Sâu đậm tình nghĩa quân dân

Thứ hai, 25/02/2019 16:16
(ĐCSVN) - Những ngày Xuân này, trên các bản làng dọc tuyến biên giới Việt – Lào từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế rực rỡ sắc màu của hoa đào, hoa mận,... Niềm vui, niềm hạnh phúc dường như được nhân lên bởi những câu chuyện thắm đượm nghĩa tình quân dân của Bộ đội Biên phòng với bà con dân bản.
Đồn Biên phòng Hạnh Dịch giúp xã Nậm Giải, Quế Phong, Nghệ An làm đường giao thông.
Ảnh: Ngọc Thăng.

Mùa Xuân này, đường đến với các bản làng nơi núi rừng Trường Sơn thuộc các huyện miền núi Quảng Bình không còn khó khăn như xưa. Tuyến đường nhựa từ thị trấn Kiến Giang uốn quanh lưng chừng núi đưa chúng tôi đến với bà con Vân Kiều các xã miền núi huyện Lệ Thủy không còn lầy lội, ổ trâu, ổ gà như trước đây mà thay vào đó là những tuyến đường rải nhựa phẳng lỳ. Trên chuyến xe cùng đoàn công tác Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình đi thăm, tặng quà các Đồn Biên phòng nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng, phóng tầm mắt ra hai bên đường đâu đâu cũng bạt ngàn một màu xanh của các loại cây công nghiệp như cao su, hồ tiêu…

Ngôi cạnh tôi, đồng chí Nguyễn Xuân Quang - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình chia sẻ: “Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay, góp sức của các ban, ngành, lực lượng các đơn vị LLVT, trong đó có sự đóng góp  lớn của Bộ đội Biên phòng, đến nay, đời sống bà con các dân tộc nơi núi rừng Quảng Bình từng bước được nâng lên. Năm nay bà con trên dãy Trường Sơn đón một cái Tết với nhiều niềm vui mới. Từ phong trào xây dựng nông thôn mới với sự chung sức của các ban, ngành, lực lượng và sự đóng góp của bà con, nhiều công trình đã được đưa vào sử dụng. Nhiều nơi bà con đã trồng được 2 vụ lúa nước nên cuộc sống đã khá hơn rất nhiều”.

Trên hành trình vào Đồn Biên phòng Làng Ho, đoàn công tác ghé thăm bà con bản Làng Ho thuộc xã Kim Thủy. Nằm trung tâm bản với những ngôi nhà sàn lợp ngói đỏ tươi, được dựng lên từ sự giúp đỡ, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các nhà hảo tâm và Bộ đội Biên phòng là ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng của bản. Trong ngôi nhà rộn ràng tiếng reo hò hòa cùng tiếng trống, tiếng chiêng. Xe vừa dừng bánh, già làng Hồ Nữ cùng bà con dân bản vui mừng ra đón khách. Những cái bắt tay, những câu chào hỏi rộn ràng cả một vùng núi rừng. Khi mọi người đã vào chỗ ngồi, cũng là lúc tiếng khèn Aman cất lên, các chàng trai cô gái trong những bộ váy áo sặc sỡ tay trong tay, vừa nhảy vừa hát bằng điệu Tà Oái. Nội dung bài hát nói về sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, của Bộ đội Cụ Hồ đối với dân bản. Không chỉ cho bà con cái nhà, cái nước sạch, cái điện thắp sáng mà các chú bộ đội còn bày cho đồng bào làm lúa nước, nuôi con lợn, con bò… Bản làng biết ơn Bộ đội Cụ Hồ nhiều lắm…

Mang theo niềm vui của đồng bào Vân kiều, bản làng Ho, chúng tôi đến bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Buổi sáng cuối tháng Giêng se lạnh nơi biên cương đại ngàn Trường Sơn, tiếng nói tiếng cười của bà con cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bản Giàng (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) đang chạy đua để kịp cấy xong diện tích lúa vụ Xuân. Từ những đôi tay thuần thục, cánh đồng lúa nước dần phủ một màu mạ xanh mướt, đẹp như một bức tranh.

 

“Không có các chú, các anh, bọn tui bây giờ không biết ra sao nữa! Tình cảm của bộ đội dành cho đồng bào lớn lắm! Các chiến sĩ gắn bó với dân, cùng lợp nhà, cuốc đất, trồng lúa, phát gạo, phát thuốc cho bà con… Thậm chí, phụ nữ trong bản trở dạ, chính các chiến sĩ trở thành “bà đỡ”. Trong khi vẫn còn nhiều người mù chữ, lớp học được mở ra và các chiến sĩ Biên phòng phải đến từng nhà vận động người dân đi học để thoát nghèo. Rồi chuyện cấy lúa, trồng ngô, trồng sắn, cũng chính những người thầy “Quân hàm xanh” ở đây hướng dẫn cho dân bản” - Trưởng bản Rào Tre, bà Hồ Thị Kiên nói.

Những ngày đầu năm Kỷ Hợi, đến với các xã biên giới huyện Mường Lát (Thanh Hóa), điều dễ cảm nhận là không khí mùa xuân trên bản làng tràn ngập khắp nơi. Dưới mái ấm của những ngôi nhà mới vừa được dựng lại sau đợt lũ hồi tháng 9 năm 2018, trước sân những cành đào đã bung nở, trẻ em trong những bộ quần áo mới vui đùa dưới nắng xuân.

Cơn lũ đi qua, 65 ngôi nhà ở bản Poọng, xã Tam Chung, Mường Lát trở thành những đống đổ nát. Trong hoạn nạn, các chiến sĩ Biên phòng kịp thời có mặt cứu bà con thoát khỏi hiểm nguy và đưa về đơn vị phục vụ ăn uống, sinh hoạt cho cả trăm người hàng chục ngày trời. Sau lũ, Bộ đội Biên phòng lại cùng các lực lượng bắt tay vào công cuộc giúp nhân dân dựng nhà, ổn định cuộc sống.  

Chị Giàng A Sia ở bản Suối Phái, xã Tam Chung ôm đứa con chừng 5 tháng tuổi xúc động nói với chúng tôi: “Bộ đội Biên phòng Tam Chung là ân nhân của con tôi đấy anh ạ”. Được biết, trong trận lũ đêm ngày 4 tháng 9 năm 2018, đúng lúc chị chuyển dạ. Tình huống hết sức nguy kịch, căn nhà cheo leo bên suối bị nước cuốn trôi, cả gia đình chị đang chới với giữa hiểm nguy thì đúng lúc đó, Bộ đội Đồn Biên phòng Tam Chung có mặt. Gia đình chị nhanh chóng được bộ đội đưa về đơn vị và Thượng úy Lê Thanh Minh, y sĩ Đồn Biên phòng Tam Chung trở thành bà đỡ cho con chị. Vì thế, chị xin phép được lấy tên Y sĩ Minh đặt cho con mình.

Chia tay quân và dân nơi miền biên viễn, chúng tôi xuôi về các làng quê ven biển. Những ngày đầu năm, bà con ngư dân các làng biển miền Trung phấn khởi sau những chuyến biển bội thu cá tôm.

Trò chuyện với chúng tôi, ngư dân Bùi Duy Ninh ở xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) không quên nhắc lại câu chuyện Bộ đội Biên phòng Nghệ An cứu mình thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Anh Bùi Duy Ninh kể lại, chiều ngày 20/12/2018, anh cùng 6 ngư dân đang đánh cá trên vùng biển cách khu vực đảo Mắt khoảng 13 hải lý, không may bị tời quật trúng vùng bụng gây chấn thương nặng. Nhận được tín hiệu cấp cứu khẩn cấp, Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã cử một tổ quân y lên tàu khẩn trương ra khơi cứu anh. Sau khi tiếp cận hiện trường, các chiến sĩ quân y đã sơ cứu và đưa anh vào Bệnh viện Quân y 4 chữa trị. Theo anh Ninh, nếu không có sự cấp cứu kịp thời của Bộ đội Biên phòng thì tính mạng anh rất nguy hiểm, bởi vết thương ổ bụng làm vỡ lách, ảnh hưởng phổi nên anh rất khó thở.

Mạng những điều chứng kiến trao đổi với Thượng tá Phạm Thiệu Kỳ - Phó trưởng phòng Biên phòng Quân khu 4, anh cho biết:  Dường như, việc giành lấy hiểm nguy, vất vả, nhường lại sự yên bình, hạnh phúc cho nhân dân là lẽ thường tình không chỉ của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng trên địa bàn Quân khu 4 mà đó là truyền thống của Bộ đội Biên phòng Việt Nam trong suốt 60 năm qua. Thực hiện khẩu hiệu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, bà con các dân tộc là anh em ruột thịt”, những năm qua,  cán bộ, chiến sĩ Biên phòng các đơn vị trên địa bàn Quân khu luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, xây dựng biên cương ngày càng giàu mạnh./.

Phùng Ngọc Thăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực