Nguy cơ khủng hoảng nhân đạo tại khu vực Tây Bắc Syria

Thứ tư, 29/08/2018 16:51
(ĐCSVN) – Liên hợp quốc tiếp tục lên tiếng báo động về tình hình nhân đạo tại khu vực Tây Bắc Syria, đặc biệt là vùng Idlib, vẫn xấu đi trong những tuần gần đây.
Khung cảnh đổ nát tại Idib, Syria (Ảnh: UNICEF)

Phát biểu trước các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông John Ging, Giám đốc Văn phòng điều phối các hoạt động nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) chỉ rõ các vụ không kích và bắn phá gây thương vong lớn đã xảy ra tại Idlib, Aleppo, Hama và Latakia, giết hại và làm tổn thương nhiều dân thường, phá hủy cơ sở hạ tầng, bao gồm trường học và bệnh viện.

Trong bối cảnh đó, ông John Ging cho biết các tổ chức nhân đạo đã nỗ lực đáp ứng nhu cầu trên khắp khu vực Tây Bắc Syria, song song với việc cung cấp viện trợ xuyên biên giới, vốn rất quan trọng đối với hàng trăm nghìn dân thường đang bị tước đoạt mọi sự hỗ trợ. "Khoảng 680.000 người nhận viện trợ lương thực từ Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trong tháng 7, và 254.000 người được chăm sóc sức khỏe" – quan chức cấp cao của Liên hợp quốc cho biết.

Ngoài ra, song song với phản ứng hiện tại, các đối tác nhân đạo cũng đang hoàn thiện kế hoạch hỗ trợ cho những cộng đồng bị cô lập này dưới sự kiểm soát của các nhóm vũ trang, với số lượng 2,1 triệu người.

Đối với tình hình ở phía Tây Nam, chính phủ Syria đã giành lại quyền kiểm soát hầu hết các tỉnh Deraa, Quneitra và As-Sweida. Phần đông dân số di dời đã bắt đầu được hồi hương, chỉ còn lại 60.000 người vẫn phải di cư trong 3 tỉnh này. Tuy nhiên, theo Giám đốc OCHA, nhu cầu hỗ trợ nhân đạo tại đây vẫn còn rất lớn và Liên hợp quốc đang nỗ lực làm việc để giải quyết, hợp tác với tổ chức Chữ thập đỏ và các tổ chức địa phương khác, cung cấp hỗ trợ lương thực cho hơn 390.000 người.

Tình hình vẫn còn phức tạp ở những nơi khác của Syria, như ở Rukban, trên biên giới Syria-Jordan, nơi 45.000 người đang phải sống tập trung tại một trại tị nạn vốn đã trở nên quá tải. Và tại Deir-ez-Zor, cuộc chiến đang tiếp diễn ở phía Đông tỉnh này tiếp tục tác động đến các thường dân khi hơn 20.000 người đã bị chuyển đến trại tị nạn tạm thời vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8 vừa qua.

Trong bối cảnh đó, Giám đốc Văn phòng điều phối các hoạt động nhân đạo của Liên hợp quốc nhấn mạnh các tổ chức nhân đạo đang làm những gì họ có thể với các nguồn lực hiện có để ứng phó với tình hình có thể tiếp tục xấu đi. Tuy nhiên, trong kịch bản tồi tệ nhất của Idlib, khả năng của họ có thể không đủ và điều này sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo với quy mô chưa từng có. Ông John Ging cũng đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an sử dụng ảnh hưởng của mình để tránh một cuộc khủng hoảng nhân đạo có thể xảy ra tại khu vực Tây Bắc Syria./.

Khánh Linh (Theo UN, AFP, Reuters)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực