Hướng tới mục tiêu xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân

Thứ tư, 29/08/2018 16:55
(ĐCSVN) – Các vụ thử hạt nhân vẫn là mối đe dọa đối với sức khỏe loài người và sự ổn định trên toàn thế giới với những hậu quả lâu dài và thảm khốc. Chấm dứt các vụ thử hạt nhân không chỉ là biện pháp then chốt giúp bảo vệ cuộc sống của nhân loại hiện tại mà còn góp phần xây dựng một thế giới an toàn hơn cho các thế hệ mai sau.

Ảnh minh họa (Nguồn: UN)

Theo Liên hợp quốc, kể từ khi bắt đầu các vụ thử hạt nhân vào giữa thế kỷ XX, trong đó vụ thử đầu tiên vào ngày 16/7/1945, trong giai đoạn từ năm 1945 – 1996 đã có gần 2.000 vụ thử được tiến hành. Trong số đó, 1.032 vụ do Mỹ thực hiện từ năm 1945 – 1992, 715 vụ do Liên Xô tiến hành từ năm 1952 – 1991, 45 vụ do Anh thử và Pháp thực hiện 210 vụ. Dù có thể “vô tình” hay “hữu ý” bỏ qua những hậu quả tàn khốc mà các vụ thử này để lại đối với sự sống của nhân loại song con người không thể không quan tâm tới hậu quả là những chất phóng xạ thải ra bầu khí quyển.

Không thể phủ nhận rằng, ban đầu, nắm giữ các loại vũ khí hạt nhân được xem là một minh chứng cho sức mạnh khoa học hay quân sự. Tuy nhiên, với nhận thức và kinh nghiệm thu nhận được sau đó, rõ ràng các cuộc thử vũ khí hạt nhân có để lại những hậu quả chết người và bi thảm, nhất là trong trường hợp tiến hành thất bại, và đặc biệt các loại vũ khí hạt nhân hiện nay mạnh hơn và có sức tàn phá lớn hơn rất nhiều.

Các sự cố xảy ra ở khắp nơi trên toàn thế giới nhắc nhở cộng đồng quốc tế cần tiến hành kỷ niệm một Ngày quốc tế chống thử hạt nhân. Sự kiện này là cơ hội để tiến hành các cuộc tuần hành, các hoạt động và thông điệp giáo dục nhằm thu hút sự chú ý của thế giới và chỉ ra làm thế nào để tập hợp các nỗ lực nhằm ngăn chặn việc tiếp tục các thử nghiệm vũ khí hạt nhân.

Ngày 2/12/2009, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết công bố lấy ngày 29/8 hàng năm để kỷ niệm Ngày quốc tế chống thử hạt nhân. Nghị quyết này kêu gọi giáo dục và nâng cao nhận thức về "tác động của các vụ nổ thử vũ khí hạt nhân và các vụ nổ hạt nhân khác; cũng như sự cần thiết phải chấm dứt những hành động này như một trong số các phương tiện để đạt được mục tiêu một thế giới không có vũ khí hạt nhân".

Quyết định trên dựa theo sáng kiến của chính phủ Kazakhstan lấy ngày Kazakhstan đóng cửa khu thử hạt nhân Semipalatinsk của Liên Xô cũ trên lãnh thổ nước mình, nơi từng diễn ra 456 vụ thử hạt nhân trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, làm Ngày quốc tế chống thử hạt nhân.

Năm 2010 đánh dấu lần đầu tiên kỷ niệm Ngày quốc tế chống thử hạt nhân với nhiều sự kiện mang tính giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về nguy cơ hạt nhân tại các trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Vienna (Áo), Astana (Kazakhstan), các viện nghiên cứu, các tổ chức thanh niên và nhiều nước trên khắp thế giới. Kể từ đó, mỗi năm, ngày đặc biệt này đều được kỷ niệm với nhiều hoạt động phối hợp trên toàn cầu, bao gồm các cuộc hội thảo, hội nghị, triển lãm, các cuộc thi, các ấn phẩm, các bài giảng trong trường đại học, các chương trình thông tin trên phương tiện truyền thông. Một số sự kiện cũng đã được tổ chức tại trụ sở Liên hợp quốc.

Ngày quốc tế chống thử hạt nhân nhằm huy động tổ chức Liên hợp quốc, các nước thành viên, các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ, các học viện, mạng lưới thanh niên và các phương tiện truyền thông tiến hành thông tin, giáo dục cộng đồng và nhận thức sâu sắc về sự cần thiết phải cấm thử vũ khí hạt nhân để xây dựng một thế giới an toàn hơn.

Ngăn chặn hiểm họa từ vũ khí hạt nhân

73 năm trước, ngày 6/8/1945, Mỹ đã thả quả bom nguyên tử Little Boy xuống thành phố Hiroshima và 3 ngày sau là quả bom nguyên tử Fat Man xuống thành phố Nagasaki của Nhật Bản. Hành động này đã cướp đi sinh mạng của hơn 210.000 người và để lại hậu quả cho hàng nghìn người khác do phóng xạ hạt nhân.

Trong suốt một thời gian dài, nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới phải sống trong sợ hãi và lo lắng về một cuộc chiến tranh hạt nhân. Và sức phá hủy ghê gớm của bom nguyên tử hay các loại vũ khí hạt nhân nói chung đã làm dấy lên một làn sóng phản đối dữ dội trên toàn cầu.

Ngay từ những ngày đầu mới phát triển các loại vũ khí hạt nhân, các nhà khoa học, đặc biệt là nhà vật lý học, đã ra sức phản đối việc phát triển mạnh các loại vũ khí gây chết người này.

Đến thập niên 1950, nhiều tổ chức và các nhà khoa học đã khởi xướng một phong trào tập trung phản đối việc thử nghiệm vũ khí hạt nhân trong không trung cũng như kêu gọi ngăn chặn toàn bộ các loại vũ khí hạt nhân. Có thể kể đến nhiều phong trào kêu gọi ngăn chặn vũ khí hạt nhân đã diễn ra như: Chiến dịch Giải trừ vũ khí hạt nhân, Cuộc đình công của phụ nữ vì hòa bình...

Đến nay, bên cạnh những phong trào và tổ chức cũ còn tồn tại, hàng chục tổ chức mới trên thế giới thực hiện các hoạt động nhằm phản đối vũ khí hạt nhân đã ra đời như: Những người bạn của trái đất, Hòa bình xanh...

Về phần mình, trong suốt những năm vừa qua, Liên hợp quốc đã liên tục có những hoạt động hiệu quả nhằm đóng góp vào nỗ lực chung ngăn chặn các loại vũ khí hạt nhân. Đặc biệt, Liên hợp quốc đã không ít lần kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới tham gia ký kết Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân vì sự an toàn của tất cả mọi người. Sau hàng loạt phiên đàm phán do Áo, Brazil, Mexico, Nam Phi và New Zealand chủ trì, văn kiện này đã được 122 quốc gia tại Liên hợp quốc thông qua hồi tháng 7/2017 và đến ngày 21/9/2017, khoảng 50 nước thành viên Liên hợp quốc đã ký Hiệp ước bên lề Đại hội đồng diễn ra tại thành phố New York (Mỹ).

Khác với vũ khí sinh học hay hóa học, hiện không có hiệp ước nào cấm sử dụng vũ khí hạt nhân. Vì thế, đây sẽ là lần đầu tiên có một điều ước quốc tế quy định cấm một cách toàn diện việc phát triển, thử, chế tạo, sản xuất, chiếm hữu, tàng trữ, chuyển giao, kiểm soát, sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Khi tham gia Hiệp ước, các quốc gia cũng phải cam kết không cho các quốc gia đồn trú, lắp đặt hoặc triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ và tại các khu vực trong phạm vi tài phán và kiểm soát của mình. Bản hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân bắt đầu có hiệu lực 90 ngày sau khi 50 nước đã thông qua văn kiện này.

Theo Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ vũ khí Hạt nhân (ICAN), đây là một tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy phần lớn thế giới đều bác bỏ vũ khí hạt nhân, không coi đây là các loại vũ khí hợp pháp. Điều này sẽ tạo ra một tiêu chuẩn mới. Tuy nhiên, không quốc gia nào trong 9 nước sở hữu vũ khí hạt nhân, gồm Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên đồng ý tham gia. Những cường quốc hạt nhân cho rằng kho vũ khí của họ đóng vai trò ngăn chặn tấn công và các nước này vẫn cam kết tiếp cận từng bước về giải trừ vũ khí được nêu trong Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Năm 2018, trong thông điệp được đưa ra nhân Ngày quốc tế chống thử hạt nhân (29/8/2018), Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres nêu rõ: Lịch sử các vụ thử hạt nhân đều đầy rẫy đau khổ, và các nạn nhân của hơn 2.000 vụ thử hạt nhân được thực hiện trên toàn thế giới thường là từ các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất. Hậu quả tai hại của các vụ thử hạt nhân này không dừng lại ở biên giới quốc gia và ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, an ninh lương thực và phát triển kinh tế.

Theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, các quan điểm phản đối thử hạt nhân đã được tăng cường. Cộng đồng quốc tế kiên quyết từ chối những vụ thử hạt nhân này bằng cách đồng loạt lên án. Tuy nhiên, các quan điểm phản đối tự nguyện không thể thay thế lệnh cấm toàn cầu mang tính ràng buộc về mặt pháp lý đối với các vụ thử hạt nhân. Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân chính là nền tảng của giải trừ hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Nó nhằm mục đích thúc đẩy hòa bình và an ninh quốc tế bằng cách hạn chế sự phát triển của vũ khí hạt nhân. Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh để bảo đảm an ninh chung của cộng đồng, chúng ta phải cố gắng hết sức nhằm đưa bản Hiệp ước này trở nên có hiệu lực.

Việt Nam khẳng định chính sách nhất quán về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn, an ninh.  Đến nay, Việt Nam đã tham gia hầu hết các điều ước quốc tế quan trọng trong lĩnh vực này. Việt Nam đã tham gia Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT) từ năm 1982; ký kết Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) năm 1995; ký kết Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) năm 1996 và phê chuẩn Hiệp ước này vào năm 2006.

Gần đây nhất, ngày 22/9/2017, tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 72, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã ký Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân.

Khánh Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực