Quân khu 4 chủ động phòng chống dịch tả lợn châu Phi

Thứ bảy, 16/03/2019 11:12
(ĐCSVN) - Để chủ động phòng chống dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn Quân khu 4, Phòng Quân nhu, Cục Hậu cần Quân khu đã chỉ đạo các đơn vị triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp phòng chống.

Trong đó, các đơn vị chú trọng phối hợp với chính quyền địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bộ đội và nhân dân; tăng cường lực lượng, phương tiện, lấy phòng làm chính, kiên quyết ngăn chặn từ xa mầm bệnh có thể xâm nhiễm vào đơn vị.

Nhân viên chăn nuôi Tiểu đoàn 14, Lữ đoàn 283 phun thuốc phòng dịch cho đàn lợn

Nhiều chiến sĩ của Trung đoàn 3, Sư đoàn 324, Quân khu 4 tỏ ra lo lắng trước thông tin ở huyện Yên Định và Thiệu Hóa (Thanh Hóa), cách nơi đơn vị đóng quân (huyện Triệu Sơn) chỉ 20-30km xuất hiện một số ổ dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, sau khi sinh hoạt đơn vị, nhiều chiến sĩ chia sẻ: “Được chỉ huy đơn vị quán triệt các chỉ thị, công điện, khẳng định dịch này không lây qua người, đơn vị đã có các biện pháp phòng bệnh cho đàn lợn và 100% thịt lợn đưa vào bữa ăn là sản phẩm chăn nuôi của đơn vị nên chúng em rất yên tâm”.

Trung tá Trần Văn Dũng, Chủ nhiệm Hậu cần Trung đoàn 3 cho biết: “Quán triệt nghiêm túc các chỉ thị, công điện của cấp trên về công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Ban Hậu cần Trung đoàn đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên tuyên truyền để cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ sự nguy hiểm, triệu chứng của bệnh cũng như các biện pháp phòng, chống đã triển khai, tránh tâm lý hoang mang, ảnh hưởng tới công tác chăn nuôi. Hiện nay, tổng đàn lợn của Trung đoàn là 850 con, trong đó, lợn thịt 790 con, lợn nái sinh sản 60 con, để dịch không xâm nhiễm, đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó, quan trọng hàng đầu là “ngoại bất nhập”. Nghĩa là người không nhiệm vụ không vào khu chăn nuôi, người đơn vị vào chuồng phải khử trùng, kiên quyết không để dịch xâm nhiễm”.

Tại Tiểu đoàn 14, Lữ đoàn 283, chúng tôi thấy tổ chăn nuôi đang tổng dọn vệ sinh, phát quang quanh khu chăn nuôi, rải vôi bột cổng vào, phun thuốc phòng dịch trực tiếp lên đàn lợn. Thượng úy Nguyễn Đình Thông, tổ chăn nuôi cho biết: “Chúng tôi thường xuyên cập nhật thông tin về dịch bệnh, nắm chắc các biểu hiện, triệu chứng của bệnh. Đối với thức ăn của lợn, chúng tôi tận dụng lượng thức ăn thừa tại bếp, khai thác thêm sản phẩm tăng gia như chuối, bèo, rau, củ rồi nấu lại kỹ mới cho lợn ăn, ngoài ra còn sử dụng lá chanh, vỏ cam, vỏ bưởi, sả để xông cho đàn lợn”.

Theo Thượng tá Trần Xuân Hòe, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 283, để chủ động trong công tác phòng chống, quân y đơn vị thường xuyên cập nhật tình hình dịch qua các phương tiện thông tin và hệ thống y tế, thú y địa bàn đóng quân. Chú trọng vệ sinh chuồng trại, vệ sinh môi trường, quản lý chặt chẽ nguồn giống, xuất nhập, giết mổ đúng quy trình, quy định. Đơn vị luôn chủ động phối hợp với địa phương vận động nhân dân trên địa bàn thực hiện 5 không: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt. Đó cũng là biện pháp thiết thực để ngăn chặn từ xa nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm vào đơn vị.

Kết nối điện thoại với chỉ huy các đơn vị đầu mối trực thuộc Quân khu, chúng tôi được biết, hàng ngày bộ phận chăn nuôi đều vệ sinh cơ giới, rắc vôi bột quanh khu chăn nuôi; định kỳ 1-2 lần/tuần tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi, phương tiện ra vào bằng các hóa chất: Bencozid, iodine, handiol…; cổng khu chăn nuôi đều có hố khử trùng; hạn chế tối đa người ra vào chuồng trại, khi vào phải sát trùng; có biện pháp diệt, xua đuổi côn trùng, chuột, chim… Tổ chức chăn nuôi khép kín từ khâu sản xuất con giống đến nuôi dưỡng, giết mổ, chế biến và sử dụng sản phẩm. Đối với địa bàn có dịch, chỉ sử dụng con giống của đơn vị. Những đơn vị ở địa bàn chưa có dịch mà chưa tự túc được định lượng thịt hay con giống thì phải mua tại các cơ sở có uy tín, nguồn gốc rõ ràng, nuôi cách ly để theo dõi trước khi nhập chuồng.

Thượng tá Đinh Viết Liệu, Phó trưởng phòng Quân nhu cho biết: “Số đầu lợn trong Quân khu hiện nay gần 13.300 con, đây là nguồn cung cấp thực phẩm chính trong bữa ăn hàng ngày của bộ đội. Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra, tỷ lệ chết 100% và chưa có vắc xin, thuốc điều trị, vì vậy, chúng tôi chỉ đạo các đơn vị hạn chế tái đàn, huy động mọi nguồn lực, phương tiện làm tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Với phương châm “phòng hơn chống, lấy phòng làm chính”, toàn Quân khu kiên quyết không để dịch bệnh ảnh hưởng đến đàn lợn, các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác chăn nuôi theo đúng Chỉ lệnh công tác Hậu cần năm 2019”.

Tin, ảnh: Trần Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực