Dân số thế giới sẽ lên tới 9,7 tỷ người vào năm 2050

Thứ ba, 18/06/2019 16:43
(ĐCSVN) – Theo báo cáo mới nhất vừa được Liên hợp quốc công bố ngày 17/6, số lượng người dân trên trái đất sẽ vượt quá con số 7,7 tỷ người hiện nay lên 9,7 tỷ người vào năm 2050. Báo cáo cũng cho biết Ấn Độ dự kiến sẽ vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2027.
Theo Liên hợp quốc, dân số khu vực châu Phi cận Sahara dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050.
(Ảnh: Khánh Linh)

Báo cáo của Liên hợp quốc năm 2019 về Triển vọng dân số thế giới 2019 cũng xác nhận rằng dân số thế giới đang già đi do tuổi thọ tăng và tỷ lệ sinh giảm, và số lượng các quốc gia có quy mô dân số giảm lại đang ngày càng tăng lên.

Một nửa trong số 2 tỷ người dự báo gia tăng trong 30 năm tới sẽ đến từ 9 quốc gia: Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Tanzania, Indonesia, Ai Cập và Mỹ.

Báo cáo cũng cho biết Ấn Độ dự kiến sẽ vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2027 và dân số khu vực châu Phi cận Sahara dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050 (tăng 99%). Tỷ lệ sinh toàn cầu, giảm từ 3,2 lần sinh trên mỗi phụ nữ vào năm 1990 xuống 2,5 lần vào năm 2019, và dự kiến sẽ giảm xuống còn 2,2 lần vào năm 2050.

Những thay đổi về quy mô, thành phần và phân bố dân số toàn cầu có ý nghĩa quan trọng đối với việc đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững được thống nhất ở quy mô toàn cầu nhằm cải thiện sự thịnh vượng kinh tế và hạnh phúc xã hội đồng thời vẫn bảo vệ môi trường.

Trong tuyên bố được đưa ra, ông Liu Zhenmin, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội cho biết: "Hầu hết dân số tăng nhanh nhất là ở các nước nghèo nhất, nơi tăng trưởng dân số đặt ra những thách thức mới cho xóa đói giảm nghèo, bình đẳng, đấu tranh chống lại nạn đói và suy dinh dưỡng, tăng cường độ bao phủ và chất lượng của các hệ thống y tế, giáo dục để không ai bị bỏ lại phía sau".

Báo cáo Triển vọng dân số thế giới 2019 nhấn mạnh:

- Sự tăng trưởng của dân số trong độ tuổi lao động tạo ra cơ hội cho tăng trưởng kinh tế. Để hưởng lợi từ "cổ tức nhân khẩu học" này, các chính phủ nên đầu tư vào giáo dục và y tế, đặc biệt là cho giới trẻ và tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế bền vững.

- Người dân của các nước nghèo nhất sống ít hơn 7 năm so với mức trung bình của thế giới.

- Dân số thế giới đang già đi, với nhóm 65 tuổi trở lên tăng nhanh nhất. Đến năm 2050, 1/6 người trên thế giới sẽ trên 65 tuổi (16%) và 1/4 người dân sống ở châu Âu và Bắc Mỹ có thể từ 65 tuổi trở lên. Năm 2018, lần đầu tiên trong lịch sử, những người từ 65 tuổi trở lên đông hơn trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới. Số người từ 80 tuổi trở lên dự kiến sẽ tăng gấp ba, từ 143 triệu vào năm 2019 lên 426 triệu vào năm 2050.

- Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động giảm đang gây áp lực lên các hệ thống bảo trợ xã hội.

- Số lượng các quốc gia có quy mô dân số giảm lại đang ngày càng tăng lên.

- Di cư đã trở thành một thành phần chính của sự thay đổi dân số ở một số quốc gia. Từ năm 2010 – 2020, 14 quốc gia hoặc khu vực sẽ tiếp nhận một dòng chảy hơn một triệu người di cư.

Khánh Linh (Theo UN, AFP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực