Iran nêu điều kiện để duy trì bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử

Thứ năm, 24/05/2018 18:38
(ĐCSVN) – Kênh truyền hình Al-Jazerra đưa tin: Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei vừa nêu 7 điều kiện đối với các cường quốc châu Âu để bảo toàn bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử được Iran và các cường quốc ký năm 2015.

Mỹ kêu gọi châu Âu đưa ra cách tiếp cận ngoại giao chung trong vấn đề Iran

Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei.
(Ảnh: TASS/Office of the Iranian Supreme Leader via AP)


Cụ thể, những điều kiện trên bao gồm việc các cường quốc châu Âu tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân lịch sử, hay còn được biết đến với tên gọi là Bản kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) – gồm: Anh, Pháp và Đức cần bảo đảm rằng các ngân hàng châu Âu sẽ tiếp tục duy trì hoạt động giao dịch thương mại với Iran ngay cả sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA. Bên cạnh đó, các nước châu Âu cần bảo đảm sẽ tiếp tục các hoạt động mua bán mặt hàng dầu mỏ của Iran, đồng thời cam kết sẽ không tìm kiếm các vòng đàm phán mới về chương trình tên lửa đạn đạo cùng các hoạt động của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran trong khu vực.

 

Phát biểu trong cuộc gặp với các đại diện chính phủ Iran, ngày 23/5, ông Khamenei nhấn mạnh: “Chúng ta không muốn khiêu chiến với 3 nước (gồm: Anh, Pháp và Đức), song chúng ta không tin tưởng ở họ, dựa vào những kinh nghiệm trước đây… Nếu như các nước châu Âu bỏ qua yêu cầu của chúng ta, thì Iran có quyền nối lại các hoạt động hạt nhân. Khi chúng ta được chứng kiến rằng JCPOA đã trở nên vô tác dụng, thì một con đường nằm ở phía trước đó là chúng ta sẽ tái khởi động các chương trình vốn đã bị đình trệ”.

 

Ông Khamenei cho rằng, trong vòng 2 năm qua, Mỹ đã nhiều lần vi phạm JCPOA song các nước châu Âu vẫn giữ thái độ yên lặng. Chính vì thế, Lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran kêu gọi các nước châu Âu cần “bù đắp cho sự yên lặng này” và “đứng lên chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ”.

 

Sau nhiều năm đàm phán dai dẳng, tới năm 2015, Iran và nhóm P5+1 gồm: Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc và Đức đã ký kết JCPOA, theo đó quy định cộng đồng quốc tế sẽ nới lỏng các lệnh trừng phạt Iran để đổi lấy việc chính quyền Tehran chấm dứt các hoạt động phát triển bom nguyên tử. Tuy nhiên, đến ngày 8/5, Tổng thống Mỹ D.Trump đã tuyên bố rút khỏi bản thỏa thuận này, đồng thời khuyến cáo kịch bản áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt chống Iran và để ngỏ khả năng đưa ra thêm các lệnh trừng phạt mới nếu như Iran không từ bỏ tham vọng hạt nhân.

 

Sau quyết định của Mỹ, ba nước Anh, Đức và Pháp đã kêu gọi các nước còn lại trong JCPOA cần tiếp tục tuân thủ các nghĩa vụ được nêu lên trong bản thỏa thuận này. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, việc Mỹ rút khỏi JCPOA là một hành động vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Nga sẽ nỗ lực tìm kiếm giải pháp để tiếp tục duy trì thỏa thuận này ngay cả khi Mỹ cảnh báo sẽ nối lại lệnh trừng phạt chống Iran. Về phía Iran tuyên bố vào thời điểm hiện tại, nước này vẫn ở lại JCPOA và để treo tiến trình đàm phán với các nước ký kết còn lại trước khi đưa ra quyết định cuối cùng trong vài tuần tới. Hiện Iran đang mong muốn các nước châu Âu đưa ra sự bảo đảm rõ ràng về việc duy trì các cam kết đưa ra trong JCPOA.

 

Ngày 23/5, kênh truyền hình vệ tinh PressTV công bố nội dung phỏng vấn phát ngôn viên Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Behrouz Kamalvandi khẳng định, nước Cộng hòa Hồi giáo này đã trong tâm thế hoàn toàn sẵn sàng để nối lại các hoạt động phát triển hạt nhân trước đây nếu như JCPOA không được bảo toàn đầy đủ. Ông Kamalvandi cho rằng, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) là tổ chức quốc tế duy nhất có thẩm quyền xác minh và đưa ra phán xét về mức độ tuân thủ của Iran đối với JCPOA. Tuy nhiên, những báo cáo của IAEA đã kết luận rằng Iran tuân thủ các cam kết đưa ra trong JCPOA. Từ đó, ông Kamalvandi đã lên tiếng chỉ trích việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử, xem đây là một hành động không những đi ngược lại luật pháp quốc tế mà còn khiến cho uy tín của chính phủ Mỹ bị tổn hại./.

Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực