Liên hợp quốc: Cần ngăn chặn tình trạng trẻ em bị dọa nạt

Thứ ba, 09/10/2018 21:34
(ĐCSVN) – Khoảng 130 triệu trẻ em, tương đương 1/3 số trẻ em trên toàn thế giới bị dọa nạt dưới nhiều hình thức. Điều này gây ra những ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến sức khỏe, tinh thần của trẻ.

Việc bị dọa nạt có tác động trực tiếp và lâu dài đến sức khỏe và tinh thần của trẻ.
(Ảnh minh họa: iStock Photos)

Thông tin trên được đưa ra trong báo cáo công bố ngày 8/10 của Liên hợp quốc. Theo bà Marta Santos Pais – Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về vấn đề chống bạo lực trẻ em, việc được bảo vệ khỏi sự dọa nạt là một quyền cơ bản của trẻ em. Bà hoan nghênh “sự quan tâm ngày càng tăng” từ thế giới về vấn đề này, thể hiện qua chính sách, luật pháp và việc vận động để đảm bảo sự an toàn cho trẻ em.

Tuy nhiên, bà Marta Santos cũng chỉ ra những vấn đề cần giải quyết để có thể làm tốt điều này hơn nữa. Bà đã chỉ ra tầm quan trọng của việc ngăn chặn sự dọa nạt ngay từ thời thơ ấu. Bà lưu ý rằng, sự quan tâm của cha mẹ đối với con cái sẽ giúp sớm phát hiện nguy cơ trẻ bị dọa nạt khi bước vào tuổi vị thành niên.

Báo cáo của Liên hợp quốc chỉ rõ, khoảng 176 triệu trẻ em dưới 5 tuổi đã phải chứng kiến bạo lực trong gia đình thường xuyên và việc sống trong môi trường như vậy khiến trẻ bị lệch lạc về tâm lý và có nguy cơ trở thành những người đi dọa nạt bạn bè gấp đôi những trẻ khác. Khoảng 30% trẻ vị thành niên ở 39 quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ thú nhận từng bắt nạt bạn ở trường.

Bạo lực học đường thể hiện qua lời nói hay hành động của giáo viên và bạn bè cũng là một lý do phổ biến khiến trẻ không muốn đến trường, khó tiếp thu bài và trở nên mặc cảm, tự ti. Dọa nạt qua mạng xã hội cũng có những tác động tiêu cực với trẻ, bởi tốc độ lan truyền rất nhanh và khó gỡ bỏ trên internet.

Những lý do điển hình của việc trẻ bị dọa nạt là tình trạng bị béo phì, sự khác biệt về chủng tộc, màu da hay hành vi cư xử khác với giới tính bên ngoài của trẻ.

Do vậy, theo Liên hợp quốc, các chính phủ cũng như các tổ chức cần phải có nhiều biện pháp thiết thực, ví dụ như lập đường dây nóng để các em có thể phản ánh tâm tư tình cảm kịp thời. Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia giáo dục cần thu thập đủ dữ liệu để xây dựng các chương trình và chiến lược phù hợp./.

Kiều Giang (theo UN News, Bernama)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực