Kenya cảnh báo công dân hạn chế du lịch đến Nam Sudan

Thứ năm, 22/02/2018 11:13
Ngày 21/2, Chính phủ Kenya đã khuyến cáo người dân hạn chế đi du lịch đến một số khu vực của Nam Sudan đang bị ảnh hưởng của cuộc xung đột sắc tộc kéo dài 6 tháng qua.
Người tị nạn ở Nam Sudan. Ảnh: AFP.

Bộ Ngoại giao Kenya cho biết công dân nước này cần thận trọng và đặc biệt chú ý khi đi đến các vùng thuộc thượng lưu sông Nile, đặc biệt là các tiểu bang Bieh (B-ê), Latjoor (La-ti-giô), Akobo (A-cô-bô), Jonglei (Giông-lây), Northern Liech (Bắc Li-ếch) và một số địa danh thuộc các bang Maiwut (Mai-út), Eastern Nile (ĐÔng Nin), Boma (Bô-ma) và  Yei River (sông Giây).

Cảnh báo trên được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi phe nổi dậy ở Nam Sudan phóng thích 2 phi công Kenya từng bị bắt tại khu vực Akobo thuộc thượng lưu sông Nile, gần biên giới của Nam Sudan và Ethiopia. Vùng đất này hiện thuộc quyền kiểm soát của phe nổi dậy. Hai phi công bị bắt giữ từ đầu tháng 2  và đã được trả tự do sau khi gia đình họ phải trả cho các phần tử nổi dậy khoản tiền lên đến 108.000 USD.  Ngoài 2 phi công kể trên, nhiều người khác, bao gồm các nhân viên cứu hộ, công nhân khai thác dầu… cũng đang bị các nhóm vũ trang bắt và giam giữ trong 4 năm xung đột.

Nam Sudan rơi vào tình trạng bạo lực và bất ổn tháng 12/2013 sau khi xảy ra tranh chấp chính trị giữa Tổng thống Salva Kiir (Xan-va Kia) và cựu phó Tổng thống Riek Machar (Ri-éc Ma-cha), dẫn đến cuộc chiến giữa các chiến binh thuộc nhóm sắc tộc Dinka trung thành với ông Kiir chống lại nhóm sắc tộc Nuer ủng hộ ông Machar. Một thoả thuận hoà bình được ký kết hồi tháng 8/2015 giữa các nhà lãnh đạo đối lập dưới áp lực của Liên hợp quốc, dẫn tới thành lập một chính phủ chuyển tiếp thống nhất tháng 4/2016. Tuy nhiên, thoả thuận ngừng bắn đã bị phá vỡ tháng 7/2016 khi các phe đối nghịch tiếp tục đối đầu tại thủ đô Juba, buộc ông Machar phải lưu vong. Cuộc xung đột đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và khoảng 4 triệu thường dân phải di rời, trong đó 2 triệu người phải sinh sống tại các trại tập trung nội bộ và 1,9 triệu người tị nạn sang các nước láng giềng như Uganda, Sudan, Ethiopia và Kenya./. 

Theo TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực