Hai miền Triều Tiên khôi phục hoàn toàn đường dây liên lạc quân sự phía Đông

Thứ năm, 16/08/2018 14:31
(ĐCSVN) – Ngày 15/8, Hàn Quốc và Triều Tiên đã khôi phục hoàn toàn đường dây liên lạc quân sự tại khu vực phía Đông bán đảo Triều Tiên, trong một động thái nhằm tiến gần hơn tới mục tiêu xây dựng niềm tin và hạ nhiệt căng thẳng biên giới liên Triều.

Tổng thống Nga khẳng định sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên

Một binh sỹ Hàn Quốc sử dụng đường dây liên lạc tại khu vực phía Tây bán đảo Triều Tiên.
(Ảnh: Yonhap)


Việc khôi phục hoàn toàn các hoạt động liên lạc bằng fax và điện thoại là một phần trong thỏa thuận đạt được tại cuộc đối thoại quân sự cấp tướng giữa hai miền Triều Tiên diễn ra vào tháng 6/2018. Đây cũng là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa các tướng lĩnh quân sự của Hàn Quốc và Triều Tiên trong vòng hơn 1 thập kỷ qua.

Tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lịch sử diễn ra ngày 27/4 ở làng đình chiến Panmunjom, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhất trí chấm dứt tất cả các hành vi thù địch nhằm vào đối phương, tăng cường các mối quan hệ song phương và theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

Dựa trên tinh thần trên, vào tháng 7/2018, hai miền Triều Tiên đã khôi phục hoàn toàn đường dây liên lạc quân sự tại khu vực phía Tây bán đảo Triều Tiên. Hoạt động của đường dây liên lạc tại khu vực phía Tây bán đảo Triều Tiên đã bị đình trệ từ năm 2016 do những căng thẳng giữa hai miền dẫn tới việc Hàn Quốc đóng cửa khu công nghiệp chung Kaesong. Trong khi đó, đường dây liên lạc quân sự tại khu vực phía Đông đã bị phá hủy hoàn toàn do một trận cháy rừng xảy ra vào năm 2010.

Trong một tuyên bố cùng ngày, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đánh giá việc khôi phục hoàn toàn đường dây liên lạc tại khu vực phía Đông bán đảo Triều Tiên là một phần nỗ lực triển khai Tuyên bố Panmunjom và sẽ có đóng góp vào việc xây dựng lòng tin cũng như hạ nhiệt căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên.

Một số quan chức quân sự của Hàn Quốc lại nhìn nhận việc nối lại đường dây liên lạc quân sự không chỉ là một bước đi khởi đầu hướng tới mục tiêu xây dựng lòng tin giữa hai miền Triều Tiên, mà còn được kỳ vọng là sẽ mở đường cho các nỗ lực chung để đưa ra một quy ước kiểm soát vũ khí, trong đó gồm việc rút các đơn vị pháo binh khỏi khu vực biên giới và giải trừ quân bị tại khu vực an ninh chung (JSA) thuộc khu phi quân sự (DMZ) chia cắt hai miền Triều Tiên./.

Thu Lan (Theo NHK, Prensa Latina, nknews.org)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực