Tầm nhìn chiến lược về ứng dụng khoa học và công nghệ trong quản lý hoạt động thanh toán

Thứ ba, 27/05/2014 21:24

(ĐCSVN) - Trong 30 năm đổi mới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những chủ trương, chính sách, chỉ đạo thể hiện tầm nhìn chiến lược về khoa học và công nghệ (KH&CN) và ứng dụng KH&CN trong hoạt động thanh toán.

 

Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)

NHNN cho biết, quá trình đổi mới KH&CN trong hoạt động thanh toán luôn được NHNN quan tâm chỉ đạo nhằm đi tắt, đón đầu ứng dụng hiệu quả vào sự phát triển của hệ thống thanh toán tại Việt Nam. Qua đó, hệ thống thanh toán đã không ngừng được đổi mới, hiện đại hoá, phát triển các phương thức, phương tiện thanh toán, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội và thích ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Những năm trước năm 2005, hệ thống thanh toán ngân hàng giai đoạn này còn cũ kỹ, lạc hậu, thủ công, gây nhiều phiền hà cho khách hàng. NHNN đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành 2 Pháp lệnh về ngân hàng (1990) và sau đó là 2 Luật về ngân hàng (1997). Khi đó, hệ thống ngân hàng được chuyển đổi mô hình từ “một cấp” sang “hai cấp”. Hoạt động thanh toán cũng có nhiều thay đổi: công nghệ thanh toán từng bước được hiện đại hóa, tích cực phát triển các hệ thống thanh toán như: Hệ thống chuyển tiền điện tử của NHNN; Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH); Hệ thống thanh toán bù trừ điện tử của NHNN; hệ thống thanh toán nội bộ của các ngân hàng thương mại (NHTM);…

Đặc biệt, từ 2005 đến nay, NHNN đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) giai đoạn 2006-2010 (Quyết định 291/2006/QĐ-TTg) và đẩy mạnh TTKDTM giai đoạn 2011-2015 (Quyết định 2453/QĐ-TTg). Giai đoạn này, NHNN định hướng, chỉ đạo tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện và phát triển các hệ thống thanh toán, đặc biệt là Hệ thống TTĐTLNH (hệ thống thanh toán huyết mạch quốc gia) và các hệ thống thanh toán nội bộ của các tổ chức tín dụng; phát triển các phương tiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt hiện đại, các sản phẩm dịch vụ thanh toán có hàm lượng trí tuệ và công nghệ cao, phù hợp với sự phát triển công nghệ thông tin. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thanh toán; khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng máy móc thiết bị phục vụ cho các giao dịch thanh toán hiện đại, tập trung chủ yếu cho dịch vụ thẻ và tạo điều kiện phát triển thanh toán qua internet, mobile; tiếp cận nhanh chóng với công nghệ hiện đại trên thế giới.

Cơ sở hạ tầng và công nghệ thanh toán được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả, phục vụ tốt cho việc cung ứng các dịch vụ, phương tiện thanh toán mới, hiện đại. NHNN hiện đã thiết lập được Hệ thống TTĐTLNH kết nối 66 đơn vị thành viên thuộc NHNN và 397 đơn vị thành viên trực tiếp thuộc 94 TCTD thành viên trên toàn quốc. Hệ thống TTĐTLNH giai đoạn 2 được hoàn thành và đưa vào vận hành, đánh dấu một giai đoạn mới của hệ thống thanh toán ngân hàng với những thay đổi cơ bản về kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiệu năng xử lý và quy trình nghiệp vụ hiện đại theo thông lệ quốc tế, đáp ứng nhu cầu thanh, quyết toán tức thời và số lượng giao dịch thanh toán ngày càng cao của nền kinh tế. Hệ thống hiện có số lượng giao dịch bình quân đạt khoảng 140.000 giao dịch/ngày, giá trị giao dịch trung bình khoảng 160.000 tỷ đồng/ngày và có khả năng đáp ứng tăng trưởng thanh toán đến năm 2020 với năng lực xử lý đến 2 triệu giao dịch/ngày. Đây là hệ thống thanh toán xương sống của quốc gia, góp phần đẩy nhanh tốc độ thanh toán và luân chuyển vốn trong nền kinh tế.

Vì vậy, đến nay, hầu hết các NHTM đã thiết lập được hệ thống ngân hàng lõi (core banking), hệ thống thanh toán nội bộ với kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, cho phép các NHTM cung ứng các dịch vụ, phương tiện thanh toán hiện đại. Hệ thống thanh toán bù trừ điện tử (TTBTĐT) là một trong những hệ thống thanh toán quan trọng do NHNN chi nhánh quản lý, vận hành và triển khai tại từng địa bàn tỉnh, thành phố. Hệ thống TTBTĐT được bắt đầu triển khai từ tháng 5/2002 và đến tháng 6/2008, Hệ thống đã được triển khai rộng khắp trên toàn quốc. Hệ thống thực hiện chức năng xử lý và quyết toán bù trừ các giao dịch thanh toán điện tử liên ngân hàng giữa các Ngân hàng thành viên tham gia bù trừ điện tử trên địa bàn tỉnh, thành phố. Đến nay, Hệ thống vẫn đang hoạt động ổn định, an toàn và phát huy hiệu quả tích cực với số lượng và giá trị giao dịch thanh toán chiếm tỷ trọng lớn trong thanh toán liên ngân hàng.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động thanh toán thẻ được chú trọng đầu tư; hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho chấp nhận thẻ được cải thiện, số lượng máy rút tiền tự động (ATM) và các thiết bị chấp nhận thẻ (POS) có tốc độ tăng trưởng nhanh; đến nay, gần 15.500 ATM và trên 137.700 POS/EDC được lắp đặt (tăng hơn 8,7 lần và 13,2 lần tương ứng so với cuối năm 2005).

Một số công ty chuyển mạch thẻ, kết nối các giao dịch thẻ giữa các ngân hàng thành viên đã được hình thành. Năm 2007, Thống đốc NHNN đã ký ban hành Đề án xây dựng Trung tâm chuyển mạch thẻ thống nhất (TTCMTTN) và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2009, nhằm kết nối mạng lưới ATM và POS giữa các NHTM, các công ty chuyển mạch thẻ. NHNN đã chỉ đạo các công ty chuyển mạch, các ngân hàng phát hành thẻ hoàn thành kết nối liên thông hệ thống ATM trên phạm vi toàn quốc (tháng 5/2008), qua đó thẻ của một ngân hàng đã có thể sử dụng để rút tiền và thanh toán tại hầu hết ATM của các ngân hàng khác. Đồng thời, NHNN chỉ đạo kết nối liên thông mạng lưới POS trên toàn quốc (2011), qua đó chủ thẻ của ngân hàng này có thể sử dụng thẻ để thanh toán tại POS của các ngân hàng khác tại các đơn vị chấp nhận thẻ trên toàn quốc, tạo ra các tiện ích và giá trị lớn hơn cho người sử dụng thẻ, tiết kiệm chi phí đầu tư mở rộng mạng lưới POS và góp phần giảm tải hệ thống ATM của từng ngân hàng. Thẻ ngân hàng, Mobile Banking, Internet Banking, SMS Banking, Ví điện tử,… đã xuất hiện và đang đi dần vào cuộc sống, phù hợp với xu thế thanh toán của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Hiện nay có khoảng 40 NHTM cung cấp dịch vụ Internet Banking và 19 NHTM cung cấp dịch vụ Mobile Banking cho khách hàng là cá nhân, doanh nghiệp. Một số NHTM bước đầu triển khai các dịch vụ hiện đại để thanh toán tiền điện, tiền nước, cước phí điện thoại, viễn thông, truyền hình cáp, phí bảo hiểm, học phí…

Có thể thấy, thẻ Ngân hàng đã và đang trở thành phương tiện thanh toán phổ biến tại Việt Nam, được các NHTM chú trọng phát triển, có tốc độ phát triển nhanh chóng. Thanh toán qua điện thoại di động đang trở thành một xu hướng thanh toán trên thế giới, qua đó tạo điều kiện cho các NHTM phát triển các sản phẩm thanh toán dựa trên nền điện thoại di động đem lại tiện ích và thuận lợi cho khách hàng có thuê bao di động, đặc biệt đối với những nơi mà người dân ít có điều kiện tiếp xúc với ngân hàng.

Dịch vụ trả lương qua tài khoản được triển khai mạnh mẽ, qua đó có tác động thúc đẩy phát triển thị trường thẻ, hạ tầng kỹ thuật ATM/POS của NHTM; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, thanh toán điện tử; phát triển các hình thức TTKDTM đối với các dịch vụ cơ bản, thiết yếu; đồng thời tạo cú hích trong TTKDTM tạo hiệu ứng, lan tỏa ra toàn xã hội.

Tuy nhiên, NHNN cũng nhận định hiện công tác ứng dụng KH&CN trong hoạt động thanh toán vẫn còn nhiều thách thức. Hành lang pháp lý cho lĩnh vực thanh toán vẫn chưa theo kịp với thực tế và chưa đầy đủ và đồng bộ, nhất là những vấn đề liên quan đến thanh toán điện tử, thương mại điện tử, các dịch vụ, phương tiện thanh toán mới, hiện đại (qua Internet, điện thoại di động …).

Việc phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại cần có sự đầu tư thích đáng về cơ sở hạ tầng và giải pháp công nghệ. Tại nhiều NHTM, hạn chế khả năng về tài chính dẫn đến các hạn chế trong việc đầu tư vào hệ thống thanh toán và các phương tiện, dịch vụ thanh toán hiện đại. Mặt khác, người dân vẫn còn tâm lý e ngại, sợ rủi ro khi tiếp cận với các phương tiện thanh toán mới, hiện đại.

Đặc biệt, thực tế đã phát sinh những tội phạm mới trong lĩnh vực thanh toán ứng dụng công nghệ cao, nhất là thanh toán thẻ, ATM, POS, thanh toán trực tuyến. Tỷ lệ giả mạo trong các giao dịch thanh toán thẻ, rủi ro trong thanh toán trực tuyến qua Internet tại Việt Nam có xu hướng tăng; giả mạo phát sinh tại các điểm chấp nhận thẻ (POS) và các đơn vị kinh doanh thương mại điện tử.

Vì vậy, trong thời gian tới để hoạt động thanh toán ngày càng trở nên hiệu quả và tiện dụng hơn, ngành ngân hàng cần khắc phục những hạn chế nêu trên bằng nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó đặc biệt cần có sự đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng, về công nghệ thông tin, công nghệ ngân hàng hiện đại. Đồng thời cần phát triển nguồn nhân lực cao cho hệ thống ngân hang…/.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực