Cơ hội hóa giải quan hệ căng thẳng Mỹ - Iran

Thứ ba, 27/08/2019 16:48
(ĐCSVN) – Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tin tưởng rằng, sáng kiến ngoại giao của Pháp có thể dẫn tới kịch bản diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Iran trong “một vài tuần tới”.
Tổng thống Mỹ D.Trump (trái) và người đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron tham gia cuộc họp báo chung nhân kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G7 ở thành phố Biarritz (Pháp), ngày 26/8. (Ảnh: Reuters)

Theo nhận định của ông Macron thì triển vọng diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Iran là kết quả của sáng kiến ngoại giao do Pháp đưa ra nhằm hạ nhiệt mối quan hệ căng thẳng bùng phát sau sự kiện Tổng thống D.Trump rút khỏi bản thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm ngoái.

Ông Macron không tiết lộ chi tiết của các vòng đàm phán, song giới chức Pháp cho biết, sự kiện này sẽ đề cập tới việc gỡ bỏ từng phần các lệnh cấm vận của Mỹ và mức độ tuân thủ đầy đủ của Iran đối với bản thỏa thuận hạt nhân được ký kết năm 2015 (hay còn được biết đến với tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện – JCPOA) để tạo tiền đề nối lại các hoạt động tiếp xúc ngoại giao cấp cao giữa Mỹ và Iran.

“Tôi hy vọng cuộc gặp gỡ giữa hai Tổng thống (Mỹ và Iran) sẽ diễn ra trong vài tuần tới” – ông Macron nói, đồng thời cho biết thêm rằng Pháp đóng vai trò là một đối tác trong JCPOA để dàn xếp tổ chức sự kiện này. Nhà lãnh đạo Pháp lưu ý thêm, ý tưởng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Iran mang tính chất thiên về “một sáng kiến phối hợp” hơn là hòa giải bởi các bên đều theo đuổi những mục tiêu chung. Theo quan điểm của ông Macron thì JCPOA được ký kết năm 2015 chính là cơ sở bảo đảm trước cộng đồng quốc tế rằng Iran sẽ không tiếp tục làm giàu urani cho tới năm 2025.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng nhiệm Mỹ Donald Trump nhân kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) tại thành phố Biarritz (Pháp), ngày 26/8, ông Macron nhắc lại thông điệp của Tổng thống Iran Hassan Rouhani về thiện chí sẵn sàng “gặp gỡ bất cứ ai” nếu điều này nằm trong phạm vi lợi ích quốc gia của Iran.

Trong khi đó, Tổng thống D.Trump cũng bày tỏ lập trường cởi mở trước kế hoạch tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Iran do Pháp đề xuất, nếu như “các điều kiện phù hợp được đáp ứng”.

Người đứng đầu Nhà Trắng không nêu rõ những điều kiện mà ông muốn nói tới là gì, song khẳng định rằng, việc trông đợi vào khả năng diễn ra một cuộc gặp gỡ giữa ông và Tổng thống Iran Hassan Rouhani là điều “thực tế”. Theo kế hoạch, ông D.Trump và ông Rouhani sẽ cùng tham dự phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra ở New York (Mỹ) vào trung tuần tháng 9 tới.

Tiếp tục phê phán JCPOA là một “thỏa thuận vô cùng tồi tệ”, ông D.Trump cho biết các nước trong nhóm G7 đang tìm kiếm một thỏa thuận dài hạn, giúp bảo đảm rằng Iran sẽ không sở hữu cả vũ khí hạt nhân lẫn tên lửa đạn đạo.

Ngày 26/8, hãng thông tấn IRNA dẫn lời ông Rouhani nói: “Nếu như biết được rằng việc gặp gỡ với một ai đó có thể giải quyết được vấn đề của đất nước tôi, thì tôi sẽ không do dự bởi lợi ích quốc gia chính là nguyên tắc chủ đạo”.

Thông điệp trên được ông Rouhani đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif bất ngờ tới thành phố Biarritz, ngày 22/8 và tỏ rõ thiện chí giải quyết các vấn đề với Mỹ thông qua phương thức ngoại giao.

“Iran tiếp tục duy trì chính sách ngoại giao tích cực nhằm theo đuổi các vòng đối thoại mang tính xây dựng… Con đường phía trước vẫn còn chông gai. Song cũng xứng đáng để nỗ lực bước tới” – ông Zarif bày tỏ trên trang Twitter, ngày 22/8.

Sau những căng thẳng bùng phát từ tháng 5/2018 do Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA, quan hệ Mỹ-Iran tiếp tục bị đẩy lên một nấc thang nguy hiểm mới liên quan tới vụ Mỹ cáo buộc Iran thực hiện 2 vụ tấn công tàu chở dầu trên biển Oman vào tháng 5 và 6/2019. Tuy nhiên, Iran đã mạnh mẽ bác bỏ các lập luận trên của Mỹ, coi đây chỉ là những lời cáo buộc “vô căn cứ”.

 

Tháng 6/2019, tên lửa đất đối không của Iran đã bắn hạ một máy bay do thám của Mỹ. Iran tuyên bố chiếc máy bay đã vi phạm không phận nước này, còn Mỹ lại khẳng định chiếc máy bay đang hoạt động ở vùng không phận quốc tế. Căng thẳng giữa hai nước lại leo thang và có nguy cơ vượt “lằn ranh đỏ” khi Tổng thống D.Trump tuyên bố kế hoạch tấn công vào 3 mục tiêu trên lãnh thổ Iran để trả đũa vụ bắn hạ máy bay.

 

Dù kế hoạch tấn công quân sự đã bị hủy bỏ vào phút chót song diễn biến này cũng cho thấy nguy cơ đối đầu sẽ vẫn còn hiện hữu nếu như mối quan hệ căng thẳng Mỹ-Iran không hạ nhiệt. Chính vì thế, việc hai nước cùng tỏ rõ thiện chí ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết bất đồng là một tín hiệu đáng khích lệ, không chỉ củng cố hy vọng hóa giải xung đột Mỹ-Iran mà còn giúp đẩy lùi nguy cơ khu vực Trung Đông tiếp tục bị chìm sâu vào vòng xoáy khủng hoảng./.

Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực