Xuất hiện cục diện mới với những toan tính mới ở Trung Đông

Thứ ba, 17/10/2017 09:54
(ĐCSVN) - Trong bối cảnh cuộc chiến ở Syria đang đi dần đến hồi kết, Nga kỷ niệm 2 năm mở chiến dịch quân sự chống IS ở Syria, đã liên tiếp diễn ra các động thái rất đáng chú ý. Một cục diện mới đang xuất hiện với những toan tính mới tại khu vực nóng bỏng này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp Quốc vương Saudi Arabia. (Ảnh: Sputnik)

Đó là, các chuyến thăm của Quốc vương Salman Saudi Arabia tới Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Ankara, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tới Teheran; Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố không xác nhận việc Iran tuân thủ Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA), cuộc trưng cầu dân ý của người Kurd ở Iraq và Syria phản đối Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân xâm nhập biên giới của nước này... khiến cho  cục diện chính trị mới ở Trung Đông đang có những thay đổi với những toan tính mới..

Saudi Arabia “đa dạng hóa quan hệ đối ngoại”

Trong chuyến thăm Nga của Quốc vương Saudi Arabia Salman (5 - 7/10), trong các cuộc đối thoại hai bên đã đặt trọng tâm thảo luận vào tình hình ở Syria, Iraq, Libya, Yemen, khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh, hòa bình giữa Israel – Palestine và ưu tiên vẫn là cuộc chiến chống IS.

Chuyến thăm của Saudi Arabia đến Nga được đánh giá là rất thành công khi hai nước đã ký một loạt các thỏa thuận về quân sự, kỹ thuật và năng lượng. Nhưng quan trọng hơn cả là hai bên đều nỗ lực để thúc đẩy đối thoại chiến lược song phương trong những lĩnh vực mà cả hai nhận thấy có thể có tiếng nói chung”, nhất là các vấn đề ở Iraq, Yemen và Syria.

Vì thế, chuyến thăm của Quốc vương Saudi Arabia Salman được kỳ vọng sẽ tạo ra những bước ngoặt lớn tại Trung Đông bởi cả Nga và Saudi Arabia đều được coi là “những nhân tố mang tính quyết định” cho cục diện khu vực. Trong khi Nga đang chứng tỏ là một nhân tố có thể đóng vai trò trung gian hòa giải cho các cuộc xung đột tại đây.

Theo ông Maksad, Saudi Arabia đã nhận thức rõ ràng rằng, Nga sẽ trở thành một đối tác quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria dù Nga và Saudi Arabia vẫn có những bất đồng liên quan đến ảnh hưởng của Iran trong khu vực.

Vì thế, “Saudia Arabia tuyên bố ủng hộ khuôn khổ đàm phán hòa bình Astana do Nga khởi xướng trong khi vẫn tuyên bố rằng, tiến trình chuyển giao chính trị tại Syria cần phải tuân thủ những điều kiện được nêu trong khuôn khổ Hiệp định Geneva, trong đó kêu gọi chia sẻ quyền lực giữa chính quyền Syria và phe đối lập”.

Giới phân tích cho rằng, chuyến thăm của Saudi Arabia đến Nga có ý nghĩa “biểu tượng” rất lớn, thể hiện Riyadh “đã sẵn sàng cho việc phát triển mối quan hệ với LB Nga, vốn lâu nay ở tình trạng căng thẳng”, nhất là vấn đề ở Yemen, Iraq. Việc Saudi Arabia mua vũ khí của Nga mở ra cơ hội chiến lược mới cho quan hệ “đa phương”, cho dù Washington không hài lòng nhưng đây là hướng đi mới đa dạng mối quan hệ với các cường quốc bên ngoài của Saudi Arabia.

Thổ Nhĩ Kỳ “ra quân”

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố kế hoạch triển khai Quân đội nước này đến tỉnh Idlib của Syria, nơi Quân đội Syria Tự do (được Ankara ủng hộ) đã khởi động chiến dịch chống lại lực lượng Mặt trận al-Nusra Front.

Lực lượng của Tahrir al-Sham, hiện đang chiếm đóng Idlib, nhóm phiến quân này chịu sự chi phối của nhóm al-Nusra Front có liên hệ với al-Qaeda. Nhóm này không tham gia việc thiết lập một khu vực giảm leo thang ở tỉnh Idlib đã được thỏa thuận trong các cuộc đàm phán hòa bình ở Astana do Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan nói: “Chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép sự tồn tại một hành lang khủng bố dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria. Chúng tôi sẽ tiếp tục có những động thái khác sau chiến dịch Idlib”.

Ông Erdogan còn cho biết, Nga đã đồng ý yểm trợ trên không cho chiến dịch này. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moscow sẵn sàng hỗ trợ cho các nhóm vũ trang chống lại Mặt trận al-Nusra tại khu vực giảm leo thang xung đột ở tỉnh Idlib. Ông Lavrov nói: “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đảm bảo an ninh ở tỉnh Idlib, trong khi Nga sẽ đảm bảo an ninh bên ngoài ranh giới tỉnh Idlib”.

Mỹ xé JCPOA

Ngày 13/10, trong bài phát biểu về chiến lược mới đối với Iran, Tổng thống Mỹ Donald Trump bác bỏ xác nhận việc Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân mà Tehran ký với nhóm P5+1. Tổng thống Mỹ tố cáo Iran vi phạm “tinh thần” của Thỏa thuận tuy nhiên ông không đưa ra bằng chứng nào xác thực.

Ông Trump đã “đá quả bóng” sang cho Quốc hội, buộc Quốc hội Mỹ trong 60 ngày tới sẽ phải ra quyết định xem có áp đặt trở lại các biện pháp cấm vận liên quan chương trình hạt nhân Iran hay không.

Phản ứng với quyết định của Tổng thống Mỹ, Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định, Iran sẽ duy trì các cam kết đối với thỏa thuận hạt nhân chừng nào thỏa thuận này phục vụ các lợi ích quốc gia của Tehran. Nga và các đồng minh châu Âu của Mỹ đều bày tỏ quan ngại về hậu quả nếu Mỹ rút khỏi JCPOA.

Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận này sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực, làm tổn hại bầu không khí an ninh, ổn định và không phổ biến hạt nhân trên phạm vi toàn cầu.

Trong một tuyên bố chung, lãnh đạo các nước Pháp, Anh và Đức đã cảnh báo về việc Mỹ thực hiện các hành động đơn phương có thể gây tổn hại cho JCPOA. Các nước châu Âu này khẳng định và chia sẻ quan ngại của Washington về chương trình tên lửa đạn đạo của Tehera, đồng thời sẵn sàng phối hợp với Mỹ nhằm giải quyết quan ngại này.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết, quân đội Mỹ đang xác định các lĩnh vực mới để có thể hợp tác với các đồng minh nhằm gây áp lực với Iran, qua đó hỗ trợ chiến lược mới của Tổng thống Donald Trump. Ông Mattis khẳng định sẽ thảo luận với các đồng minh nhằm đạt nhận thức chung về hành động đối với Iran.

Như vậy, sau gần 7 năm với sự nỗ lực của Syria, nhất là sự giúp đỡ có hiệu quả của Nga, cùng với những quan điểm thực tế của cộng đồng quốc tế, cuộc chiến Syria đã dần đi đến hồi kết. Tuy nhiên, với những động thái của một số nước, giới phân tích cho rằng, vị thế địa - chiến lược khu vực, cùng những tham vọng lợi ích của các cường quốc, rất có thể đang hình thành cục diện mới phức tạp hơn tại Trung Đông ảnh hưởng đến tiến độ vãn hồi hòa bình cho khu vực vốn đã chịu nhiều đau khổ./.

Nguyễn Nhâm
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực