Ngành ngân hàng tiếp tục "tiếp sức" cho ĐBSCL

Thứ ba, 12/07/2016 18:43
(ĐCSVN)- Để góp phần phát huy tiềm năng và thế mạnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong nhiều năm qua, ngành ngân hàng đã tập trung nguồn lực đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gắn với các ngành chủ lực của vùng là nuôi trồng - sản xuất - xuất khẩu lúa gạo, thủy hải sản và rau quả.


Ảnh minh họa (Ảnh:K.V)
Hiệu quả từ hoạt động tín dụng

Vùng ĐBSCL bao gồm 13 tỉnh, thành phố, có diện tích gần 40.000km2, dân số khoảng 18 triệu người, được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu với bờ biển dài, phong phú về hải sản. Đây là địa bàn chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh và là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, cây ăn trái của cả nước. Hàng năm khu vực ĐBSCL đóng góp hơn 50% sản lượng lúa, 92% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây và đóng góp 52% sản lượng và 60% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu mạnh về thủy sản và là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn thế giới.

Trong những năm qua, bên cạnh nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn ngân hàng đã góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL nhằm phát huy các thế mạnh vốn có của vùng.Thông qua nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân, trang trại tại vùng ĐBSCL đã có điều kiện mở rộng phát triển sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn, khu chăn nuôi tập trung, vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản, đẩy mạnh khai thác, đánh bắt thủy sản xa bờ, phát triển giao thông, thương mại, dịch vụ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân, ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao chất lượng giá trị nông sản, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

Hoạt động ngân hàng của khu vực ĐBSCL trong những năm qua đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Huy động vốn luôn có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước và chiếm khoảng 7% tổng vốn huy động của nền kinh tế. Đây là nguồn lực quan trọng để thực hiện đầu tư trở lại phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và mọi mặt của đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Đến ngày 30/6/2016, huy động vốn của cả vùng ước đạt 350.038 tỷ đồng, tăng 9,93% so với thời điểm 31/12/2015. Tín dụng cho khu vực cũng tăng trưởng đều qua các năm, dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn đến 30/6/2016 ước đạt 397.991 tỷ đồng, tăng 3,39% so với 31/12/2015, chiếm 8,2% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế, trong đó dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ tại khu vực ĐBSCL tăng 10,1% so với cuối năm 2015, chiếm tỷ trọng gần 22%/tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc và chiếm gần 48% tổng dư nợ cho vay của khu vực. Một số sản phẩm chủ lực của vùng cũng được đầu tư thỏa đáng, tín dụng lúa gạo tăng 10,5%, thủy sản 4,31% so với 31/12/2015.

Cùng với tín dụng thương mại, tín dụng chính sách cũng đã góp phần quan trọng tạo sinh kế, giảm nghèo, cải thiện đời sống của người dân khu vực ĐBSCL. Đến nay hơn 2 triệu khách hàng đang được vay vốn theo các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) với dư nợ vay đạt 25.972 tỷ đồng, tăng 2,87% so với 31/12/2015, chiếm trên 17,6% tổng dư nợ cho vay toàn quốc của Ngân hàng CSXH. Việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước đối với hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách đã góp phần giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có cơ hội cho con em đi học, đi xuất khẩu lao động, tăng thu nhập cho gia đình, tạo nguồn thu ngoại tệ cho đất nước, nâng cao sức sản xuất hàng hóa, cải thiện cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội trong khu vực.

Vẫn còn những khó khăn cần sớm tháo gỡ

Theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều vấn đề cấp bách đặt ra cần phải sớm giải quyết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL, như công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó việc ứng phó với biến đổi khí hậu như tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn gia tăng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân khu vực. Đồng thời các vấn đề về thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho nông sản chủ lực của vùng còn nhiều bất cập. Ngoài ra, còn các vấn đề về liên kết vùng, tận dụng các nguồn lực tại chỗ của vùng chưa được quan tâm thích đáng,...

Việc xác định vị thế, tiềm năng, thế mạnh cũng như những thách thức trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, đồng thời cũng mở ra cơ hội cho ngành ngân hàng trong định hướng hoạt động kinh doanh phù hợp với xu hướng phát triển bền vững tất yếu hiện nay.        

Để giải quyết các vấn đề nêu trên, đã có nhiều giải pháp, sáng kiến được đưa ra nhằm đẩy mạnh đầu tư tín dụng hơn nữa phục vụ tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương nói riêng và cả vùng ĐBSCL nói chung.

Cụ thể, thực hiện tốt hơn công tác quy hoạch vùng, quy hoạch sản phẩm chủ lực của địa phương, của vùng. Cùng với đó, đẩy mạnh triển khai chương trình thí điểm liên kết vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Xác định, lựa chọn và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng và có cơ chế, chính sách cho phù hợp. Đồng thời, tổ chức quản lý tốt khâu lưu thông, phân phối và tiêu thụ sản phẩm của  từng địa phương và cả vùng một cách có hệ thống, giảm bớt các khâu trung gian. Thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới vào trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến sau thu hoạch, gia tăng giá trị sản phẩm; ứng dụng tiến bộ. Ngoài ra, triển khai các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL nhằm ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn gia tăng...

Bên cạnh các chính sách chung đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong vòng 3 năm trở lại đây, NHNN đã ban hành khoảng 44 văn bản chỉ đạo điều hành, trong đó có 24 văn bản là chỉ đạo riêng các chương trình dành cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cả nước và khu vực ĐBSCL phát triển sản xuất kinh doanh như: Triển khai tích cực chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng; thực hiện Chương trình tín dụng xanh; thực hiện giảm lãi suất cho vay thông qua quy định trần lãi suất vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với các lĩnh vực ưu tiên như: xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ; thực hiện chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao và thúc đẩy xuất khẩu... Đây sẽ là những giải pháp hữu ích giúp ngành ngân hàng mạnh dạn hơn trong việc thực thi và triển khai các chính sách tín dụng hiệu quả tại khu vực ĐBSCL.

 

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực