Chính sách tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế Tây Nguyên

Thứ bảy, 23/05/2015 19:04
(ĐCSVN) - Hiện nay, mạng lưới ngân hàng đã bao phủ hầu hết các địa phương trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong công tác huy động vốn do đặc thù về địa hình, điều kiện kinh tế - xã hội của khu vực nhưng các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tích cực, chủ động tiếp cận khách hàng thông qua nhiều sản phẩm qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Tây Nguyên.

 

 Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)

Bao phủ hầu hết địa bàn các tỉnh Tây Nguyên

Tây Nguyên nằm ở khu vực Miền Trung Việt Nam, bao gồm 5 tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng với diện tích tự nhiên trên 54.500 km2, dân số hơn 5 triệu người và ở độ cao trên 500 m so với mặt nước biển. Với điều kiện tự nhiên, khí hậu đặc biệt, sở hữu trên 2 triệu héc ta đất đỏ bazan màu mỡ, khu vực Tây Nguyên rất phù hợp để phát triển các cây công nghiệp có giá trị xuất khẩu cao như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều và có tiềm năng phát triển cây mắc ca. Cà phê hiện nay là cây công nghiệp chủ lực trên địa bàn Tây Nguyên, chiếm 92% sản lượng cả nước và đóng góp khoảng 30% GDP tại các tỉnh trong khu vực. Ngoài ra, với vị trí ở lưu vực 3 con sông lớn là sông Sê San, Srepok và sông Đồng Nai, Tây Nguyên còn có tiềm năng lớn về thủy điện và có trữ lượng khá về các loại khoáng sản như bô xít, quặng vàng, đá quý...

Hiện nay, mạng lưới ngân hàng đã bao phủ hầu hết các địa phương trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Bên cạnh 05 chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại 05 tỉnh khu vực Tây Nguyên thì các NHTM Nhà nước và Ngân hàng Chính sách xã hội đã có chi nhánh, phòng giao dịch đến địa bàn từng tỉnh trong khu vực. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ Tín dụng nhân dân đã có các điểm giao dịch đến tận các huyện, xã vùng sâu, vùng xa để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân. Bên cạnh đó, một số ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín, Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Đông Á, Ngân hàng TMCP Phương Đông… cũng tham gia tích cực trong việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp vốn phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Võ Minh Tuấn – Phó Vụ trưởng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), mặc dù gặp nhiều khó khăn trong công tác huy động vốn do đặc thù về địa hình, điều kiện kinh tế xã hội của khu vực, các tổ chức tín dụng (TCTD) trong các năm qua đã tích cực, chủ động tiếp cận khách hàng thông qua nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đa dạng và phù hợp nên nguồn vốn huy động tại khu vực luôn tăng trưởng mạnh qua từng năm. Đến 31/12/2014, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn 05 tỉnh khu vực Tây Nguyên đạt 84.743 tỷ đồng, tăng 19,79% so với 31/12/2013, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước (17,62%) và chiếm tỷ trọng 1,9% tổng nguồn vốn huy động toàn nền kinh tế.

Tuy nhiên, nguồn vốn huy động tại chỗ trong các năm qua mới chỉ đáp ứng được 57,5% tổng nhu cầu vốn của các địa phương trong khu vực. Vì vậy, ngành ngân hàng đã chủ động cân đối, điều chuyển nguồn vốn từ các khu vực khác để đảm bảo vốn tín dụng luôn đáp ứng kịp thời nhu cầu đầu tư tại khu vực Tây Nguyên.

Đến 31/12/2014, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đạt 145.479 tỷ đồng, tăng 16,95% so với cuối năm 2013, tăng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế (14,16%) và chiếm tỷ trọng 3,66% so với tổng dư nợ toàn nền kinh tế cả nước.

Nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đa dạng được triển khai

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, trong nhiều năm qua, ngành ngân hàng luôn xác định việc đầu tư vốn tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên, góp phần quan trọng giúp phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung và khu vực Tây Nguyên nói riêng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đến 31/12/2014 tại khu vực Tây Nguyên đạt 70.646 tỷ đồng, tăng 15,09% so với 31/12/2013, chiếm 48,56% tổng dư nợ cho vay tại khu vực và chiếm 9,49% dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc. Đến 31/3/2015, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực này đã đạt 72.971 tỷ đồng, tăng 3,29% so với cuối năm 2014. Các NHTM trên địa bàn đang đẩy mạnh việc cung cấp tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất, thu mua, chế biến các cây công nghiệp thế mạnh của khu vực như cà phê, điều, cao su, hồ tiêu. Đến 31/3/2015, dư nợ cho vay phát triển các cây công nghiệp tại khu vực đạt 43.950 tỷ đồng, tăng 7,44% so với cuối năm 2014. Trong đó, dư nợ cho vay đối với cây cà phê đạt 32.526 tỷ đồng, tăng 8,37% so với 31/12/2014 (chiếm 78,58% dư nợ cho vay cà phê toàn quốc).

Bên cạnh đó, với mục tiêu hỗ trợ phát triển bền vững ngành nông nghiệp, ngành ngân hàng đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai chương trình cho vay thí điểm theo mô hình liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao đối với các sản phẩm nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 05/3/2014 của Chính phủ. Đến nay, NHNN đã phê duyệt cho 31 dự án của 28 doanh nghiệp tại 22 tỉnh, thành phố tham gia chương trình thí điểm.

Ngoài ra, chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp được ngành ngân hàng phối hợp với các cấp chính quyền địa phương triển khai từ đầu năm 2014 tại tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước đã tạo cầu nối hiệu quả giữa ngân hàng và doanh nghiệp, giúp ngành ngân hàng từng bước tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, duy trì và ổn định sản xuất. Tính đến hết quý 1 năm 2015, tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay mới theo các chương trình kết nối tại khu vực đạt hơn 25.000 tỷ đồng với 2.800 doanh nghiệp và hơn 4.000 tỷ đồng dư nợ của khoảng 200 doanh nghiệp đã được các ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ và điều chỉnh giảm lãi suất khoản vay.

Việc triển khai đồng bộ các chương trình tín dụng đặc thù đối với ngành, lĩnh vực có thế mạnh của khu vực, các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước đã góp phần quan trọng giúp tăng trưởng kinh tế khu vực Tây Nguyên năm 2014 đạt 8,74%, cao hơn mức tăng trưởng kinh tế cả nước.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc đầu tư tín dụng nói riêng cũng như hoạt động ngân hàng nói chung tại khu vực Tây Nguyên còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Võ Minh Tuấn, khu vực Tây Nguyên là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, trình độ sản xuất nhìn chung còn yếu kém, vì vậy hiệu quả đầu tư vào khu vực này còn thấp.

Bên cạnh đó, những khó khăn về địa lý, kinh tế - xã hội nên mạng lưới của các ngân hàng thương mại trên địa bàn Tây Nguyên chủ yếu là các ngân hàng thương mại Nhà nước, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và các ngân hàng thương mại cổ phần đã xuất hiện nhưng vẫn còn thưa thớt. Số lượng chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng tại các vùng sâu, vùng xa còn hạn chế;

Đặc biệt, nhu cầu vốn tín dụng ưu đãi ngày càng lớn trong khi nguồn vốn ưu đãi có hạn, vốn tín dụng ngân hàng vẫn chưa đáp ứng hết được nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh và nâng cao đời sống nhân dân, nhất là các khu vực kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Một bộ phận hộ nghèo, hộ cận nghèo còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào chính sách nhà nước, việc sử dụng vốn vay kém hiệu quả; công tác bình xét, lập danh sách cho vay ở một số nơi còn chậm.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư tín dụng vào khu vực Tây Nguyên để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của khu vực. Theo đó, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung và đầu tư đối với sản phẩm thế mạnh của khu vực như cà phê, điều, cao su, hồ tiêu... nói riêng là những lĩnh vực ưu tiên và ngành ngân hàng sẽ tập trung vốn để đầu tư, khai thác có hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của các sản phẩm này tại khu vực Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án trọng điểm có tác động lan tỏa trong khu vực nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của từng địa phương và cả khu vực Tây Nguyên. Cùng với đó, ngành ngân hàng sẽ thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ dân, nâng cao khả năng tiếp cận vốn của khách hàng; rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong việc cho vay đối với khách hàng, như cho vay lưu vụ, cho vay thông qua chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, cho vay sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... 

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực