Leo thang căng thẳng giữa EU và Hungary

Thứ ba, 05/03/2019 18:54
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 4/3 đã chỉ trích Chính phủ Hungary bóp méo sự thật về vấn đề người di cư của khối, động thái được đánh giá sẽ làm leo thang căng thẳng giữa Liên minh châu Âu (EU) với quốc gia thành viên này.

Người di cư. Ảnh: TTXVN

Theo người phát ngôn EC Margaritis Schinas (Mác-ga-ri-tít Si-nát), Chính phủ Hungary đang bóp mép sự thật và tìm cách "vẽ bức tranh đen tối" về một "mưu đồ bí mật" nhằm đưa thêm nhiều người di cư tới châu Âu. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban (Vích-to Ô-ban) cáo buộc Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker (Giăng Clốt Giăng-cơ) ủng hộ nhập cư bất hợp pháp và đẩy nền văn minh  EU vào tình trạng nguy hiểm khi cho phép nhập cư hàng loạt. Ông Viktor Orban còn cho rằng Chủ tịch EC  Jean-Claude Juncker và tỷ phú người Mỹ George Soros (Gioóc-giơ Xô-rốt) đã "móc ngoặc" để đưa nhiều người di cư Hồi giáo vào châu Âu.

Trước đó, EU và Hungary đã căng thẳng xung quanh vấn đề người di cư bởi Thủ tướng Viktor Orban luôn phản đối chính sách của EU về tiếp nhận người di cư.

Trong khi đó, ngày 4/3 một số thành viên nhóm đảng Nhân dân châu Âu (EPP), nhóm đảng lớn nhất trong Nghị viện châu Âu (EP), đã chính thức yêu cầu loại đảng Fidesz của Thủ tướng Hungary Viktor Orban và bản thân ông ra khỏi nhóm đảng này. Động thái trên xảy ra khi chỉ còn 3 tháng nữa là tới cuộc bầu cử EP, cho thấy tình hình căng thẳng trong nhóm đảng trung hữu này.

Lãnh đạo EPP Joseph Daul (Giô-xép Đa-un) cho biết 12 đảng thuộc EPP từ 9 quốc gia đã yêu cầu loại hoặc đình chỉ tư cách thành viên của đảng Fidesz. Tuy nhiên, hai đảng quan trọng là Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel (An-giê-la Méc-ken) và đảng Những người Cộng hòa của Pháp không có hành động chống lại ông Orban. Theo ông Daul, EPP sẽ cho đảng Fidesz cơ hội trình bày ý kiến của mình và EPP sẽ đưa ra quyết định vào cuộc họp dự kiến ngày 20/3 tới.

EPP, mà Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker cũng là thành viên, tập hợp các phong trào trung hữu ở châu Âu, với 217 nghị sĩ trong tổng số 750 nghị sĩ EP. Trong số này có 12 nghị sĩ thuộc đảng Fidesz. Quyết định loại ông Orban và đảng của ông rất được quan tâm bởi chính EPP cũng đang lo ngại nguy cơ ông Orban sẽ liên minh với đảng Liên đoàn phương Bắc của Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini (Mát-tê-ô Xan-vi-ni) nếu đảng Fidesz bị loại.

Trong phản ứng của mình, Thủ tướng Orban khẳng định việc tìm cách loại đảng Fidesz của ông là "điên rồ vô ích". Ông cũng nhấn mạnh "Brussels đã vi phạm pháp luật khi buộc Hungary phải chấp nhận hạn ngạch nhập cư". Theo ông, EU cần tôn trọng quyền của các quốc gia thành viên, bảo vệ các cộng đồng của mình, và có thể bảo vệ an ninh về lâu dài./.

Kim Chung - Bích Liên/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực