Những người “gieo” chữ vùng xa

Thứ sáu, 29/12/2017 10:12
(ĐCSVN) - Hàng ngày, trên những con đường gồ ghề, cheo leo, bốn mùa sương trắng nơi những bản làng lưng chừng con đèo Sa Mù (Hướng Hóa, Quảng Trị) luôn có bóng dáng những trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN) thuộc Trung đoàn Nông lâm 52 (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, Quân khu 4) đến hướng dẫn trẻ em và người dân thôn Tri, xã Hướng Lập học chữ.


Đội TTTTN cùng giáo viên điểm trường mầm non thôn Tri dạy chữ cho các em nhỏ.
Ảnh: MH

Năm nay đã hơn 50 tuổi, nhưng với chị Hồ Thị Liêng, dân tộc Bru Vân Kiều ở thôn Tri và nhiều chị em khác trong thôn vẫn chưa hết cái cảm giác “xấu hổ người ta” khi không biết đọc, biết viết chữ phổ thông... Qua trò chuyện, chị chia sẻ: Từ khi được bộ đội “Ba ba bảy” (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, Quân khu 4) lập thôn, làm nhà để ở, được các cán bộ “áo xanh” hướng dẫn chăn nuôi, trồng rau nên nhiều gia đình đã có của ăn, của để nhưng khổ nhất vẫn là khi xuống chợ xã, chợ huyện bán con gà, con lợn, hay mua cây, con giống, lại phải nhờ người biết cái chữ đi cùng để nhờ tính toán cho đúng giá. Lại có chuyện, có nhiều người ngại ngùng khi được cán bộ bàn giao giấy tờ liên quan đến đất, nhà tái định cư ở thôn Tri, nhưng vì không biết viết tên mình nên phải điểm chỉ vào giấy tờ.

Nhưng từ khi được các TTTTN Trung đoàn 52 đến tận nhà hướng dẫn học chữ, có khi còn theo đi xuống chợ cùng bán rau, bán lợn, gà giúp thì bà con nơi đây mới thấy quý con chữ, mới quyết tâm học cho biết chữ. Nói chuyện với chúng tôi, chị Hồ Thị Mai bảo: “Mặc dù thôn đã có điểm trường cho các con của miềng học, nhưng miềng lớn tuổi rồi mà lại ngồi học với trẻ con thì xấu hổ lắm. Với lại, suốt ngày bám ruộng, bám nương, không có thời gian để học cộng thêm trước đây chưa hiểu cái tốt của việc biết chữ nên càng ngại học... Bây giờ được cán bộ “áo xanh” giúp đã tự viết được tên mình khi cần ký giấy tờ; biết đọc sách, báo để học cách trồng trọt, chăn nuôi sao cho năng suất, hay như lỡ có đi bệnh xá cũng biết đọc cái chữ để đến cho đúng phòng khám...”

Theo Bí thư chi bộ thôn Tri Hồ Khun thì trước đây 34 hộ gia đình ở vị trí thấp trũng, sau khi được Đoàn chuyển lên vị trí tái định cư mới cuộc sống rất khó khăn, thiếu cái ăn, cái mặc chứ chưa nói tới chuyện học con chữ, vì vậy, việc phổ cập xóa mù chữ cho người dân còn gặp nhiều khó khăn. Đây là trở ngại lớn trong việc giải bài toán đẩy nhanh tiến độ nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh của cấp ủy, chính quyền nơi đây. Thượng tá Nguyễn Thành Nam, Chính ủy Trung đoàn 52 cho biết: “Qua nắm bắt tình hình của địa phương, cùng với việc tham mưu cho chỉ huy Đoàn, tổ chức các mô hình giúp người dân thôn Tri ổn định cuộc sống, nhiệm vụ cấp thiết đặt ra mà chỉ huy Đoàn giao cho chúng tôi là phải giảm tỷ lệ mù chữ trong người dân để nâng cao dân trí, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Ngoài thời gian giúp dân chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi, phát triển sản xuất, lực lượng TTTTN còn bám điểm trường mầm non của thôn, cùng giáo viên nơi đây dạy chữ cho các em nhỏ; bám sát các hộ gia đình, tranh thủ thời gian bà con không đi nương rẫy để hướng dẫn mọi người học chữ. Lúc đầu nhiều người cũng ngại, nhưng sau thấy hàng xóm biết đọc, biết viết, lại được sự tuyên truyền của cán bộ thôn nên ai cũng hào hứng học chữ.”

Thượng tá Nguyễn Thành Nam, Chính ủy Trung đoàn 52 trao đổi kinh nghiệm dạy chữ cho đồng bào
với các TTTTN tại điểm tái định cư mới của người dân thôn Tri. Ảnh: MH

Là người nặng tình với người dân thôn Tri, Đội trưởng Đội TTTTN Võ Văn Cảnh, quê ở huyện Vĩnh Linh, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng, được tuyển dụng tham gia dự án 174 của Bộ Quốc phòng, mặc dù hết thời gian 2 năm tham gia dự án nhưng anh tình nguyện đăng ký ở lại, đến nay đã hơn 3 năm anh cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con chốn rẻo cao này. Cảnh nhớ lại: “Ngày mới lên, đường đi cứ hun hút núi cao, cheo leo vách đá, có lúc cũng băn khoăn, lại không có nghiệp vụ sư phạm, bất đồng về ngôn ngữ nên thiếu tự tin khi hướng dẫn các em nhỏ và người dân học chữ. Vận động bà con đồng ý học chữ đã khó, để dạy cho bà con hiểu còn khó hơn. Tôi các bạn trong đội phải tìm cách dạy sao cho bà con dễ hiểu, dễ nhớ. Dần dần, bà con biết viết rồi mới chuyển sang làm phép tính...”

Chẳng quản trời mưa hay nắng, ngày hay đêm tối, các TTTTN nơi đây với vốn kiến thức được trang bị trên giảng đường cao đẳng, đại học, bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ đã và đang miệt mài truyền “con” chữ đến với người dân, giúp bà con biết đọc, biết viết để có thêm kiến thức xóa đói, giảm nghèo. Từ khi chuyển đến điểm tái định cư mới đến nay, 34 hộ dân ở thôn tri với 191 nhân khẩu thì gần 90% người dân đã biết chữ. Trong niềm vui đó, người dân và cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đây luôn nhắc đến tâm huyết của những trí thức trẻ mang trên mình áo xanh tình nguyện Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, những người tiên phong “gieo” chữ vùng đất phía Tây Quảng Trị./.

Trần Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực