Không tham gia RCEP, liệu Ấn Độ có bỏ lỡ cơ hội?

Thứ sáu, 15/11/2019 14:36
(ĐCSVN) - Ấn Độ tuyên bố không tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), tạo một đòn giáng lớn vào hy vọng thành lập hiệp định thương mại lớn nhất châu Á. Trong khi đó, giai đoạn tăng trưởng tiếp theo của Ấn Độ đòi hỏi một trong những động lực, đó là xuất khẩu sang các thị trường châu Á. Động thái này khiến giới nghiên cứu và dư luận đặc biệt quan tâm.

Từ cơ hội được tạo ra…

RCEP là thỏa thuận thương mại giữa ASEAN và 6 quốc gia là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và New Zealand, với 47,4% dân số thế giới, trên 30% GDP, 29,1% giá trị thương mại và 32,5% luồng vốn đầu tư toàn cầu. RCEP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới, với các cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại.


Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới dự cuộc họp bên lề hội nghị
thượng đỉnh ASEAN ở Bangkok, Thái Lan, ngày 4/11. (Ảnh: Reuters).

RCEP được kỳ vọng thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, thúc đẩy hơn nữa quá trình tăng trưởng và sự phát triển kinh tế của ASEAN và các nước đối tác; góp phần tạo lập cấu trúc thương mại mới trong khu vực, thúc đẩy toàn cầu hóa theo hướng tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại một cách bền vững.

RCEP sẽ mang lại lợi ích to lớn cho các doanh nghiệp, người lao động và nông dân các nước tham gia khi dỡ bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan cũng như hạ thấp chi phí. RCEP còn tạo niềm tin của các nhà đầu tư trước sự nổi lên của chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ, vốn đã tác động tiêu cực tới tăng trưởng thương mại toàn cầu.

Nếu tham gia RCEP, Ấn Độ sẽ được hưởng lợi, bởi giai đoạn tăng trưởng tiếp theo của Ấn Độ đòi hỏi một trong những động lực là xuất khẩu sang thị trường châu Á đang tăng trưởng. Các doanh nghiệp xuất khẩu Ấn Độ có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, mang về lợi ích cho mình và hỗ trợ tạo thêm việc làm ở nước này.

RCEP cũng bao gồm cả một cơ chế bảo vệ có thể được sử dụng để thu hồi các mức thuế quan nếu Ấn Độ nhận thấy hiệp định này tác động tiêu cực tới các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trong nước. Nếu thiếu RCEP, sự hội nhập của Ấn Độ với châu Á đang phát triển nhanh chóng sẽ khó được thực hiện.

Nguyên Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Rajeev Kher nhận định: “Ấn Độ không thể đứng một mình. Ấn Độ phải là thành viên của RCEP”, “RCEP có thể là một bước ngoặt, báo hiệu các cải cách mạnh mẽ chưa từng có trong lĩnh vực thương mại kể từ khi Ấn Độ giành độc lập cho đến nay”.

Đến tuyên bố bất ngờ…

Cơ hội RCEP mang lại cho Ấn Độ rất lớn, thế nhưng New Delhi lại tuyên bố nước này sẽ không tham gia. Nhà ngoại giao Ấn Độ Vijay Thakur Singh cho biết: “Chúng tôi đã thông báo với các nước tham gia rằng chúng tôi sẽ không gia nhập RCEP”.

Ấn Độ cho rằng, gia nhập RCEP sẽ mở đường cho hàng hóa giá rẻ tràn vào thị trường Ấn Độ và gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Trên thực tế, Ấn Độ đang chịu mức thâm hụt thương mại lớn, khoảng 105 tỷ USD với các nước RCEP, chỉ riêng với Trung Quốc đã là 54 tỷ USD. Ấn Độ cũng muốn duy trì  thuế quan đối với một số mặt hàng nông sản nhạy cảm và kéo dài lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng khác, nhưng đề xuất này không được giải quyết thỏa đáng.

Ấn Độ rút khỏi RCEP chủ yếu do những vấn đề nội bộ của nước này chưa được giải quyết. Trong những tháng gần đây, chính quyền Thủ tướng Modi rất cố gắng tham gia RCEP vì lợi ích kinh tế và địa chính trị. Thế nhưng, Đảng Quốc Đại đã đưa ra các ý kiến trái chiều. Chủ tịch Đảng Quốc đại Rahul Gandhi cho rằng nếu tham gia RCEP “Ấn Độ sẽ tràn ngập hàng hóa giá rẻ, dẫn đến hàng triệu việc làm bị mất”.

Chuyên gia kinh tế Amitendu Palit cho rằng nếu gia nhập RCEP, lực lượng cử tri chính yếu là các ngành công nghiệp nhỏ và chủ cửa hàng cảm thấy bị bỏ rơi. Nhiều tiếng nói của nông dân, tổ chức công đoàn...  đều phản đối RCEP và cảnh báo hàng hóa giá rẻ Trung Quốc nếu ồ ạt sang, sẽ là “chuông báo tử” cho ngành sản xuất của Ấn Độ.

Có chuyên gia cho rằng, có thể Ấn Độ đang toan tính chiến lược “hướng Tây”, khi nước này đang tìm một thỏa thuận thương mại với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Bộ trưởng Công Thương Ấn Độ Piyush Goyal nói: “Hiện tại, Ấn Độ đang thăm dò các thỏa thuận thương mại với Mỹ và EU, nơi ngành công nghiệp và dịch vụ Ấn Độ sẽ có tính cạnh tranh và hưởng lợi từ việc tiếp cận các thị trường phát triển lớn”.

Cũng có ý kiến cho rằng, quyết định rút lui của Ấn Độ có thể chỉ là một chiến thuật đàm phán. Các quốc gia RCEP còn lại có thể đưa ra những nhượng bộ mới nhằm kêu gọi Ấn Độ đặt bút ký và tham gia vào năm 2020.

Và có thể bỏ lỡ cơ hội

Theo giới quan sát, rút khỏi RCEP Ấn Độ có thể trở thành người thua cuộc, bởi lẽ Chính phủ của Thủ tướng Modi hiện nằm ngoài cả hai khối thương mại, vốn được cho là sẽ xác định tương lai của toàn bộ châu Á: RCEP và CPTPP. Đây là tín hiệu đáng báo động với tương lai của Ấn Độ khi nước này cam kết cải cách kinh tế và thương mại. Rút khỏi RCEP Ấn Độ cũng đánh mất cơ hội tăng cường cam kết chiến lược của Ấn Độ với khu vực.

Trong khi đó, các quan chức châu Âu đang tỏ ra hoài nghi khả năng sớm tái khởi động đàm phán FTA với Ấn Độ do một số vấn đề, trong đó có quyết định của Ấn Độ hủy các hiệp định đầu tư song phương với 58 quốc gia, kể cả 22 nước thành viên EU năm 2016. Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto cho rằng, có thể phải mất một thời gian dài trước khi có một thỏa thuận.

Các chuyên gia bình luận, chính phủ Ấn Độ được cho là chỉ tập trung vào trong nước và liên hiệp với khu vực công nghiệp theo xu hướng bảo hộ truyền thống, mặc dù nhiều nhà hoạch định chính sách nước này nhận thấy cần phải ký kết RCEP để tiếp cận với thị trường châu Á đang tăng trưởng. Mặt khác, Ấn Độ coi trọng mối đe dọa ngắn hạn hơn những lợi thế dài hạn của việc tiếp cận toàn diện tới tất cả các thị trường châu Á.

Để tận dụng cơ hội RCEP mang lại, Ấn Độ cần một chiến lược giải quyết các vấn đề với các quốc gia đàm phán khác. Chẳng hạn, tập trung vào những hạng mục có lợi thế cạnh tranh như công nghệ thông tin, truyền thông, linh kiện ô tô… đã gặt hái được thành công. Điều quan trọng nhất là giải quyết vấn đề nội bộ, phá vỡ thế bế tắc và chủ động trong các cuộc đàm phán RCEP tiếp theo, nếu không Ấn Độ có thể bỏ lỡ một cơ hội quý giá.

Như vậy, hiện chưa thể đánh giá quyết định rút khỏi RCEP của Ấn Độ có để lại hậu quả hay không, nhưng rõ ràng là quyết định này thiếu nhất quán với quan điểm của Thủ tướng Modi tại cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc mới đây, rằng Ấn Độ với tư cách là một người chơi toàn cầu, Ấn Độ coi chủ nghĩa đa phương là điều cần thiết để duy trì trật tự toàn cầu./.

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực