Chính phủ Nhật Bản bàn cách đối phó tình huống bất ngờ trên Bán đảo Triều Tiên

Chủ nhật, 31/12/2017 10:52
Các nguồn tin Chính phủ Nhật Bản ngày 30/12 cho biết chính phủ nước này đã bắt đầu thảo luận về cách thức mà Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) sẽ đối phó trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột quân sự trên Bán đảo Triều Tiên.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: TTXVN)

Theo các nguồn tin trên, Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) sẽ xem xét một số kịch bản có thể xảy ra như một cuộc đụng độ bất ngờ giữa lực lượng của 2 miền Triều Tiên, Mỹ tấn công phủ đầu Triều Tiên, Triều Tiên tấn công Hàn Quốc hay tên lửa Triều Tiên rơi vào lãnh thổ Nhật Bản. Các nguồn tin cho biết NSC đã tổ chức một cuộc họp hôm 21/12, với sự tham dự của Thủ tướng Shinzo Abe (Sin-dô A-bê), Cố vấn an ninh quốc gia Shotaro Yachi (Sô-ta-rô Y-a-chi) và Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân SDF Katsutoshi Kawano (Ca-chư-tô-si Ca-oa-nô). Giới chức Nhật Bản đã nhất trí thực hiện mô phỏng các kịch bản chiến tranh, thảo luận về số lượng binh sĩ Mỹ đóng quân ở bên ngoài Nhật Bản có thể được huy động tiếp viện. Qua các cuộc thảo luận, Chính phủ Nhật Bản cố gắng xác định rõ những gì SDF được phép làm trong từng trường hợp cụ thể.

Nhật Bản có động thái trên trong bối cảnh Triều Tiên hồi cuối tháng 11 vừa qua tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15 mới, "có tầm bắn bao phủ toàn bộ lãnh thổ Mỹ" đồng thời tuyên bố nước này đã hoàn thiện "năng lực hạt nhân quốc gia". Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 22/12 đã thông qua nghị quyết mới trừng phạt Triều Tiên do vụ thử tên lửa trên, theo đó cấm gần 90% các sản phẩm dầu mỏ tinh chế xuất khẩu sang Triều Tiên bằng việc đặt ra một mức trần 500.000 thùng/năm, đồng thời yêu cầu cho hồi hương các lao động Triều Tiên ở nước ngoài trong vòng 12 tháng. Với nghị quyết mới này, tổng cộng HĐBA LHQ đã thông qua 4 nghị quyết trừng phạt Triều Tiên trong năm nay.

Liên quan vấn đề trên, Bộ Ngoại giao Nga ngày 30/12 đã bác bỏ những thông tin cho rằng tàu chở dầu của nước này đã chuyển dầu cho tàu thuyền Triều Tiên ở trên biển, vi phạm nghị quyết của LHQ.

Trong một tuyên bố, Bộ trên khẳng định Nga “tuân thủ đầy đủ và nghiêm túc các nghị quyết về trừng phạt Triều Tiên”. Tuy nhiên, tuyên bố không nêu rõ liệu các tàu Nga có chuyển dầu cho tàu thuyền Triều Tiên hay không.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi hãng tin Reuters dẫn một số nguồn tin an ninh Tây Âu giấu tên cho biết tàu chở dầu Nga đã nhiều lần chuyển dầu cho Triều Tiên vào tháng 10 và tháng 11 vừa qua, vi phạm nghị quyết trừng phạt của LHQ.

Đến nay, HĐBA LHQ cùng các cường quốc trên thế giới đã áp đặt nhiều nghị quyết trừng phạt Triều Tiên liên quan chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Các lệnh cấm bao gồm cấm vận vũ khí, cấm xuất khẩu những mặt hàng như than, dệt may, hải sản, quặng và một số khoáng sản khác. Các biện pháp trừng phạt nhằm cắt đứt nguồn kinh phí cho chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng và gây sức ép buộc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Kim Châng Un) ngồi vào bàn đàm phán, trong bối cảnh căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên gần đây gia tăng nhất là sau vụ thử tên lửa hồi cuối tháng 11 vừa qua của Triều Tiên./.

Theo TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực