IMF có Tổng giám đốc mới

Thứ năm, 26/09/2019 16:15
(ĐCSVN) – Ban Điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 25/9 đã thông qua đề cử Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB), bà Kristalina Georgieva vào cương vị Tổng giám đốc IMF nhiệm kỳ mới kéo dài 5 năm bắt đầu từ ngày 1/10/2019.

Tân Tổng giám đốc IMF Kristalia Georgieva. (Ảnh: Reuters)

Bà Kristalia Georgieva, nhà kinh tế học người Bulgaria đã được 24 thành viên Ban Điều hành, đại diện cho 189 quốc gia thành viên quỹ IMF lựa chọn vào cương vị này. Việc lựa chọn vị trí tân Tổng giám đốc IMF được tiến hành từ ngày 26/7/2019.

Bà Georgieva, người kế nhiệm bà Christine Lagarde sẽ là nhà lãnh đạo IMF đầu tiên đến từ một nền kinh tế mới nổi, kể từ khi IMF thành lập năm 1944.

Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đã bỏ phiếu lựa chọn bà Kristalina Georgieva là ứng cử viên duy nhất cho vị trí Tổng Giám đốc IMF.

Năm 2010, bà Kristalina Georgieva từng làm việc trong Ủy ban châu Âu và đảm nhiệm cương vị Giám đốc điều hành WB từ tháng 1/2017. Bà từng giữ chức Chủ tịch tạm quyền của WB từ tháng 2-4/2019. Như vậy, bà Georgieva đã trở thành nữ tổng giám đốc thứ hai của IMF sau bà Christine Lagarde, người đã từ chức trước đó để lãnh đạo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Phát biểu trước báo giới tại trụ sở của IMF tại Washington, Mỹ, bà Georgieva bày tỏ vinh dự khi được tín nhiệm lựa chọn vào vị trí Tổng Giám đốc IMF.

“Tôi thực sự cảm thấy vinh dự khi được lựa chọn làm Tổng giám đốc IMF và rất biết ơn vì sự tin tưởng mà các thành viên và Ban Điều hành IMF đã dành cho tôi. Tôi muốn tri ân đến người tiền nhiệm của tôi, bà Christine Lagarde, một nhà lãnh đạo tuyệt vời, tầm nhìn và sự làm việc không biết mệt mỏi của bà đã đóng góp rất nhiều cho sự thành công hiện tại của IMF”.

Bà Georgieva cũng tự mô tả mình là “một người tin tưởng vững chắc vào nhiệm vụ của mình, là giúp đảm bảo sự ổn định của hệ thống kinh tế và tài chính toàn cầu thông qua hợp tác quốc tế".

“Đây là một trọng trách lớn trên cương vị Tổng giám đốc của IMF của tôi tại thời điểm tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang suy yếu, căng thẳng thương mại vẫn tiếp diễn và nợ công đang ở mức cao trong lịch sử. Chính vì vậy, các ưu tiên trước mắt của chúng ta là giúp các quốc gia giảm thiểu nguy cơ gây ra khủng hoảng kinh tế và sẵn sàng đối phó nếu xảy ra suy thoái. Chúng ta phải có tầm nhìn đối với các mục tiêu dài hạn”.

“Tôi mong chờ được làm việc với 189 quốc gia thành viên, với Ban điều hành và với tất cả các đối tác của chúng ta trong những năm tới”, bà cho biết./.

Hoài Hà (Theo imf.org, Xinhua)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực