Iran nêu điều kiện nối lại đàm phán với Mỹ

Thứ năm, 12/09/2019 11:14
(ĐCSVN) – Mỹ đã vi phạm các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 khi rút khỏi văn kiện này vào tháng 5/2018 và việc nối lại đối thoại với Mỹ sẽ “chỉ là vô nghĩa” chừng nào Washington còn giữ các lệnh cấm vận chống Tehran.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. (Ảnh: Ebrahim Noroozi/AP)


Đây là thông điệp được Tổng thống Iran Hassan Rouhani đưa ra trong cuộc điện đàm với người đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron ngày 11/9 kèm thêm một lời nhắn gửi rõ ràng: “Xét trên lập trường của Chính phủ, Quốc hội và người dân Iran, chừng nào các lệnh trừng phạt vẫn được duy trì, thì chừng đó, việc đối thoại với Mỹ sẽ là vô nghĩa lý”.

Tổng thống Rouhani khẳng định trước ông Macron rằng, Iran sẵn sàng tuân thủ trở lại bản thỏa thuận hạt nhân ở mức độ “đầy đủ nhất” nếu như 3 nước châu Âu (gồm: Anh, Đức, Pháp) cũng thực hiện nghiêm túc các cam kết đã đưa ra. Nhà lãnh đạo Iran nêu rõ, sự ổn định của bản thỏa thuận hạt nhân (hay còn được biết đến với tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện – JCPOA) và an ninh trên mọi tuyến hải lộ, gồm cả vịnh Persian là 2 mục tiêu trọng yếu mang lại lợi ích cho tất cả các bên, trong đó có cả Mỹ.

Người đứng đầu nhà nước Iran nhấn mạnh, JCPOA đã mở ra một cơ hội lớn lao để các nước khác có thể đóng vai trò trong nền kinh tế phồn thịnh của Iran. “Vấn đề cấp bách ở đây là Liên minh châu Âu (EU) và Pháp cần thể hiện vị trí của mình trong việc bảo toàn JCPOA một cách tốt nhất có thể” – ông Rouhani nói.

Về phía Tổng thống Macron đã nêu chi tiết nội dung các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Pháp, khẳng định thêm rằng Paris sẽ tiếp tục theo đuổi các nỗ lực để thực thi đầy đủ JCPOA và không quên đề ra các kế hoạch đàm phán trong tương lai.

Kể từ vài tuần gần đây, Tổng thống Iran đã tiến hành một loạt cuộc điện đàm với Tổng thống Macron trong bối cảnh nhà lãnh đạo Pháp đang đẩy mạnh các nỗ lực của châu Âu nhằm cứu vãn bản thỏa thuận hạt nhân trước nguy cơ đổ vỡ.  Kết thúc cuộc điện đàm ngày 11/9, hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ tiếp tục đối thoại trong tương lai.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 11/9, Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc Majid Takht Ravanchi cũng chia sẻ lập trường của ông Rouhani khi cho rằng “sẽ không có chuyện Iran nối lại đối thoại với Mỹ, chừng nào các lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ nhằm vào Iran vẫn còn phát huy hiệu lực”. Việc giới chức Iran lặp lại những thông điệp “cứng rắn” trên được nhìn nhận là một biện pháp gây sức ép để hối thúc chính quyền Mỹ thực hiện các biện pháp cụ thể, gồm cả việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt nếu như Washington thực sự mong muốn ngồi vào bàn đàm phán với Tehran.

Mối quan hệ vốn dĩ không mấy yên ả trong nhiều năm qua giữa Mỹ và Iran lại tiếp tục bị kéo căng sau sự kiện Mỹ rút khỏi JCPOA vào tháng 5/2018. Hiện Iran cáo buộc Tổng thống D.Trump đang dồn nước này vào tình thế phải chấp nhận một giải pháp thay thế trên phạm vi rộng hơn nhằm hạn chế chương trình tên lửa và tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Ngoài ra, Mỹ cũng đang hợp tác với các đồng minh để thành lập một lực lượng tuần tra ở vùng vịnh Persian để bảo vệ tàu thuyền khỏi điều mà Washington cho là “các mối đe dọa từ Iran”.

Trong bối cảnh trên, Iran đã có phản ứng nhằm đáp trả thái độ mà nước này cho là “sự thiếu thiện chí” từ các nước châu Âu tham gia JCPOA trong việc bảo vệ lợi ích của Terhan trước các biện pháp gây sức ép từ phía Mỹ. Trong vài tháng trở lại đây, Iran đã liên tiếp cắt giảm những cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, với bước đâu tiên là tăng trữ lượng uranium làm giàu vượt ngưỡng trần 300 kg và tiếp theo là khởi động việc làm giàu uranium quá mức 3,67% được quy định trong JCPOA.

Tuần trước, Iran đã cảnh báo các nước châu Âu về khả năng nước này sẽ tiếp tục thực hiện bước đi thứ 3, đó là xóa bỏ mọi giới hạn trong các hoạt động phát triển và nghiên cứu hạt nhân nếu như các quyền lợi của nước này không được bảo đảm./.

Thu Lan (Theo NHK, PressTV)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực