Làn sóng biểu tình tại Iraq bước sang tuần thứ hai

Thứ ba, 17/07/2018 19:57
Đến ngày 16/7, làn sóng biểu tình phản đối các chính sách xã hội tại Iraq đã bước sang tuần thứ hai với việc các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh đã khiến 8 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.
Người biểu tình phản đối chính sách xã hội tại quảng trường Tahrir,
thủ đô Baghdad, Iraq ngày 16/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Vấn nạn tham nhũng, các dịch vụ công yếu kém, thất nghiệp gia tăng cùng với giá hàng hóa đắt đỏ là những nguyên nhân chính gây ra làn sóng biểu tình hiện nay tại Iraq, bắt đầu từ tỉnh Basra (Ba-xra) hôm 8/7 trước khi lan sang các tỉnh và thành phố khác ở miền Nam.

Dòng người biểu tình đã xông vào trụ sở chính quyền cũng như trụ sở các đảng phái chính trị ở khắp các tỉnh miền Nam. Nhiều người quá khích còn phóng hỏa, ném đá vào lực lượng an ninh và phong tỏa nhiều tuyến đường. Đụng độ đã xảy ra giữa người biểu tình với lực lượng cảnh sát. Lực lượng cảnh sát đã phải sử dụng vòi rồng và đạn hơi cay để giải tán đám đông. Theo các thông báo đưa ra ngày 16/7 của Bộ Y tế và Bộ Nội Iraq, 8 dân thường đã thiệt mạng và gần 500 người bị thương trong các cuộc đụng độ.

Những người biểu tình cho biết, sau cuộc xâm lược Iraq của Mỹ năm 2003, các nhà lãnh đạo và giới công chức mới của Iraq đã hưởng lợi từ các quỹ công và nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong khi người dân chỉ được hưởng các hạ tầng cơ bản. Thiếu điện và nước sinh hoạt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân, nhất là trong mùa Hè vô cùng nóng bức ở vùng Trung Đông. Trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 5 vừa qua, người dân Iraq đã thể hiện sự bất mãn của mình đối với chính quyền khi phần đông cử tri không đi bỏ phiếu.

Nhằm trấn an người biểu tình, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi (Hai-đơ An A-ba-đi) ngày 14/7 đã cam kết dành khoản ngân sách trị giá 3 tỷ USD cho tỉnh Basra. Ông cũng hứa tăng chi ngân sách cho các chương trình nhà ở, dịch vụ và trường học tại khu vực giàu dầu mỏ nhưng bị lãng quên này.

Theo số liệu thống kê chính thức, dầu mỏ chiếm tới 89% nguồn thu ngân sách và 99% kim ngạch xuất khẩu của Iraq. Tuy nhiên, lĩnh vực này chỉ mang lại 1% việc làm cho người lao động trong nước, trong khi phần lớn còn lại là dành cho người nước ngoài. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp tại Iraq hiện ở mức 10,8%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên cao gấp đôi con số này.

Người phát ngôn Bộ Dầu mỏ Iraq, ông Asim Jihad (A-xim Ghi-hát) cho biết, bất chấp làn sóng biểu tình tại tỉnh Basra và các tỉnh miền Nam, nguồn cung dầu của nước này vẫn an toàn, hoạt động khai thác và xuất khẩu dầu diễn ra bình thường.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), với sản lượng khai thác 4,55 triệu thùng/ngày, Iraq là nhà sản xuất dầu thô lớn thứ hai trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), sau Saudi Arabia. Số liệu mới nhất cho thấy, Iraq hiện có trữ lượng qua kiểm chứng hơn 150 tỷ thùng dầu./. 

Theo TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực