phát triển của quân đội. Trong mỗi giai đoạn, Đảng đều xác định hệ thống nguyên tắc lãnh đạo và tương ứng với đó là xác lập hệ thống tổ chức phù hợp đảm bảo cho Đảng lãnh đạo chặt chẽ quân đội trong mọi tình huống. Cùng với bổ sung, hoàn thiện các nguyên tắc trong cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, việc xác định hệ thống tổ chức, các quy chế, quy định vận hành của hệ thống tổ chức là nội dung rất quan trọng trong cơ chế lãnh đạo của Đảng, bảo đảm cho cơ chế được vận hành thông suốt có hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn.

Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội theo định hướng trung thành, vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phù hợp với thực tiễn.

Hiện nay, Quân đội nhân dân Việt Nam đã và đang thực hiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội theo tinh thần Nghị quyết 51-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX chính là trên cơ sở trung thành, vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và kế thừa, phát triển những hạt nhân hợp lý trong các cơ chế lãnh đạo của Đảng thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước đây. Trong tình hình mới cần tiến hành tổng kết, khái quát lý luận để hoàn thiện cơ chế, làm cơ sở khoa học cho xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, thực sự là lực lượng chiến đấu, lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Nghiên cứu, hoàn thiện quy chế, quy định bảo đảm cho cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội được quán triệt và vận hành thông suốt, có hiệu lực trong thực tiễn.

Các quy chế, quy định là văn bản có tính pháp lý do cấp có thẩm quyền ban hành, xác định rõ vị trí, vai trò, chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ của các tổ chức, các lực lượng. Vì vậy, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định phải xuất phát từ quan điểm, nội dung cơ chế lãnh đạo của Đảng, đảm bảo tính đồng bộ, không chồng chéo, mâu thuẫn nhau; phải dựa trên cơ sở khoa học, đúng định hướng chính trị và có tính khả thi cao. Việc ban hành quy chế, quy định cần được cân nhắc kỹ trên cơ sở cụ thể hóa quan điểm của Đảng, kế thừa kinh nghiệm, truyền thống của Đảng, của quân đội; xuất phát từ thực tiễn; xin ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các cán bộ lãnh đạo, quản lý giàu kinh nghiệm nhằm tránh những sai lầm không đáng có.

Hiện nay, cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy chế, quy định cụ thể để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 51 - NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong quân đội. Sở dĩ trên thực tế, cơ chế lãnh đạo của Đảng chậm được quán triệt và đi vào cuộc sống là do một số quy chế, quy định và các văn bản hướng dẫn được ban hành chậm hoặc đã ban hành nhưng thiếu cụ thể, chồng chéo, không thống nhất, khó thực hiện. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành các quy định, văn bản pháp quy để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 51-NQ/TW của Bộ Chính trị, đảm bảo cho cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội được vận hành thông suốt, có hiệu lực.

Tóm lại, nghiên cứu và định hướng nghiên cứu lý luận xây dựng quân đội về chính trị trong giai đoạn hiện nay của Viện Khoa học xã hội Nhân văn quân sự, có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo cho Viện hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tuyệt đối trung thành, có sức mạnh chiến đấu cao. Do vậy, định hướng nghiên cứu lý luận xây dựng quân đội về chính trị cần quán triệt sâu sắc phương châm, nhiệm vụ, nội dung, định hướng nghiên cứu lý luận của Đảng đến năm 2030 đã được xác định, cũng như các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, đồng thời căn cứ vào bối cảnh, tình hình thực tiễn của đất nước, khu vực và thế giới, quân đội để kịp thời có các nội dung, biện pháp nghiên cứu cơ bản và ứng dụng phù hợp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài./.

Đại tá. TS Nguyễn Trường Sơn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực