LHQ lo ngại tình hình nhân đạo và kinh tế tại Dải Gaza

Thứ ba, 06/02/2018 13:08
Ngày 5/2, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres (An-tô-ni-u Gu-tê-rét) đã bày tỏ quan ngại về tình hình nhân đạo và kinh tế ở Gaza (Ga-da), đồng thời kêu gọi tiếp tục nỗ lực hướng tới giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel-Palestine.
Trẻ em Palestine sau một trận không kích của Israel. (Nguồn: AP)

Phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Vận dụng quyền không thể chối bỏ của người Palestine, TTK Guterres cho biết tình hình nhân đạo và kinh tế tại Gaza vẫn rất nghiêm trọng khi hàng ngày có 2 triệu người Palestine phải chật vật sống trong cảnh hạ tầng cơ sở đổ nát, khủng hoảng điện, thiếu các dịch vụ cơ bản, thất nghiệp triền miên và nền kinh tế bị tê liệt. Ông cũng bày tỏ sự quan ngại trước việc thiếu hụt ngân sách của Cơ quan Cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine của LHQ (UNRWA) sẽ khiến cơ quan này không thể thực hiện được sứ mệnh đảm bảo những dịch vụ thiết yếu như giáo dục và y tế cho người tị nạn Palestine. Phái bộ của LHQ tại Palestine dự đoán tới năm 2020, Gaza sẽ trở thành mảnh đất không thể sống được nếu không có những hành động cụ thể để cải thiện các dịch vụ căn bản và hạ tầng cơ sở ở đây. Hiện Gaza vẫn đang bị bao vây phong tỏa và liên tục rơi vào tình trạng nhân đạo khẩn cấp.

Phát biểu tại cuộc họp, TTK Guterres cảnh báo rằng những diễn biến mới đây tại Trung Đông có thể tạo nên "thực trạng một nhà nước khó thể đảo ngược được" tại khu vực này, làm dập tắt giải pháp "hai nhà nước" cho cuộc khủng hoảng Israel-Palestine, ảnh hưởng tới sự đồng thuận của quốc tế trong giải quyết cuộc khủng hoảng Trung Đông, khiến các nước khó có thể đạt được được một hành động phối hợp hiệu quả vào thời điểm quan trọng này. TTK LHQ khẳng định giải pháp hai nhà nước là cách duy nhất nhằm đạt được quyền không thể chối bỏ của người Palestine và là giải pháp bền vững cho cuộc xung đột này. Theo ông, việc Israel tiếp tục xây dựng các khu định cư tại vùng đất chiếm đóng của Palestine, các vụ bạo lực và khủng hoảng nhân đạo tại Gaza đang làm mờ triển vọng về đạt được một nền hòa bình lâu dài cho khu vực này.

Tiến trình hòa bình Trung Đông đã trở nên khó khăn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 12/2017 công nhận Jerusalem (Giê-ru-xa-lem) là thủ đô của Israel, phớt lờ quan điểm của cộng đồng quốc tế cho rằng quy chế của thành phố này sẽ được định đoạt trong các cuộc đàm phán hòa bình. Hồi tháng trước, Đại Hội đồng LHQ với 128 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 35 phiếu trắng, đã thông qua nghị quyết bác bỏ quyết định trên của Mỹ./.

 

Theo TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực