“Đạo luật ngăn chặn” liệu có ngăn chặn được lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran?

Thứ ba, 14/08/2018 09:51

(ĐCSVN) - Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố kích hoạt “Đạo luật ngăn chặn” gần như ngay tức khắc khi Mỹ bắt đầu tái áp đặt một số lệnh trừng phạt với Iran từ ngày 6/8 liên quan đến việc Mỹ rút khỏi Thoả thuận hạt nhân, nhằm bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động ở nước này. Đây là sự phản ứng mạnh mẽ nhất của EU đối với đồng minh Mỹ. Tuy nhiên, dường như người ta đang nghi ngờ về tính hiệu quả của Đạo luật.

 

EU sẽ đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp châu Âu trước lệnh trừng phạt của Mỹ.
 Ảnh: Báo An ninh Thủ đô

“Đạo luật ngăn chặn”…

EU vừa tuyên bố kích hoạt “Đạo luật ngăn chặn” nhằm bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động ở Iran khi Mỹ tái áp đặt một số lệnh trừng phạt với Iran từ ngày 6/8 và những biện pháp cấm vận mạnh tay hơn sẽ có hiệu lực trở lại từ tháng 11 tới.

Thông cáo của Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố rằng bất chấp các lệnh cấm vận của Mỹ, các công ty châu Âu sẽ tiếp tục kinh doanh hợp pháp tại Iran dưới sự bảo hộ của Brussels. Đại diện Ủy ban châu Âu Mina Andreeva cho biết: “Sáng ngày 7/8, kế hoạch ngăn chặn của EU bắt đầu có hiệu lực, điều này nhằm bảo vệ các công ty châu Âu đang kinh doanh ở Iran thoát khỏi tác động do biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt chống Iran”. 

Được biết, sau khi Iran đạt được thỏa thuận ngừng chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế năm 2015, các công ty tầm cỡ của châu Âu như Total (Pháp), Maersk (Đan Mạch), Wintershall, Volkswagen (Đức)… đã đổ xô đầu tư kinh doanh tại đây.

Theo lệnh trừng phạt mới của Mỹ, các công ty trên toàn thế giới phải ngừng kinh doanh với Iran hoặc có nguy cơ hứng chịu các hình phạt của Mỹ. Động thái này của Washington đến sau khi Tổng thống Mỹ D. Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận JCPOA bất chấp sự phản đối của các nước. Trước đó, ngày 5/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ sẽ “thực hiện nghiêm ngặt” các lệnh trừng phạt áp đặt trở lại đối với Iran.

Đạo luật ngăn chặn của EU ra đời từ năm 1996 nhằm bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động ở Iran, có nội dung quy định cấm các công ty EU tuân theo các lệnh cấm vận quy mô toàn cầu của Mỹ, cho phép các công ty có thể được bồi thường thiệt hại gây ra bởi các lệnh cấm vận, đồng thời vô hiệu hóa các phán quyết liên quan đến lệnh cấm vận của tòa án tối cao nước ngoài đối với các công ty này.

Trước khi kích hoạt Đạo luật này, các nước EU đã cân nhắc các giải pháp để bảo vệ các công ty đã đổ tiền đầu tư vào thị trường Iran, nhưng theo nhiều chuyên gia, sự lựa chọn của châu Âu là rất hạn chế. Và, chỉ khi Mỹ bắt đầu tái áp đặt một số lệnh trừng phạt với Iran từ ngày 6/8, “Đạo luật ngăn chặn” mới được kích hoạt.

Nhưng khó bề hiệu quả…

Một số chuyên gia cho rằng: “Đạo luật ngăn chặn” của EU khó có thể ngăn chặn được lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và bảo vệ được các doanh nghiệp châu Âu đang kinh doanh tại đây với các lý do sau:

Một là, Quy chế Ngăn chặn của EU ra đời từ năm 1996 nhưng chưa bao giờ được áp dụng và sẽ gặp nhiều khó khăn để có thể có hiệu lực. Đạo luật này cần phải được cập nhật để bao gồm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran liên quan tới hạt nhân, sau đó cần có sự đồng thuận của tất cả 28 nước thành viên mới có thể được thực thi. Điều này được cho là một tiến trình rất mất thời gian.

Chuyên gia về Iran Thomas Gratowski tại hãng tư vấn Global Counsel nhận định: “Giá trị thực tế của quy định thấp hơn nhiều so với giá trị biểu tượng”. Cựu Đại diện thường trực của Bỉ tại EU Jean De Ruyt cũng tin rằng, các biện pháp của EU khó có tác dụng đủ để thuyết phục các công ty lớn tiếp tục làm ăn với Iran. “Liệu các biện pháp của châu Âu có hiệu quả không khi thực tế nó chưa từng được thử nghiệm”.

Một số chuyên gia khác nhận định rằng, lựa chọn an toàn duy nhất đối với các doanh nghiệp châu Âu là dừng hoạt động kinh doanh ở Iran. Viết trên trang Twitter, Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell phát biểu một cách thẳng thắn: “Các doanh nghiệp Đức đang làm ăn ở Iran nên ngừng hoạt động ngay lập tức”.

Hai là, Các công ty châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính quốc tế mà Mỹ là nước đang dẫn đầu, nắm kiểm soát chủ chốt.

Lấy Total - một công ty dầu khí lớn của Pháp làm ví dụ, các ngân hàng Mỹ tham gia vào hơn 90% hoạt động tài chính, các cổ đông Mỹ đại diện cho hơn 30% cổ phần của công ty này. Total cho biết họ không thể đón nhận bất kỳ hình phạt thứ cấp nào nếu không muốn mất tiền tài trợ bằng đồng USD từ các ngân hàng Mỹ cho hoạt động toàn cầu của mình, mất những cổ đông Mỹ hoặc mất quyền tiếp tục hoạt động tại Mỹ”.

Tổng giám đốc điều hành Total, Patrick Pouyanne, cho biết thêm: “Không ai có thể hoạt động ở 130 quốc gia trên thế giới mà không cần truy cập vào hệ thống tài chính của Mỹ. Vì vậy, chúng tôi phải tuân thủ luật pháp Mỹ và phải rời khỏi thị trường Iran đầy hứa hẹn”.

Các công ty châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính quốc tế mà Mỹ đang dẫn đầu, nên trước những lệnh cấm vận mới của Mỹ, các doanh nghiệp EU sẽ phải lựa chọn giữa lợi ích kinh tế ở Teheran và ở Washington, trong khi lợi ích từ việc làm ăn với Mỹ luôn vượt trội so với bất cứ triển vọng nào của việc hợp tác với Iran.

Trong số các biện pháp chống lại lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran, EU cũng cho phép các công ty không giao thương bằng USD, nhờ đó họ có thể tránh được sự kiểm soát của Washington. Nhưng trong quá khứ, ngân hàng Pháp BNP Paribas đã phải trả số tiền phạt kỷ lục lên tới 8,9 tỷ USD cho Washington vì phạm luật chơi, sử dụng đồng tiền của Mỹ trong các giao dịch bị cấm với Iran, Sudan và Cuba. Vì thế, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) dù có thể đi đầu trong những nỗ lực tài chính cũng sẽ không mạo hiểm lựa chọn mô hình kinh doanh ở Iran.

Ba là, Bất chấp các biện pháp trấn an của EU, hiện có một vài doanh nghiệp châu Âu đã ngừng hợp tác và rời khỏi Iran để tránh trở thành mục tiêu của các hình thức trừng phạt của Washington và đánh mất thị trường Mỹ.

Công ty dầu khí Pháp Total đã buộc phải rời Iran vì không nhận được sự nhượng bộ của Chính phủ Mỹ, mặc dù Total mất hàng chục triệu USD khi rời khỏi dự án mở rộng mỏ khí Nam Pars ở vịnh Ba Tư. Tổng giám đốc điều hành Total, Patrick Pouyanne, giải thích lý do Total buộc phải rời Iran là vì lệ thuộc vào hệ thống tài chính của Mỹ.

Volkswagen, hãng bắt đầu xuất khẩu ô tô sang Iran trong năm 2017, cho biết sẽ “theo dõi và xem xét các diễn biến chính trị, kinh tế trong khu vực một cách rất thận trọng”. Airbus, công ty vừa mất giấy phép cần thiết để bán hơn 100 máy bay cho Iran, cho hay họ sẽ “thận trọng phân tích thông báo và đánh giá bước đi tiếp theo”.

Ông Soren Skou, CEO của Maersk cho biết chắc chắn công ty này sẽ “đóng cửa” ở Iran. “Với các biện pháp trừng phạt mà Mỹ sẽ áp dụng, bạn không thể hoạt động ở Iran nếu bạn cũng hoạt động ở Mỹ, và chúng tôi có các hoạt động như vậy trên quy mô lớn”.

Như vậy, biện pháp kích hoạt “Điều luật ngăn chặn” thể hiện quyết tâm của EU trong việc bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran, giúp các công ty châu Âu tránh khỏi các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Nhưng để Đạo luật được thực thi có hiệu quả, cần sự nỗ lực của EU trong việc cập nhật các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran liên quan tới Thỏa thuận hạt nhân; tạo sự đồng thuận của tất cả nước thành viên; thoát dần sự lệ thuộc về tài chính của các công ty vào Mỹ và tính toán đến lợi ích chiến lược hơn các lợi ích trước mắt.

Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, hiệu quả của “Đạo luật ngăn chặn” của EU vẫn còn đang ở phía trước./.

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực