Những “chuyện thường ngày” của người lính trên Đảo Tây Nam

Chủ nhật, 19/05/2019 09:23
(ĐCSVN) - Dù chẳng phải lần đầu ra đảo, nhưng tôi luôn có cảm giác hồi hộp trước mỗi chuyến đi. Không phải bởi những hòn đảo Tây Nam có vẻ đẹp hoang sơ, dịu dàng, mà vì đến đảo sẽ được gặp những người lính đang ngày đêm quên mình, lặng lẽ canh giữ, bảo vệ cho biển trời của Tổ quốc luôn được yên bình, xanh trong…
Bà Nguyễn Thị Huệ không còn thấy hiu quạnh trong căn nhà của mình bởi cán bộ, chiến sĩ Đại đội 7 thường xuyên tới lui thăm nom.
 
Việc "nhỏ" của bộ đội

"Chỉ mất hơn 10 phút chạy xe gắn máy là đi hết đảo", lời của Thượng uý Dương Văn Dũng, Phó Đại đội trưởng Đại đội 7, Tiểu đoàn 519, Trung đoàn 893, (Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang) khiến tôi tò mò. Mà đúng thật. Có lẽ vì vậy mà khi "dạo" một vòng quanh đảo không ít ánh mắt nhìn tôi lạ lẫm. Đảo nhỏ nên ai cũng quen mặt nhau, và khi tôi hỏi thăm hầu như ai cũng biết tên của anh em trong Ban chỉ huy Đại đội. Bà con còn kể cho tôi nghe về những việc "nhỏ" của bộ đội nhưng lại có sức lan toả khá lớn trên hòn đảo này.

Tháng 12/2017, đảo Hải Tặc (xã Tiên Hải, thành phố Hà Tiên) được công nhận là khu du lịch địa phương thì lượng du khách đến đây tham quan cũng tăng vọt. Mặc dù trên đảo đã có nhà máy xử lý rác, tuy nhiên không phải ai cũng có ý thức bảo vệ môi trường. Nhận thấy điều này nên ngay từ những ngày đầu về đây, Đại đội 7 đã phối hợp cùng địa phương tổ chức lực lượng vệ sinh khu vực ven biển. Hàng tuần, cán bộ, chiến sĩ tiến hành thu gom rác dọc theo các bãi tắm, khơi thông cống rãnh ở khu dân cư và mé nhánh cây hai bên tạo sự thống thoáng cho đường mòn bao quanh đảo. Việc làm này đã được người dân hưởng ứng nhiệt tình. Trung sĩ Nguyễn Hồng Anh, Khẩu đội trưởng Súng máy phòng không 12.7mm kể: "Có mấy lần chúng tôi gặp xác cá lớn trôi dạt vào bờ gây hôi thối, anh em phải khiêng đem chôn. Chai nhựa, bọc ni-lông, vỏ lon nước ngọt... trước đây nhiều lắm. Sau khi dọn rác xong, chúng tôi lại đi phát quang đường xá cho người dân và như khách du lịch đi lại thuận lợi hơn, làm cho bộ mặt của xã đảo ngày càng tươi đẹp hơn".

Và càng ấm lòng hơn là sự sẻ chia, đùm bọc của bộ đội đối với những hoàn cảnh neo đơn. Bà Nguyễn Thị Huệ, ngụ ấp Hòn Tre bao năm qua một mình đơn lẻ bởi con gái bà đi làm công nhân tại Bình Dương một năm chỉ về đôi lần. Từ ngày bộ đội Đại đội 7 về đây, căn nhà của bà đỡ hiu quạnh hơn. Hàng tuần, anh em sĩ đều đặn đến thăm nom, dọn dẹp nhà cửa cho bà. Lúc thì mang gạo, lúc mấy bó rau, rồi đường, sữa, dẫu không nhiều nhặn gì nhưng đó là liều thuốc tinh thần giúp bà khoẻ hơn, yêu đời hơn khi đã bước qua tuổi 72.

Còn bà Nguyễn Thị Nguyệt, đã 70 tuổi nhưng hàng ngày phải đi lượm ve chai kiếm sống. Hoàn cảnh của bà Nguyệt cũng như bà Huệ. Tiếng "mẹ" của các chiến sĩ gọi trìu mến mỗi lần đến thăm giúp bà bớt đi nỗi nhớ con nơi phương xa.  Rồi 2 em Phan Hoàng Mỹ (học sinh lớp 6) và Trần Hảo Hân (học sinh lớp 9) Trường THPT Tiên Hải, gia đình nghèo đứng trước nguy cơ bỏ học cũng được cán bộ, chiến sĩ Đại đội 7 động viên, giúp đỡ có điều kiện đến trường.

Để giúp đỡ những hoàn cảnh đáng thương ấy, Đại đội 7 đã phát động quyên góp trong cán bộ, chiến sĩ cùng chung tay để bớt đi phần nào gánh nặng trong cuộc sống của bà con. Thượng uý Dương Văn Dũng chia sẻ: "Mỗi tháng, sau khi nhận lương và phụ cấp, cán bộ thì đóng góp 50.000 đồng còn chiến sĩ 15.000 đồng. Số tiền này dùng hỗ trợ cho người nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Việc làm này xuất phát từ tinh thần tự nguyện, khi phát động ai cũng hưởng ứng tích cực".

Mùa này sóng gió cũng giảm bớt nên bà con trên đảo Hải Tặc cũng yên tâm. Ông Phan Thanh Bình, Phó Chủ tịch xã Tiên Hải cho biết: "Đánh bắt hải sản, nuôi cá lồng bè là công việc chính của người dân trên đảo. Vào mùa mưa bão, các lồng bè đứt dây trôi dạt, một số tàu thuyền đánh cá gần đảo bị chìm. Lực lượng bộ đội của Đại đội 7 đã túc trực ứng cứu, vừa trục vớt tàu, vừa tổ chức chằng néo nhà cửa và các lồng bè nuôi cá cho người dân. Vất vả lắm, bộ đội phải trầm mình dưới biển hàng giờ để giúp bà con, vì vậy thiệt hại cũng không đáng kể".

Đi du lịch còn được... lãnh lương

Đối với lính công binh của Lữ đoàn Công binh 25 (Quân khu 9), hầu như họ có mặt khắp nơi, nhất là vùng biên giới, hải đảo Tây Nam. Trung tá Phạm Văn Phòng, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Công binh 25 nói vui: "Không ai sướng bằng bộ đội công binh, vừa được đi du lịch tham quan danh lam, thắng cảnh còn được lãnh lương".

Chỉ khác một điều là thời gian các anh đi "du lịch" quá dài, có khi kéo tới hàng mấy năm trời. Làm công trình này vừa hoàn thành lại tiếp tục công trình khác, ở đảo này xong lại sang đảo khác. Tuyến đường tuần tra biên giới các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp cứ nối dài thêm những tháng ngày ròng rã với nắng gió, với bụi mù phủ trắng tóc; những đêm mưa tạt vào lán trại dột ướt khắp nơi, mỗi người phải ôm ba lô chạy một góc. Còn ở đảo, mỗi bận sóng to gió lớn, mỗi đợt bão vào là bao nhiêu nỗi lo lắng chất chồng cho những công trình đang dang dở. Có cả những nơi mà hiện tại bộ đội làm công trình phải sống "biệt lập" với bên ngoài do điều kiện đi lại rất gian nan và không sóng điện thoại. Hôm gặp Trung tá Phan Tiến Duật, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 đang cùng anh em thi công công trình giữa cánh rừng già Phú Quốc, nghe anh nói mà lòng tôi thấy thật xúc động: "Mấy tháng trước tôi và 3 anh em khác bị một trận sốt rét rừng tưởng đâu không qua khỏi. Cũng may là chuyển vào đất liền chữa trị kịp".

Nhiều anh em hoàn cảnh gia đình khó khăn, chưa ổn định, công trình đến đâu vợ con lại theo đến đó. Ai ở xa thì vài tháng về một lần, còn khi làm công trình ở đảo thì lâu hơn vì điều kiện đi lại khá vất vả. Thiếu tá Lê Văn Xuyên thuộc Đại đội 7, Tiểu đoàn 3 đã có gần 30 năm theo công trình và có hơn 10 năm làm công trình trên các đảo Thổ Chu, Hòn Khoai, Phú Quốc, Hải Tặc. Anh Xuyên tâm sự: "Nhà tôi ở tận Tây Ninh. Nhớ năm 1998 khi ở Phú Quốc mỗi lần về nhà mất 2 ngày. Hồi ấy đâu có tàu cao tốc. Mỗi lần vào đất liền phải có dang tàu cá mất hơn 9 tiếng đồng hồ, sau đó bắt xe về quê. Có những lần về đến nhà, đứa con nhỏ nhìn cha xa lạ vì "không giống cha mọi lần", và phải đến một lúc sau mới nhận ra bởi nước da mình mấy thắng trời "tắm nắng" đen nhẻm”.

Công việc của bộ đội làm công trình trên các đảo khá vất vả.

Có thể các anh đã quen với sự vất vả của công việc "khoan núi, mở đường", quen với cường độ làm việc có khi cả ngày đêm nên chẳng thấy thấm tháp gì của vòng thời gian xoay vô tận. Khi chực nhớ ra, ai cũng đã có thâm niên hơn chục năm, hai chục năm "nằm công trình". Sáng mở mắt ra rời lán trại vào công trình. Hết ca về ăn cơm ngủ vội chờ đến ca sau. Công việc cứ nối đuôi nhau nên ít ai còn có thời gian để nghĩ cho riêng mình điều gì. Đôi khi chiều xuống lại thấy bâng khuâng nhớ nhà nhớ quê đến cồn cào. Vậy rồi thôi. Chỉ có những sĩ quan trẻ cứ canh cánh trong lòng khi cha mẹ ở quê cứ giục lấy vợ. "Cũng có cái hay, anh em đi đến đâu cũng được người dân thương mến. Vậy nên đã có 10 người "an cư, lạc nghiệp" tại Phú Quốc sau thời gian làm công trình tại đây", Trung tá Phạm Văn Phòng chia sẻ cùng tôi với nụ cười hồn hậu.

Yêu thương nhau như anh em một nhà

Với đặc thù đơn vị kỹ thuật nên phần đông sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp ở Tiểu đoàn xe Tăng 557, Lữ đoàn 950 (Quân khu 9) đến từ nhiều vùng quê khác nhau, ở tận miền Bắc, miền Trung. Nhiều anh em gắn bó với đơn vị gần 20 năm, lập gia đình và đang sinh sống trên đảo Phú Quốc. Đại úy Mai Văn Định, lái xe Tăng Đại đội 32, Tiểu đoàn 557 cho biết: “Tôi về đơn vị công tác những những ngày đầu mới thành lập vào năm 1996. Điều kiện công tác trên đảo dù khó khăn, xa nhà, xa quê, nhưng anh em luôn hỗ trỗ, giúp đỡ nhau như người một nhà. Vừa là đồng đội vừa là láng giềng của nhau nên khi ai có việc hữu sự, hiếu hỉ gì cũng đều sẻ chia, nhận lấy công việc, tạo mọi điều kiện thuận lợi để cho đồng đội được về quê lo việc nhà".

Ngày tết đầy ấm cúng của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn xe Tăng 557, Lữ đoàn 950.

Nói đến chuyện này, Thiếu tá Lê Đình Cường, lính thợ điện thuộc Đại đội 32 xúc động kể: “Cách đây mấy tháng, tôi rất bối rối khi nhận được tin mẹ ruột ở ngoài quê đang hấp hối trong khi vợ tôi đang công tác xa, nhà có hai con nhỏ mà công việc ở đơn vị vẫn đang bộn bề. Biết tin, Đại úy Trần Đình Mạo - chung tổ công tác và cũng là hàng xóm đã chủ động đề nghị đơn vị gánh vác luôn phần việc của tôi và chăm nom hai đứa con nhỏ để tôi yên tâm về phép để lo việc gia đình”.

Còn Đại úy Trịnh Ngọc Tiến, Chính trị viên Đại đội 31 tâm sự: “Nhà tôi tận Thanh Hoá, điều kiện gia đình cũng khó khăn. Khi cưới vợ ở Phú Quốc bà con họ hàng không vào được nên tôi phải nhờ anh em trong đơn vị giúp mọi thứ. Từ chuyện trang trí nhà cửa, dựng rạp, rước dâu, tiếp khách... anh em đều lo chu toàn như thể người trong gia đình vậy”.

Có lẽ hơn ai hết, các anh hiểu được giá trị của tình đồng chí, đồng đội, nó không chỉ làm sức mạnh của tập thể mà còn là một chất xúc tác tạo nên tình cảm gắn bó, keo sơn. Giống như một kíp xe Tăng mà thiếu đi một vị trí thì sự vận hành sẽ chẳng trơn tru. Nói thế để thấy rằng, sự đoàn kết, đồng lòng, sự thấu hiểu, sẻ chia của những người lính đã giúp các anh quên đi những khó khăn, thử thách hiện tại để cùng thực hiện tốt nhiệm vụ nơi đảo xa…

Công việc cứ thế nối tiếp nhau, và mỗi độ Tết đến, khu “nhà binh” thuộc tổ 7, khu phố 4, thị trấn An Thới lại rộn ràng lời chúc mừng năm mới, nô nức tiếng cười đùa của con em bộ đội. Thượng úy Bùi Văn Nam, Lái xe Tăng Đại đội 33 bộc bạch: “Anh em công tác chung đơn vị, cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc và là hàng xóm thân thiết với nhau. Tết xa quê nên lúc nào chúng tôi cùng tổ chức bữa cơm tất niên họp mặt, rồi tặng quà gia đình các đồng chí có hoàn cảnh khó khăn. Món quà không to tát gì nhưng đó là nguồn động viên để đồng đội thấy lòng ấm áp hơn và an tâm công tác tốt”.

Hàng tuần, bộ đội đều thu gom rác ở các bãi biển trên đảo Hải Tặc.

Và kỷ niệm mà Đại úy Lê Thanh Nhã, Phó Đại đội trưởng Đại đội 33 nhớ nhất là Tết năm 2016, khi đơn vị đang tổ chức đón giao thừa thì nhận thông báo cháy rừng ở khu vực núi Bãi Khem. Vậy là anh em dừng mọi hoạt động, nhanh chóng cơ động ra đám cháy. Khi ngọn lửa được dập tắt thì cũng là thời khắc bước sang năm mới.

Vậy đó, những câu chuyện mà tôi góp nhặt trong hành trình ra đảo nó vốn dĩ giản đơn và bình dị nhưng chất chứa biết bao tình cảm yêu thương giữa quân và dân, giữa đồng đội dành cho nhau mặc cho phía trước bộn bề khó khăn, thử thách. Biển có lúc bình yên nhưng đôi khi lại nổi cuồng phong dữ dội. Dẫu vậy, những người lính trên đảo Tây Nam của Tổ quốc vẫn luôn vững vàng, bền bỉ, kiên trì bám đảo, bám dân và sẵn sàng cho mọi nhiệm vụ phía trước./.

Thế Hiển

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực