Thành công từ nông nghiệp sạch

Thứ ba, 28/05/2019 11:38
(ĐCSVN) – “Khi công ty cần nguồn vốn đầu tư lớn nhưng ngân hàng lại từ chối cho vay do lo sợ rủi ro trong nông nghiệp, anh Tân quyết định bán tất cả từ nhà đến ô tô, thậm chí cả sim điện thoại, quyết tâm “chơi một trận lớn” với nông nghiệp sạch”.

Sau hơn 10 năm gắn bó với công việc kinh doanh, anh Tân đã trở thành một doanh nhân trẻ thành đạt với doanh thu từ 7-8 tỷ/năm. Sản phẩm nhôm kính của anh được tin dùng rộng rãi trong địa bàn tỉnh. Sau 2 chuyến tham quan Nhật Bản và Israel cùng Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Thanh Hóa đã có một quyết định rẽ ngang đầy táo bạo và bất ngờ.

Anh Tân giới thiệu với khách tham quan về công nghệ trồng rau
theo hình thức thủy canh tại trang trại của mình - Ảnh: Tường Vy

Chia sẻ về lý do lựa chọn nông nghiệp sạch, anh Tân cho biết: Hiện vấn đề thực phẩm bẩn đang trở thành mối lo ngại của toàn xã hội, trong khi Việt Nam là nước nông nghiệp, vậy mà người dân vẫn đang phải sử dụng thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc. Cùng với đó, trong quá trình tham quan, tìm hiểu anh Tân biết Nhật Bản và Israel là hai quốc gia có nền nông nghiệp phát triển của thế giới, với việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, anh nhận thấy những công nghệ này có thể áp dụng được vào Việt Nam. Vì vậy, anh quyết tâm theo đuổi lĩnh vực nông nghiệp sạch, áp dụng công nghệ cao, đem đến những sản phẩm an toàn cho người dân.

Nghĩ là làm, anh Tân quyết tâm áp dụng quy trình tưới nước nhỏ giọt hiện đại của Israel và mô hình công nghệ, sản xuất của Nhật Bản để xây dựng nên dự án nông nghiệp công nghệ của mình.

Để tăng thêm tính tự chủ trong công nghệ, anh đã chủ động mời các kỹ sư Nhật Bản sang tận nơi xây dựng và chuyển giao công nghệ hiện đại; đồng thời, cử kỹ sư người Việt sang học tập quy trình sản xuất các loại cây trồng chủ yếu là dưa lưới, rau thủy canh tại Nhật Bản.

Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu chất dinh dưỡng cho cây, Công ty cổ phần xây dựng Phong cách mới do anh Tân làm chủ đã phối hợp cùng Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học Tiền Giang (trung tâm duy nhất của Việt Nam được Nhật Bản chuyển giao công nghệ về phân bón cho cây trồng) nghiên cứu tự sản xuất được sản phẩm dinh dưỡng cho cây trồng và bán ra thị trường với mức tiêu thụ ổn định.

Anh kể: “Khi tôi chuẩn bị làm thủ tục đi xin cấp phép thực hiện dự án nông nghiệp công nghệ cao, kế toán trưởng của công ty còn lo lắng về vấn đề sức khỏe tinh thần của tôi vì không ai có thể nghĩ tôi có thể làm gì khác thành công hơn trong khi lĩnh vực kinh doanh nhôm kính đang rất thịnh đạt. Nhưng tôi là người không dễ hài lòng với những gì mình đang có nên càng quyết tâm làm đến cùng những gì đã đặt ra”.

Khó khăn chồng chất khó khăn, từ việc xin giấy phép để thực hiện dự án, đến vận động người dân cho thuê đất để làm nông nghiệp, anh không nản lòng, cuối cùng sự kiên trì của anh đã nhận được sự ủng hộ của các cấp chính quyền và nhân dân địa phương.

Câu chuyện tìm đầu ra cho sản phẩm cũng hết sức gian nan. Anh cho biết, để sản phẩm có mặt ở siêu thị cần có tới 31 loại giấy phép khác nhau với khoảng thời gian chờ đợi rất dài. Thêm vào đó, việc thuyết phục, quảng bá sản phẩm an toàn gặp nhiều khó khăn khi người dân không quá tin tưởng vào quy trình sản xuất hiện đại của công ty. Không dừng lại ở đó, khi công ty cần nguồn vốn đầu tư lớn nhưng ngân hàng lại từ chối cho vay do lo sợ rủi ro trong nông nghiệp, anh Tân quyết định bán hết tất cả từ nhà đến ô tô, thậm chí cả sim điện thoại, quyết tâm “chơi một trận lớn” với nông nghiệp sạch.

Sau tất cả những quyết định có phần mạo hiểm của mình, anh Tân đang dần chứng tỏ được sự đúng đắn trong đầu tư nông nghiệp sạch và nhận được nhiều sự ủng hộ nhiệt tình của người dân.

Các em học sinh tại nhiều trường học trên địa bàn đến trải nghiệm thực tế tại
trang trại nông nghiệp sạch của anh Tân. Ảnh: Tường Vy

Đến nay, mới hơn 15 tháng mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Trần Văn Tân đi vào sản xuất, với 3 vụ dưa lưới, mỗi vụ thu hoạch 35 tấn dưa, công ty thu được 3,5 – 3,8 tỷ sau khi đã trừ chi phí đầu tư; rau thủy canh bước sang vụ thứ hai với năng suất 300 – 320 tấn/năm. Các mặt hàng do công ty sản xuất đã có mặt ở khắp các siêu thị lớn như BigC, Vinmart, Co.opmart,  chuỗi các cửa hàng thực phẩm sạch ở Thanh Hóa và Hà Nội.

Ngoài ra, với mong muốn làm nông nghiệp sạch để giúp ích cho cộng đồng, anh Tân còn chú ý kết hợp mô hình “Nông nghiệp - Giáo dục - Trải nghiệm” và thu được hiệu quả lớn. Hiện nay, có khoảng 20 trường học của TP Thanh Hóa đã đưa học sinh đến thăm quan và tìm hiểu về nông nghiệp của mô hình trồng trọt mới này. Đây vừa là hình thức giới thiệu về công việc của những người nông dân cho trẻ em thành phố, đồng thời qua những chuyến tham quan nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ dám đột phá trong tư duy để đem lại nhiều hiệu quả tích cực. 

Bên cạnh đó, các hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh cũng thường cử người đến tham quan, học hỏi mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại. Đó chính là niềm động viên, khích lệ lớn đối với một người trẻ dám nghĩ, dám làm, vượt lên trên mọi định kiến của xã hội để thành công như Trần Văn Tân.

Không chỉ sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp sạch được tin dùng, Trần Văn Tân còn tạo công ăn, việc làm cho nhiều người dân thôn Dục Tú. Chị Nguyễn Thị Hân, công nhân của công ty cho biết: “Quy trình sản xuất của công ty rất sạch sẽ và hiện đại, công nhân như chúng tôi được trả mức lương phù hợp với mức sống ở nông thôn và được hướng dẫn cả cách làm nông nghiệp sản xuất công nghệ cao”.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Tân chia sẻ: “Sắp tới, tôi sẽ mở thêm dự án nông nghiệp sản xuất công nghệ cao gắn với tiêu thụ an toàn thực phẩm tại huyện Nông Cống. Cùng với đó, tôi đang tiếp tục hoàn thành chương trình cao học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam để bổ sung thêm các kiến thức bổ ích, giúp cho việc sản xuất thực phẩm sạch ngày một trở nên hiệu quả”.

Với quyết tâm đem đến những sản phẩm nông nghiệp chất lượng nhất cho người dân, cùng với lòng ham học hỏi anh Tân đã khẳng định cho nhiều thanh niên nông thôn thấy rằng chỉ cần có đam mê, có ước mơ thì thành công sẽ mở cửa. Anh là một tấm gương sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa../.

Lò Thị Hương, Giảng viên Trường Chính trị tỉnh Điện Biên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực