Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 - Ý chí quyết thắng của dân tộc​

Thứ sáu, 16/02/2018 16:14
(ĐCSVN) - Nửa thế kỷ đã trôi qua, dư âm của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 mãi mãi khắc sâu vào lịch sử dân tộc như một bản anh hùng ca bất diệt của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhân dịp này, Thiếu tướng Lê Huy Mai, nguyên Phó chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng, người có 10 năm liên tục chiến đấu trên chiến trường Trị Thiên chia sẻ những kỷ niệm không thể nào quên.

Nhớ lại những ngày này cách đây 50 năm, trong mắt người lính già vẫn ánh lên niềm tự hào. Ông kể: Khi Bác Hồ đọc thơ chúc Tết chính là lúc chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ tập kết qua sông Cửa Việt, chuẩn bị cho trận chiến đấu trên chiến trường Trị Thiên trong Tổng tiến công và nổi dậy lịch sử này.

Bộ Chính trị, BCH T.Ư Đảng Lao động Việt Nam họp bàn Tổng tiến công

và nổi dậy Mậu Thân 1968, đưa cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới (tháng 12-1967) - Ảnh: tư liệu)

Theo kế hoạch tác chiến chiến lược cho năm 1968 của T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị là một trong những hướng chiến lược quan trọng thu hút, kìm giữ lực lượng chủ lực địch, tạo điều kiện cho các nơi, trực tiếp là khu vực Thừa Thiên - Huế thực hiện Tổng tiến công và nổi dậy.

Ngày 26 Tết Mậu Thân 1968, lúc bấy giờ cựu chiến binh (CCB) Lê Huy Mai đang là Đại đội trưởng Đại đội trinh sát Trung đoàn 1, Sư đoàn 324, nhận được lệnh về Vĩnh Linh chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới. Cuộc họp tại Trung đoàn bộ diễn ra hôm sau, Trung đoàn trưởng Từ Duyệt phổ biến nhiệm vụ: Trung đoàn được giao nhiệm vụ đảm nhiệm một mũi thọc sâu chiến dịch. Trung đoàn phải vượt sông Cửa Việt, băng qua vùng đồng bằng Quảng Trị, Thừa Thiên rồi tiến vào bờ bắc sông Hương, cắt đứt đường vận chuyển thủy của địch từ cảng Thuận An vào T.P Huế. Các đơn vị được lệnh trở về chủ động ăn Tết sớm. Chậm nhất vào ngày 29 Tết (tức ngày 30-1-1968) phải hoàn thành công tác chuẩn bị, sẵn sàng xuất phát.

Đại đội trưởng Lê Huy Mai nhận nhiệm vụ cụ thể: “Ngoài việc nắm tình hình địch, các đồng chí phải tìm mọi cách liên lạc với các lực lượng địa phương, xác định đường tiến quân của Trung đoàn nhanh nhất, tốt nhất. Cần cho ngay một tổ trinh sát đi trước chuẩn bị phương án cho Trung đoàn vượt sông”.

Hai ngày trước Tết Mậu Thân, không khí chuẩn bị khẩn trương, háo hức ngập tràn ở Đại đội trinh sát. Chiều 30 Tết, Trung đoàn 1 bí mật hành quân tiếp cận bờ Bắc sông Bến Hải, để tối đến vượt sông. Tuy nhiên, đến phía tây đồn Nhị Hạ ở Gio Linh, đột nhiên pháo và súng cối bắn trúng đội hình bộ đội, khiến nhiều người thương vong. Khi tới gần bắc cầu Lâm Xuân chừng 200m, đội hình ùn lại vì pháo địch bắn chặn. Ông Mai quan sát thấy cứ 5 phút có một loạt pháo, bắn chụm bán kính chừng 100m quanh cầu, nên ông đề xuất với chỉ huy Trung đoàn cho các đơn vị chia thành phân đội nhỏ vượt cầu khi vừa dứt loạt pháo để tránh thương vong. Kiến nghị được chấp nhận và đại đội trinh sát đã theo cách này vượt cầu an toàn. Ông Mai cùng một tổ sau khi qua cầu đã quay lại báo cáo kết quả và cách vượt cầu được phổ biến cho từng đơn vị. Hai tiếng sau toàn trung đoàn đã vượt cầu Lâm Xuân an toàn.

Đơn vị tiếp tục hành quân. Khi qua một vùng cát mênh mông tiến về bắc sông Cửa Việt, pháo địch đột ngột bắn tới tấp vào đội hình hành quân của Trung đoàn (sau mới biết, do bị lộ thông tin nên trung đoàn mới bị pháo kích). Lúc này đội hình hành quân của đơn vị với gần ngàn người bị ùn lại, phơi mình trên bãi cát. Trong phút chốc đơn vị đã có gần 50 chiến sĩ bị thương vong. Tin phía trước chuyền về: “Lạc đường rồi”. Đại đội trinh sát nhận được lệnh khẩn trương tổ chức tìm đường đưa bộ đội vào chiếm lĩnh bờ bắc sông Cửa Việt trước trời sáng để hạn chế thương vong. Ông Mai lần nữa đưa ra ý kiến: “Trong lúc tìm đường, đề nghị cho bộ đội dừng lại tản ra, đào hầm nhanh trên cát nấp bom bi và mảnh đạn pháo của địch”. Ý kiến đề xuất của ông Mai được Trung đoàn trưởng cho chuyển tới các đơn vị và có hiệu quả rất rõ trong phòng tránh bom đạn địch. Thời hạn chốt tập kết là 4h30 thì đến gần 3 giờ sáng, các chiến sĩ trinh sát đã tìm được đường đến bờ bắc sông Cửa Việt. Đó là con đường hành quân đến làng Vinh Quang Hạ và Vinh Quang Thượng ở bắc sông Cửa Việt. Theo trinh sát dẫn đường, các đơn vị nhanh chóng chiếm lĩnh hai làng đúng địa điểm đã định vào rạng sáng mồng 1 Tết. Thật là một đêm 30 Tết đầy cam go và thử thách với Trung đoàn.

Hoàn thành nhiệm vụ, Chính trị viên Đại đội Nguyễn Bá Cự truyền tới tin vui: Đêm qua, lúc chúng ta đội bom, đạn pháo địch, là lúc Bác Hồ đọc thơ chúc Tết:

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,

Thắng trận tin vui khắp nước nhà.

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ.

Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta.

Thơ chúc Tết của Bác cũng chính là hiệu lệnh mở đầu Tổng tiến công và nổi dậy của Quân Giải phóng trong mùa xuân này.

Ngay tối 1 Tết, Trung đoàn vượt sông, đánh chiếm đồn Gia Độ bờ nam sông Cửa Việt, thu toàn bộ vũ khí, bắt sống hàng trăm tên địch giao cho bộ đội địa phương quản lý. Ngày mùng 4 Tết, Trung đoàn đánh trận tại khu vực làng Lâm Xuân, tiêu diệt nhiều địch, rồi tạm thời dừng chân tại vùng 6, thôn Gia Đăng, xã Triệu Độ, Triệu Phong, Quảng Trị để chuẩn bị cho đợt tiến công tiếp.

Nhận định về chiến thắng có ý nghĩa lịch sử của Chiến dịch Mậu Thân 1968, CCB Lê Huy Mai khẳng định:Sau nửa thế kỷ, chúng ta có thêm những cứ liệu lịch sử để nhìn nhận toàn diện hơn, sâu sắc hơn về sự kiện Mậu Thân 1968, càng thêm tự hào về truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc, đồng thời biết trân trọng một biểu tượng sáng ngời - tiêu biểu cho ý chí quyết chiến, quyết thắng của dân tộc Việt Nam. Đó là nền tảng, là vốn quý báu để phát huy nội lực xây dựng và phát triển đất nước trong điều kiện mới hiện nay./.

An Nguyên (Ghi)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực