Về quyền phụ nữ, bình đẳng và công lý

Thứ năm, 08/03/2018 21:22
(ĐCSVN) – Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) được tổ chức ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là ngày ghi nhận, tôn vinh thành tích, đóng góp của phụ nữ, không phân biệt quốc gia, dân tộc, ngôn ngữ, văn hóa, kinh tế hay chính trị; đồng thời là cơ hội để xem xét các cuộc đấu tranh và thành tựu đạt được trong quá khứ, và trên hết là để chuẩn bị cho tương lai và cơ hội đang chờ đón thế hệ phụ nữ kế tiếp.

 

Thúc đẩy việc trao quyền cho phụ nữ ở mọi nơi, từ nông thôn tới đô thị (Ảnh minh họa : Khánh Linh)


Năm nay, Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/2018) được xem là một phần của phong trào toàn cầu chưa từng có về quyền phụ nữ, bình đẳng và công lý. Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhiều trường hợp phụ nữ bị quấy rối tình dục, bạo lực và phân biệt đối xử đã được đăng tải trên trang nhất và tạo ra rất nhiều cuộc tranh luận công khai, tạo đà thúc đẩy cộng đồng đưa ra cam kết mạnh mẽ để thay đổi.

Ở khắp nơi trên thế giới, mọi người đều tích cực vận động nhằm thay đổi nhận thức của cộng đồng thông qua các cuộc tuần hành tuyên truyền hay các chiến dịch toàn cầu hướng tới một tương lai công bằng hơn đối với phụ nữ.

Chủ đề của Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay (8/3/2018) được lựa chọn là: "Đã đến lúc: Các nhà hoạt động nông thôn và thành thị thay đổi cuộc sống của phụ nữ" nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng đến quyền và hoạt động của phụ nữ nông thôn – vốn chiếm 1/4 dân số thế giới – đang bị bỏ lại phía sau mọi khía cạnh của sự phát triển.

Ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2018 là cơ hội để thay đổi trong hành động nhằm thúc đẩy việc trao quyền cho phụ nữ ở mọi nơi, từ nông thôn tới đô thị; đồng thời tôn vinh các nhà hoạt động, những người làm việc không mệt mỏi để đòi quyền lợi cho phụ nữ và chứng tỏ tiềm năng toàn diện của phụ nữ.

Trong thông điệp đưa ra nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2018, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres nhấn mạnh chúng ta hiện đang ở thời điểm mang tính quyết định đối với quyền của phụ nữ. Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái là những thách thức thực sự của thời đại chúng ta và là thách thức lớn nhất đối với thế giới về các quyền cơ bản.

Theo ông António Guterres, nỗ lực và sự kiên trì của các thế hệ phụ nữ đã mang lại kết quả. Số nữ sinh trong trường học, phụ nữ làm việc có lương và phụ nữ giữ các vị trí cao cấp trong khu vực tư nhân, các học viện, lĩnh vực chính trị và các tổ chức quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc, chưa bao giờ cao như vậy. Bình đẳng giới được lồng ghép vào vô số các quy định pháp luật, và các thực tiễn truyền thống có hại như tàn sát bộ phận sinh dục nữ và tảo hôn hiện được xem là bất hợp pháp ở nhiều nước.

Tuy nhiên, Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng lưu ý chúng ta vẫn còn nhiều trở ngại cần phải vượt qua để khắc phục những bất bình đẳng, nguồn gốc dẫn tới phân biệt đối xử và bóc lột. Hiện tại, hơn một tỷ phụ nữ trên toàn thế giới không được pháp luật bảo vệ nếu họ gặp phải bạo lực tình dục ngay trong chính ngôi nhà của họ. Khoảng cách chênh lệch chi trả lương giữa nam và nữ là 23% trên toàn thế giới, thậm  chí có thể lên tới 40% ở nông thôn, và công việc không lương mà nhiều phụ nữ làm không được công nhận. Phụ nữ chiếm bình quân ít hơn 1/4 số ghế trong Quốc hội, và thậm chí còn ít hơn trong các hội đồng địa phương. Nếu chúng ta không cùng nhau hành động, hàng triệu cô gái sẽ bị cắt xén bộ phận sinh dục trong thập kỷ tiếp theo…

Trong bối cảnh đó, nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc một lần nữa nhắc lại rằng:  Trao quyền cho Phụ nữ là trọng tâm của Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững. Những tiến bộ đạt được trong quá trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững là một bước tiến cho tất cả phụ nữ trên toàn thế giới. Bình đẳng giới không chỉ là vấn đề tôn trọng các quyền cơ bản, mà còn là tiến bộ cho tất cả chúng ta, phụ nữ và nam giới, các chàng trai và các cô gái. Bất bình đẳng và phân biệt đối xử với phụ nữ là không tốt đối với tất cả chúng ta.

Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc, thực tế từ lâu đã chứng minh rằng đầu tư vào phụ nữ là cách hiệu quả nhất để tiếp sinh lực cho các cộng đồng, doanh nghiệp và cả các quốc gia. Sự tham gia của phụ nữ làm cho các thỏa thuận hòa bình càng bền vững, tăng trưởng kinh tế ngày càng mạnh mẽ, xã hội ngày càng ổn định. Vào thời điểm mang tính quyết định đối với quyền của phụ nữ, đã đến lúc nam giới cần đấu tranh bên cạnh phụ nữ, lắng nghe, học hỏi và bảo vệ họ./.

Khánh Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực