Ecuador tuyên bố rút khỏi OPEC

Thứ tư, 02/10/2019 18:33
(ĐCSVN) – Ngày 1/10, Ecuador thông báo nước này sẽ rút khỏi Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) kể từ ngày 1/1/2020 do gặp phải các khó khăn về tài chính.

Chính phủ Ecuador cho biết quyết định trên được đưa ra trên cơ sở các vấn đề và thách thức nội bộ mà đất nước đang phải đối mặt liên quan tới sự ổn định ngân sách. Biện pháp này được đánh giá là phù hợp với kế hoạch của chính phủ trong việc giảm thiểu chi tiêu công và tạo thêm được nhiều nguồn thu. Tuy nhiên, Ecuador khẳng định chính phủ nước này sẽ tiếp tục ủng hộ tất cả các nỗ lực để tìm kiếm sự ổn định trên thị trường dầu mỏ thế giới.

Đối với một tổ chức gồm 14 nước thành viên là OPEC thì “sự ra đi” của một thành viên mang ý nghĩa thiên về biểu tượng hơn là các vấn đề liên quan tới sản lượng. Trên thực tế, một số nước thành viên của OPEC gồm Gabon và Indonesia cũng đã từng ra đi rồi lại quay trở lại.

Ecuador tuyên bố rút khỏi OPEC. (Ảnh minh họa: AFP)


Ecuador chỉ là một trong những nước sản xuất dầu mỏ khiêm tốn nhất trong OPEC. Tuy nhiên, Ecuador cũng tuyên bố rõ ràng rằng quốc gia Nam Mỹ này muốn rời khỏi OPEC nhằm tăng sản lượng dầu khai thác vào thời điểm các nước thành viên trong tổ chức đang phải đối mặt với sự sụt giảm của giá mặt hàng “vàng đen” trên thị trường thế giới.

Quyết định mới nhất do Ecuador vừa đưa ra cũng cho thấy OPEC sẽ tiếp tục bị thu nhỏ về quy mô, với số lượng thành viên giảm dần. Cách đây chưa đầy 1 năm, Qatar cũng từng tuyên bố rút khỏi tổ chức này vì muốn tập trung vào việc sản xuất khí đốt tự nhiên.

Ecuador gia nhập OPEC từ năm 1973 và đã từng bị đình chỉ tư cách thành viên vào năm 1992 cho tới khi cựu Tổng thống Rafael Correa quyết định quay trở lại vào năm 2007. Sản lượng dầu trung bình của Ecuador hiện vào khoảng 550.000 thùng/ngày và việc OPEC quyết định cắt giảm sản lượng hồi năm ngoái đã ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn thu ngân sách của quốc gia Nam Mỹ này.

Năm 2017, Ecuador đã từng tuyên bố về việc quốc gia Nam Mỹ này sẽ không tuân thủ hạn ngạch sản xuất dầu mỏ và buộc Bộ trưởng Năng lượng Ả rập Xê út Khalid al-Falih phải can thiệp. Tháng 2/2019, Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên thiên nhiên Ecuador Carlos Perez một lần nữa nhắc lại lập trường rằng Ecuador sẽ sản xuất dầu mỏ vượt giới hạn cho phép. “Chúng tôi sẽ tiếp tục sản xuất ở ngưỡng mà chúng tôi cho là cần thiết…Các bạn đừng quên rằng, những quyết định do OPEC đưa ra không mang tính chất bắt buộc” – ông Perez nói.

Ông Schreiner Parker – Phó Chủ tịch phụ trách mảng Mỹ Latinh của công ty tư vấn Schreiner Parker cho rằng Ecuador đã tỏ ra “thành thật” về việc nước này không muốn tiếp tục bị cắt giảm sản lượng trong tương lai. Quyết định rút khỏi OPEC được Ecuador đưa ra vào thời điểm Tổng thống Lenin Moreno đang nỗ lực đảo ngược các chính sách kinh tế của người tiền nhiệm. “Ông Moreno muốn theo đuổi những chính sách riêng và có chủ trương thân thiện với thị trường hơn là ban đầu người ta vẫn nghĩ về nhà lãnh đạo này” – ông Parker nói.

Trong khi đó, việc Ecuador rút khỏi OPEC cũng được xem là một động thái nhằm phát đi thông điệp tới ngành công nghiệp dầu mỏ thế giới rằng, Ecuador đang mở cửa cho các hoạt động kinh doanh trong khu vực, vào thời điểm cơ hội đầu tư tại các nước khác như Venezuela, Mexico và Argentina đang trở nên hạn hẹp. Không còn là thành viên của OPEC cũng đồng nghĩa với việc Ecuador đã “cởi bỏ” được những ràng buộc về sản lượng và sẽ khiến cho việc thu hút các nguồn lực tài chính cũng như các hoạt động thúc đẩy khai thác dầu tại quốc gia Nam Mỹ này trở nên dễ dàng hơn.

Hiện Ecuador đang phát triển một nhà máy dầu thô với công suất 1,6 tỷ thùng tại công viên quốc gia Yasuni với kỳ vọng sẽ có thể bắt đầu gọi thầu ngay từ đầu năm tới. Tuy nhiên, kế hoạch này đang bị cản trở bởi các cuộc biểu tình của người dân bản địa và các tổ chức môi trường vốn không đồng tình với chủ trương phát triển ngành công nghiệp dầu mỏ tại khu vực phía Nam rừng Amazon.

Ngày 1/10, giá dầu thế giới đã tụt xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu ảm đạm. Điều này cũng phát đi tín hiệu cho thấy OPEC sẽ cần tính đến phương án tiếp tục cắt giảm sản lượng nếu muốn cân bằng thị trường dầu mỏ thế giới. Ước tính, tổ chức này sẽ cần cắt giảm 3 triệu thùng dầu/ngày vào cuối năm 2020 để nâng giá “vàng đen” trên thị trường thế giới. Cách đây ít lâu, OPEC và các nước liên minh của tổ chức này cũng đã cam kết cắt giảm 1,2 triệu thùng/ngày để cải thiện giá dầu./.

Thu Lan (Theo Bloomberg, Reuters)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực