Điều gì sẽ xảy ra ở Syria khi Mỹ rút quân?

Thứ sáu, 11/10/2019 15:04
(ĐCSVN) - Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút quân khỏi một số vị trí then chốt dọc biên giới miền Bắc Syria đánh dấu một sự thay đổi lớn trong chính sách của Washington đối với Syria, song lại đang gây bất đồng trên chính trường Mỹ và khiến dư luận lo ngại vấn đề Syria có thể vượt tầm kiểm soát.

Binh sĩ Mỹ làm nhiệm vụ tại thị trấn Ras al-Ain, tỉnh Hasakeh, Syria, ngày 6/10/2019.
(Ảnh: AFP/TTXVN)

Từ tuyên bố rút quân…

Theo hãng thông tấn AP, Tổng thống Mỹ D. Trump ngày 7/10 quyết định rút toàn bộ cố vấn quân sự và đặc nhiệm đang hỗ trợ dân quân người Kurd ở Syria. Tuyên bố này, dù khá bất ngờ, song vẫn được hiểu là bước đi nhằm thực hiện cam kết tranh cử của ông, rằng sẽ đưa nước Mỹ thoát khỏi tình cảnh sa lầy trong những “cuộc chiến vô ích”.

Theo Tổng thống Trump, Mỹ đã thực hiện chiến dịch này trong gần 3 năm qua. Đã đến lúc phải rời khỏi những cuộc chiến “không hồi kết” như thế này và đưa những người lính Mỹ trở về nhà. Trách nhiệm hiện giờ thuộc về khu vực. Tuy nhiên, “Mỹ sẵn sàng trở lại nếu những tay súng khủng bố xuất hiện ở bất cứ nơi nào gần chúng ta”.

Lầu Năm Góc tiết lộ lý do tại sao Mỹ rút quân đội khỏi miền Bắc Syria. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Jonathan Hoffman cho rằng, tất cả do Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nhấn mạnh: “Lập trường của quân đội Mỹ đã và vẫn còn tương tự, việc tạo ra khu vực an ninh ở miền Bắc Syria là cách tốt nhất để duy trì sự ổn định. Rất đáng tiếc, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định hành động đơn phương. Do đó, chúng tôi rút lực lượng khỏi miền Bắc Syria, khỏi hướng tấn công tiềm tàng của Thổ Nhĩ Kỳ để đảm bảo an toàn cho các quân nhân”.

Mặc dù rút quân, nhưng Mỹ đã triển khai các hệ thống phòng không tại miền Bắc Syria để bảo vệ không phận nước này trước các cuộc tấn công của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Đến sự phản ứng…

Bước đi của Tổng thống Mỹ D. Trump ngay lập tức vấp phải sự phản đối trong nội bộ. Các nhân vật cấp cao của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã kịch liệt chỉ trích quyết định rút quân khỏi vùng miền Bắc Syria trước chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi khẳng định: “Quyết định rút quân Mỹ của Tổng thống khỏi miền Bắc Syria là một sự phát triển đáng lo ngại, phản bội các đồng minh người Kurd của chúng ta, những người đã hợp tác tích cực để tiêu diệt IS”. Bà Pelosi nhấn mạnh: “Bất chấp những gì Tổng thống nói, IS vẫn là một mối đe dọa nghiêm trọng. Quyết định sai lầm, thiếu thận trọng này có thể hủy hoại các nỗ lực của binh lính và các đồng minh chúng ta để chấm dứt sự tồn tại của IS”.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một trong những người ủng hộ ông Trump mạnh mẽ nhất trong những năm gần đây, đã gửi đơn kiến nghị từ đảng Cộng hòa, quyết tâm kêu gọi Quốc hội Mỹ đảo ngược quyết định của Tổng thống Trump. “Đây là một thảm họa đang diễn ra”, ông Graham viết trên Twitter.

Trước đó, lãnh đạo đa số Thượng viện Mitch McConnell nói rằng việc quân đội Mỹ rút quân khỏi Syria “sẽ làm tăng nguy cơ cho IS và các nhóm khủng bố khác tập hợp lại”. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mitt Romney lại gọi việc rút quân là “sự phản bội” tạo điều kiện cho IS trở lại.

Cựu ngoại trưởng, cựu ứng viên Tổng thống năm 2016 Hillary Clinton cũng đã đăng tải trên trang Twitter cá nhân của bà rằng: “Tổng thống đã phản bội một cách đáng sợ cả người Kurd và lời thề của ông ấy”.

Trong khi đó, các tay súng người Kurd tại Syria thì chỉ trích Mỹ quay lưng với các đồng minh và mạo hiểm với những bước tiến đạt được trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Một phát ngôn viên của Lực lượng Dân chủ người Kurd (SDF) nói rằng quyết định của ông Trump là “đâm sau lưng” và cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp IS hồi phục.

Về phần mình, Tổng thống Trump dù thừa nhận, người Kurd đã sát cánh với Mỹ tại Syria, song nhấn mạnh: “Người Kurd cũng đã được trả một số tiền lớn và thiết bị để làm việc đó”. Ông Trump đã chống lại những lời chỉ trích với hàng loạt dòng tin trên Twitter rằng sẽ “hủy diệt và xóa sổ hoàn toàn” nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này “làm bất cứ điều gì mà tôi coi là vượt quá giới hạn”.

Và bàn cờ Syria

Theo nhận định của chuyên gia, tốc độ ra quyết định rút lực lượng Mỹ khỏi miền Bắc Syria có nguy cơ phá hủy hầu như mọi mục tiêu Washington đặt ra ở Trung Đông. Khoảng trống Mỹ để lại được dự báo sẽ tạo nên “sự hỗn loạn” và cạnh tranh tại khu vực.

Sự rút lui của Mỹ đúng vào lúc IS đang tái tập hợp lực lượng. Cuộc chiến đấu chống IS sẽ bị suy yếu do lực lượng người Kurd ở Syria phải đối phó với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và có thể phải thả khoảng 11.000 tù nhân là các chiến binh IS trước đây. Mặt khác, chính lực lượng người Kurd bị thất thế, mang theo tâm lý bị Mỹ bỏ rơi, có thể đi theo khuynh hướng bạo lực cực đoan, và đây là cơ hội tốt để IS “tái sinh”.

Mỹ rút quân tại thời điểm này sẽ làm mất đi “rào chắn” ngăn quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công lực lượng người Kurd, dẫn đến những rủi ro khó lường. Người đứng đầu tổ chức Người tị nạn quốc tế, Eric Schwart nhận định: “Nó sẽ mở ra những mặt trận mới trong cuộc xung đột và hàng trăm nghìn người mất nhà ở trong khu vực sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo”.

Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria, các cuộc tấn công trong giai đoạn đầu của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào các khu vực do lực lượng người Kurd kiểm soát ở Đông Bắc Syria đã khiến ít nhất 15 người thiệt mạng, trong đó có 8 dân thường và hơn 40 người khác bị thương.

Bên cạnh đó, sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào miền Bắc Syria mà chưa được sự cho phép của chính quyền Damacus, sẽ bị coi là hành vi xâm phạm chủ quyền, làm trầm trọng thêm những căng thẳng trong quan hệ vốn đã nhiều bất đồng lâu nay giữa Ankara và Damascus.

Mỹ rút quân khỏi Syria sẽ để lại khoảng trống cho Nga trong cuộc cạnh tranh định hình tương lai của Syria. Theo cựu đặc phái viên của Tổng thống Trump, Brett McGurk, thay vì đối đầu với Mỹ, Nga phải đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ, một đối thủ yếu hơn trong khu vực. Hơn nữa, khi người Kurd ở Syria không còn được Mỹ bảo vệ, Nga phải đối mặt với ít khó khăn hơn trên con đường thực thi mục tiêu của họ.

Moscow hiện đang gặt hái thành quả từ chiến thắng ở Syria và hiện đang bán vũ khí cho tất cả các bên, triển khai các kế hoạch hạt nhân, hỗ trợ cho các quốc gia còn non yếu và tìm kiếm thị trường mới về dầu mỏ và khí đốt. Việc Mỹ rút quân sẽ mang đến cho Nga lợi thế để thực hiện được kế hoạch dài hạn cho khu vực Trung Đông.

Đối với Iran, sự có mặt của Mỹ ở miền Bắc Syria đóng vai trò như một “chốt chặn”, gần như khóa chặt đường di chuyển từ biên giới Iran tới các đồng minh ở Lebanon. Nay Mỹ rút quân, khoảng trống bỏ lại sẽ được lấp đầy bởi lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn, các lực lượng thân chính quyền Syria. Kết cục này có thể chưa gây ra những tác động trong ngắn hạn nhưng sẽ mang đến các hệ quả trong dài hạn.

Như vậy, việc rút quân Mỹ khỏi miền Bắc Syria sẽ khiến tình hình thêm căng thẳng, Syria có thể lại bị đẩy vào vòng xoáy xung đột mới, thậm chí cản trở tiến trình hòa bình đang được nỗ lực thiết lập. Trung Đông cũng sẽ trở nên phức tạp và diễn biến khó lường hơn./.

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực