Ngành Ngân hàng cần định hướng phát triển để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Thứ tư, 01/08/2018 16:40
(ĐCSVN) - Cuộc cách mạng công nghệ (CMCN) 4.0 được đánh giá sẽ mang lại những tác động tích cực, tạo cơ hội lớn cho ngành Ngân hàng Việt Nam trong việc tiếp nhận những tiến bộ khoa học công nghệ của các quốc gia đi trước, nhưng cũng khó tránh khỏi những khó khăn nếu muốn ứng dụng thành công những thành tựu công nghệ mới.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: MP

Cơ hội lớn trong quá trình phát triển

Cuộc CMCN 4.0 mang đến những cơ hội lớn cho hệ thống ngân hàng Việt Nam trên nhiều khía cạnh. Theo đó hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ gia tăng việc tiếp cận thị trường quốc tế cho các ngân hàng trong nước. Các ngân hàng Việt Nam có thể nâng cao khả năng tiếp cận thị trường và đầu tư qua biên giới thông qua các hiệp định đối tác thương mại mà Việt Nam là thành viên. Với sự xuất hiện của CMCN 4.0, không chỉ các "ông lớn" mà toàn hệ thống các ngân hàng Việt Nam sẽ có nhiều hơn cơ hội vươn cánh tay ra ngoài lãnh thổ, mở rộng phạm vi hoạt động và tạo dựng thương hiệu trên thị trường quốc tế nếu kịp thời nắm bắt được lợi thế của cuộc cách mạng này. Các ngân hàng Việt Nam có cơ hội tiếp cận và tham gia vào một sân chơi kinh doanh bình đẳng mang tính chất toàn cầu, có tính chuyên nghiệp cao; đồng thời người tiêu dùng Việt Nam sẽ được hưởng nhiều hơn những lợi ích từ sân chơi này.

Bên cạnh đó, tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ hiện đại. Những tiến bộ từ cuộc cách mạng công nghệ số trước kỷ nguyên CMCN 4.0 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng Việt Nam có cơ hội thu hút vốn đầu tư, tận dụng lợi thế đi sau để tiếp nhận sự hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật, đào tạo bồi dưỡng kiến thức mới từ các ngân hàng, các đối tác nước ngoài, các nhà đầu tư chiến lược trong việc ứng dụng khuôn khổ quản trị và kinh doanh hiện đại, tiếp thu mô hình ngân hàng số thông minh và phát triển sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ cao. Nếu ngành tài chính- ngân hàng Việt Nam tận dụng tốt cơ hội CMCN 4.0 mang lại thì sẽ tiếp cận được với các công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, có khả năng rút ngắn khoảng cách công nghệ và tri thức với thế giới.

Đồng thời có thể nâng cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng theo hướng hiện đại, hiệu quả hơn để gia tăng lợi nhuận. Trên nền tảng công nghệ 4.0 cùng với việc tận dụng kinh tế quy mô, kinh tế chia sẻ, việc triển khai ứng dụng công nghệ số kỹ thuật cao liên quan đến kết nối internet, điện toán đám mây, công nghệ cảm biến, thực tế ảo… sẽ giúp giảm thiểu chi phí giao dịch, vận chuyển, quản lý, góp phần tiết kiệm về mặt tài chính cho các ngân hàng Việt Nam và nâng cao lợi nhuận, đảm bảo tính sẵn sàng cao cho hệ thống trong việc đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử của khách hàng. Khi sự minh bạch ngày càng rõ hơn, người tiêu dùng Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận hơn với các dịch vụ tài chính hàng đầu trong và ngoài nước. Từ đó giúp các ngân hàng trong nước nâng mình lên một tầm cao mới, phát triển và cạnh tranh với các ngân hàng tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Và cả những thách thức…

Bên cạnh những cơ hội, CMCN 4.0 cũng đặt ra cho ngành Ngân hàng nhiều thách thức. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, khoảng trống chính sách đòi hỏi phải xây dựng quy định pháp lý mới đáp ứng nhu cầu cải cách công nghệ ngành ngân hàng. CMCN 4.0 đặt ra yêu cầu mới cho Ngân hàng Nhà nước trong việc xây dựng các khuôn khổ chính sách mới để quản lý, giám sát những yếu tố mới của ngành Ngân hàng, ví dụ như tiền thuật toán (crypto currency), tiền điện tử (E-money), các công ty công ty công nghệ (Fintech). Ngoài ra, sự thiếu tính đồng bộ, thống nhất trong các quy định, thủ tục liên quan đến nhiều Bộ, ban ngành gây trở ngại lớn trong việc xây dựng quy định pháp lý mới đáp ứng nhu cầu cải cách công nghệ ngành ngân hàng, điển hình như việc áp dụng công nghệ nhận dạng chữ viết trong định danh khách hàng.

Bên cạnh đó, với tốc độ phát triển chóng mặt của các công nghệ mới, mang tính đột phá và có thể thay đổi cấu trúc nhiều ngành nghề, lĩnh vực, cơ quan quản lý Nhà nước khó có thể đưa ra quyết định tức thời về hành lang pháp lý phù hợp, do phải xét đến nhiều yếu tố rủi ro đặc thù với những ứng dụng mới. Hơn nữa, xét đến khả năng trao đổi dữ liệu phi biên giới, mang tầm ảnh hưởng liên quốc gia của cuộc cách mạng công nghệ số, cơ quan quản lý Nhà nước cần cân nhắc hiện trạng áp dụng trong nước cũng như môi trường pháp lý quốc tế trong quá trình xây dựng hành lang pháp lý cho ứng dụng công nghệ mới.

Trong tương lai, sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT) có thể dẫn tới một hệ thống tiền tệ toàn cầu với những giao dịch điện tử diễn ra theo thời gian thực và do đó, khả năng các ngân hàng trung ương (NHTW) gặp khó khăn trong việc kiểm soát hệ thống tiền tệ quốc gia là hoàn toàn có thể xảy ra. Đặc biệt, việc NHTW rất khó khăn để kiểm soát lượng cung tiền của nền kinh tế trong trường hợp tổ chức phát hành tiền điện tử là các định chế tài chính phi ngân hàng tại nước ngoài. Hiện nay, xu hướng thâm nhập giữa các công ty Fintech vào lĩnh vực ngân hàng kéo theo sự phát triển và khả năng xâm chiếm của hoạt động ngân hàng ngầm, đặc biệt đối với các hoạt động thanh toán phi truyền thống (cổng thanh toán điện tử, ví điện tử, thanh toán do công ty viễn thông cung cấp…). Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc quản lý cấp phép, giám sát hoạt động cũng như kiểm soát dòng tiền thanh toán từ các tổ chức này.

Mô hình kinh doanh và nguồn lực tài chính trong đầu tư xây dựng cơ bản của các ngân hàng cần được khắc phục để thích ứng với xu hướng ứng dụng công nghệ cao. Cuộc CMCN 4.0 cùng với sự phát triển của các tính năng của mô hình ngân hàng số gây khó khăn cho các ngân hàng trong nước trong việc thích ứng cách thức hoạt động kinh doanh của mình. Trên thực tế, việc ứng dụng những công nghệ mới vẫn còn nhiều rào cản tại hệ thống ngân hàng Việt Nam do nhận thức chưa đủ về công nghệ này hay tâm lý ngại chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình cung cấp dịch vụ mới. Sự dịch chuyển sang mô hình mới cũng là một quá trình phức tạp mà trong đó phải có sự nhất quán trong mô hình quản trị, kế hoạch chuyển đổi và phương thức triển khai trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng nguồn lực, tiềm năng và những rủi ro sẽ gặp phải khi thay đổi mô hình kinh doanh. Hơn nữa, bất kể sự thay đổi về công nghệ, phương thức quản lý hay thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, mở rộng phạm vi hoạt động... đều đòi hỏi phải có tiềm lực đầu tư về tài chính không nhỏ. Các ngân hàng Việt Nam hiện vẫn còn thua kém rất lớn trong tương quan với các tổ chức tài chính nước ngoài. Nếu ngân hàng không có sự chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực tài chính thì ngân hàng đó đã thất bại ngay từ bước đầu tiên tiến nhập cuộc CMCN 4.0, từ đó ảnh hưởng tiêu cực lớn đến kết cấu vốn vay và lợi nhuận của các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng có quy mô nhỏ.

Đặc biệt một vấn đề được đặt ra đó là rủi ro về công nghệ thông tin, an ninh bảo mật, tội phạm công nghệ. Việc kết nối vạn vật và dữ liệu lớn khiến rủi ro về công nghệ thông tin có thể tăng lên, đặc biệt là vấn đề an ninh mạng và bảo mật thông tin. Với sự phát triển ngày càng tinh vi của công nghệ số và xu hướng chuyển dần sang điện toán đám mây (cloud-computing), những lỗ hổng bảo mật theo đó có thể tăng, dẫn đến những quan ngại ngày càng lớn về rủi ro tấn công tin tặc (hackers). Xu hướng tội phạm công nghệ đang chuyển dần từ tấn công cơ học sang khai thác các lỗ hổng về công nghệ và người dùng. Lỗ hổng từ người dùng có thể khai thác qua việc người dùng vô tình truy cập vào những đường dẫn lạ, truy cập các trang website không an toàn. Do vậy, các ngân hàng Việt Nam sẽ gặp phải thách thức khi phải đối mặt với những tác động từ CMCN 4.0 vì hệ thống thông tin càng hiện đại thì rủi ro càng cao.

Ngoài ra, các ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc bồi dưỡng và đào tạo lại để đội ngũ cán bộ, nhân viên trong ngành ngân hàng có đủ trình độ vận hành, làm chủ công nghệ mới. Ngoài ra, các ngân hàng Việt Nam sẽ phải chịu áp lực lớn hơn với việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đối mặt với nguy cơ dịch chuyển nguồn nhân lực tài chính ngân hàng chất lượng cao sang các tổ chức tín dụng nước ngoài.

Hoàn thiện chính sách, cơ sở hạ tầng thích ứng với CMCN 4.0

Đứng trước các cơ hội và thách thức của cuộc CMCN 4.0, để có thể phát triển nhanh, mạnh, hiệu quả và phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ trong bối cảnh của thế giới, ngành Ngân hàng cần xác định chiến lược, định hướng phát triển và các giải pháp để thích ứng với cuộc CMCN 4.0.

Theo các chuyên gia, cần tập trung nguồn lực để nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo môi trường sinh thái tốt cho các tổ chức tín dụng (TCTD) và các công ty Fintech phát triển cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính trên nền tảng công nghệ số để gia tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động, dịch vụ và sản phẩm mới được hình thành trong bối cảnh CMCN 4.0. Đồng thời, xây dựng cơ chế quản lý giám sát phù hợp với bối cảnh Việt Nam và các chuẩn mực chung, thông lệ tốt của thế giới.

Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư, hoàn thiện kết cấu cơ sở hạ tầng về CNTT để có thể hiện đại, tự động hóa hầu hết các quy trình nghiệp vụ ngân hàng, phát triển dịch vụ ngân hàng thông qua ứng dụng công nghệ số. Điều này, đòi hỏi sự tập trung nguồn lực của không chỉ của từng ngân hàng, tổ chức tín dụng mà còn từ phía Chính phủ. Chính phủ cần đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ quốc gia, ban hành và triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm khuyến khích ngân hàng phát triển sản phẩm, dịch vụ tài chính.

Cùng với đó, cần tăng cường công tác quản lý an ninh mạng. Tự bản thân các ngân hàng phải cập nhật các tiêu chuẩn an toàn thông tin để tiếp cận dần với các chuẩn mực an toàn thông tin của thế giới các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho hệ thống thanh toán. Ngoài ra, phát hiện đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thanh toán và các phương thức thanh toán sử dụng công nghệ cao.

Đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhất  là nguồn nhân lực công nghệ cao cho NHNN và các TCTD để nghiên cứu, áp dụng và triển khai các thành quả của công nghệ 4.0 vào trong quá trình quản trị, vận hành và cung cấp dịch vụ của hệ thống ngân hàng./.

 

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực