Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran chỉ thị đẩy mạnh các hoạt động làm giàu uranium

Thứ ba, 05/06/2018 16:39
(ĐCSVN) – Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ayatollah Seyyed Ali Khamenei vừa chỉ thị cho Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để có thể làm giàu uranium lên mức 190.000 SWU; đồng thời thực hiện những bước đi sơ bộ khác đã được Tổng thống chỉ thị.
Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ayatollah Seyyed Ali Khamenei. (Ảnh: PressTV)


Phát biểu trong một buổi lễ tưởng niệm 29 năm ngày mất của nhà sáng lập nước Imam Khomeini tại thủ đô Tehran, ngày 4/6, ông Khamenei nhấn mạnh: “Một số nước châu Âu dường như đang mong đợi Iran vừa phải đối phó với các lệnh trừng phạt, lại vừa từ bỏ các hoạt động hạt nhân và tiếp tục tuân thủ các giới hạn về chương trình phát triển hạt nhân…Tôi xin gửi thông điệp tới chính phủ các nước này rằng, đây là một giấc mơ tồi tệ và sẽ không bao giờ trở thành hiện thực”.

Lãnh tụ tinh thần tối cao Khamenei khẳng định dân tộc và chính phủ Iran sẽ không vừa đồng thời chấp nhận các lệnh trừng phạt lại vừa bị giám sát trong lĩnh vực hạt nhân. Qua đó, ông Khamenei kêu gọi AEOI nhanh chóng triển khai các công tác chuẩn bị cần thiết để có thể bắt đầu làm giàu uranium lên mức 190.000 SWU, đồng thời thực hiện những bước đi sơ bộ khác đã được Tổng thống chỉ thị.

SWU còn có tên gọi khác “một đơn vị sản phẩm riêng rẽ” là một đơn vị đo lường tiêu chuẩn nhằm tính toán những công việc cần thiết để phân tách các chất đồng vị uranium trong quá trình làm giàu. 1 SWU tương đương với 1 kg uranium đã được làm giàu. Trước đây, AEOI ước tính rằng Iran sẽ có được 190.000 SWU vào năm thứ 15 kể từ khi thỏa thuận hạt nhân có hiệu lực. Để đạt được mục tiêu này, Iran sẽ phải dần dần gia tăng số lượng máy ly tâm mà vẫn đảm bảo không vi phạm thỏa thuận.

Những tuyên bố trên được ông Khamenei đưa ra chỉ ít lâu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngày 8/5 tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử được Iran và nhóm P+5 (gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) ký kết năm 2015 – hay còn được biết đến với tên gọi Bản kế hoạch hành động chung toàn diện JCPOA. Không những thế, nhà lãnh đạo Mỹ còn cảnh báo kịch bản sẽ áp đặt trở lại các lệnh cấm vận kinh tế ở “mức cao nhất” cùng các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực hạt nhân của Iran.

Cho tới nay, một số nước tham gia ký kết thỏa thuận gồm: Anh, Pháp và Đức vẫn tuyên bố sẽ duy trì và giữ vững JCPOA bất chấp lập trường mới nhất của Tổng thống D.Trump liên quan tới vấn đề này. Tuy nhiên, một số nước châu Âu lại đang có động thái hưởng ứng yêu sách của Washington cho rằng, chương trình tên lửa và các hoạt động của Iran trong khu vực cần trở thành một phần của bất kỳ vòng đàm phán nào diễn ra trong tương lai, liên quan tới các cơ chế về an ninh sau khi JCPOA được ký kết. Về phía Iran đã nhiều lần bác bỏ khả năng giới hạn các hoạt động phát triển tên lửa đạn đạo – vốn không nằm trong khuôn khổ bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử, đồng thời kêu gọi các nước châu Âu bồi thường cho những tổn thất về kinh tế mà nước Cộng hòa Hồi giáo này phải đối mặt sau khi Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt./.

Thu Lan (Theo PressTV, Russia Today)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực