FAO: Thương mại lương thực toàn cầu phải thúc đẩy chế độ ăn uống lành mạnh

Thứ năm, 10/05/2018 17:50
(ĐCSVN) – Tổng giám đốc Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) José Graziano da Silva ngày 9/5 tuyên bố cho biết, thương mại lương thực toàn cầu có vai trò thiết yếu đối với mọi quốc gia, nhưng các quy tắc và quy định thương mại toàn cầu cần được xem xét để bảo đảm rằng thương mại lương thực lành mạnh và bổ dưỡng hơn là giá rẻ.
Thúc đẩy sản xuất và thương mại các sản phẩm lương thực sạch, lành mạnh và bổ dưỡng.
(Ảnh minh họa: Khánh Linh)

Theo ông José Graziano da Silva, tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu thực phẩm để nuôi thế giới là bắt buộc trong giai đoạn hậu chiến, nhưng điều đó đã thay đổi khi thực phẩm trở nên đồng nghĩa với các sản phẩm lương thực được công nghiệp hóa và chế biến, và nguy cơ béo phì cũng hiện hữu và trầm trọng như nguy cơ liên quan đến nạn đói. “Vào thời điểm hiện tại, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn” – ông nhấn mạnh.

Tổng giám đốc FAO giải thích: Mô hình chuỗi thức ăn phổ biến thường được gọi là "từ trang trại đến đĩa ăn” không nắm bắt được thực tế phức tạp của hệ thống thực phẩm. Hầu hết những điều quan trọng mà chúng ta làm vượt ra ngoài giai đoạn đĩa ăn. Quy định về thực phẩm, trong đó có các luật, tiêu chuẩn, giao thức sản xuất, trợ cấp và các giao thức phổ biến, cần được xem xét để quảng bá thực phẩm lành mạnh chứ không chỉ là thực phẩm nói chung. "Thúc đẩy thực phẩm lành mạnh là một phần trong sứ mệnh của FAO và tôi thậm chí sẽ gọi đó là một nghĩa vụ" – ông Graziano da Silva nói.

Tuyên bố trên đã được nhà lãnh đạo của FAO phát biểu tại buổi công bố Báo cáo chính sách lương thực toàn cầu năm 2018 do Viện nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (IFPRI) xuất bản. Ấn bản năm nay tập trung vào cách thức nhằm chấm dứt những bất bình ngày càng tăng về tác động của toàn cầu hóa.

"Chúng ta cần phải vượt ra ngoài sản xuất" – Giám đốc điều hành IFPRI Shenggen Fan chỉ rõ, đồng thời lưu ý rằng trong số những thách thức lớn khác cần phải vượt qua để xóa bỏ nạn đói, cần chú ý tới dinh dưỡng, việc làm, di cư và chia sẻ kiến thức và dữ liệu.

Trong khi đó, theo ông Graziano da Silva, “chúng ta cần thương mại và tất cả các quốc gia, không có ngoại lệ, phải trao đổi sản phẩm để nuôi sống người dân của họ. Vấn đề đặt ra bây giờ là biết cách trao đổi”.

Thêm vào đó, lưu ý nhiều căng thẳng liên quan đến thương mại và đặc biệt là thực phẩm tươi sống nói riêng, Tổng giám đốc FAO cho rằng đã "lỗi thời để áp dụng các quy định tương tự cho các sản phẩm xuất khẩu từ Brazil sang Nhật Bản đối với các sản phẩm được trồng gần nhà và bán trên thị trường nông sản của thành phố”. Kết quả là, thực phẩm chế biến và sản xuất hàng loạt, thường có hàm lượng chất béo bão hòa, muối và đường, lại được ưa chuộng bởi các quy tắc hiện hành.

Trong bối cảnh đó, Tổng giám đốc FAO nhấn mạnh để bảo đảm rằng các hệ thống thực phẩm trong tương lai cung cấp lương thực cho tất cả mọi người, chúng ta cần một sự thay đổi triệt để. "Chúng ta phải suy nghĩ rộng hơn nếu thực sự muốn thực hiện thay đổi này" – ông nói thêm.

Theo Tổng giám đốc IFPRI, thương mại đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu toàn cầu về xóa bỏ nạn đói. "Thương mại quốc tế có thể tăng tính sẵn có và đa dạng chế độ ăn uống, ví dụ như khi trái cây nhiệt đới được gửi đến các nước vùng ôn đới vào mùa đông và ngũ cốc được chuyển ngược lại" – ông Fan giải thích.

Theo báo cáo vừa được công bố, trong vòng 40 năm qua, tỷ lệ calo của thực phẩm toàn cầu qua biên giới quốc tế đã tăng gần 12%, lên hơn 19%./.

Khánh Linh (Theo UN, FAO, AFP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực