ILO: Còn tồn tại phân biệt đối xử dai dẳng với những người sống chung với HIV

Thứ bảy, 28/07/2018 17:00
(ĐCSVN) – Nghiên cứu mới nhất vừa được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Mạng lưới Toàn cầu của Người sống với HIV (GNP+) công bố cho thấy mặc dù đạt được nhiều tiến bộ trong việc điều trị, cho phép người có HIV có thể làm việc, song họ vẫn tiếp tục phải chịu phân biệt đối xử khi tìm kiếm và giữ việc làm.
Ảnh minh họa (Nguồn: UN)

Báo cáo dựa trên các cuộc điều tra do 13 nhóm quốc gia trên toàn thế giới tiến hành với hơn 100.000 người sống chung với HIV. Báo cáo được trình bày tại Hội nghị quốc tế về AIDS "AIDS 2018" – hội nghị về sức khỏe và phát triển lớn nhất thế giới, đang diễn ra tại Amsterdam trong các ngày 23 – 27/7.

Theo các dữ liệu mới nhất về HIV và tình trạng phân biệt đối xử tại nơi làm việc cung cấp trong báo cáo, những người sống chung với HIV đang thất nghiệp chiếm tỷ lệ cao, từ khoảng 7% số người được phỏng vấn ở Uganda cho đến 61% ở Honduras. 10 trong số 13 quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp từ 30% trở lên trong số những người được hỏi.

Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy những người trẻ sống chung với HIV có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn nhiều, từ 11% ở Hàn Quốc đến 61% ở Hy Lạp, với một số quốc gia có tỷ lệ trên 50% như: Đông Timor (50%), Fiji (56%), Hy Lạp (61%) và Honduras (60%).

Phụ nữ sống chung với HIV cũng ít có khả năng được tuyển dụng hơn nam giới có HIV do công việc nội trợ và việc gia đình không được trả lương. Tình trạng phụ nữ thiếu thu nhập độc lập cũng rất phổ biến, có nghĩa là phụ nữ sống chung với HIV không được hưởng quyền tự chủ kinh tế ở mức tương đương với nam giới. Thất nghiệp giữa những người chuyển giới sống chung với HIV vẫn còn cao ở tất cả các quốc gia.

Một phát hiện quan trọng nữa là nhiều người tiếp tục mất việc vì nhiễm HIV. Tỷ lệ những người đã làm việc nhưng bị mất việc làm hoặc mất nguồn thu nhập do sự phân biệt đối xử của người chủ hoặc đồng nghiệp dao động từ 13% ở Fiji đến 100% ở Đông Timor. Tỷ lệ này cũng cao ở Belize (86%), Nicaragua (67%), Hy Lạp (80%) và Costa Rica (53%).

Trong bối cảnh đó, báo cáo cũng cho biết nhiều người không muốn tiết lộ tình trạng HIV của họ với người chủ sử dụng lao động hoặc thậm chí là đồng nghiệp.

"Báo cáo rõ ràng cho thấy rằng vẫn còn một chặng đường dài để chống lại sự kỳ thị và phân biệt đối xử trong công việc chống lại những người sống chung với HIV. Việc tiếp cận với các biện pháp chăm sóc và việc làm có liên kết chặt chẽ và do đó không thể ngăn chặn được căn bệnh này và bảo đảm phúc lợi của những người sống chung với HIV mà không ưu tiên chấm dứt sự kỳ thị đối với người có HIV tại nơi làm việc" – bà Sasha Volgina, Giám đốc Chương trình GNP+ nhấn mạnh.

Báo cáo đưa ra một số khuyến nghị, trong đó yêu cầu chính phủ và các cơ quan quốc tế tăng cường nỗ lực để duy trì các quyền con người được ghi nhận trong Khuyến nghị của ILO liên quan tới HIV/AIDS và thế giới của công việc, tạo điều kiện tiếp cận với việc làm đầy đủ và hiệu quả và làm việc tốt cho những người sống chung với HIV./.

Khánh Linh (Theo UN, AFP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực