Liên hợp quốc: Kinh tế thế giới sẽ duy trì tăng trưởng ổn định

Thứ ba, 22/01/2019 14:45
(ĐCSVN) – Kinh tế thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định ở ngưỡng 3% trong năm 2019 và năm 2020, trong bối cảnh đang xuất hiện những tín hiệu cho thấy tăng trưởng toàn cầu đã đạt đỉnh.
Nhà kinh tế trưởng của Liên hợp quốc Elliott Harris. (Ảnh: UN Multimedia)


Đây là thông tin được Liên hợp quốc đưa ra trong báo cáo Viễn cảnh và Tình hình Kinh tế thế giới (WESP) 2019 từ trụ sở của tổ chức này ở New York (Mỹ), ngày 21/1.

 

Báo cáo của Liên hợp quốc chỉ ra rằng, trong hai năm 2019 và 2020, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo sẽ duy trì ổn định ở mức 3%, tức là không có nhiều thay đổi so với mức tăng trưởng 3,1% trong năm 2018. Tuy nhiên, báo cáo cũng cảnh báo về một “sự kết hợp đáng lo ngại của những thách thức phát triển có thể tiếp tục làm suy yếu tốc độ tăng trưởng”.

 

Nhà kinh tế trưởng của Liên hợp quốc Elliott Harris nêu rõ: “Chúng ta vẫn có sự tăng trưởng tương đối mạnh mẽ, song chúng ta cũng thấy ngày càng có nhiều nguy cơ rủi ro xuất hiện trên thực tế… Trong số những nguy cơ đang ngày càng trở nên hiện hữu này, thì gia tăng căng thẳng thương mại đã tác động tới vấn đề việc làm và thương mại toàn cầu… Ngoài ra, những khoản nợ quốc gia đang ngày càng gia tăng cũng làm tê liệt khả năng của các nước trong việc cung cấp các dịch vụ cơ bản. Tuy nhiên, những yếu tố này, hay thậm chí là cả những rủi ro khác, gồm biến đổi khí hậu và sự ủng hộ mờ nhạt trong lĩnh vực hợp tác quốc tế – cũng có thể bị bỏ qua hay được giảm thiểu nếu như các nước cùng bắt tay nhau”.

 

Cụ thể, báo cáo của Liên hợp quốc hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ xuống còn 2,5% vào năm 2019 và 2% vào năm 2020 do tiếp tục được hưởng lợi từ những biện pháp thúc đẩy tài khóa trong năm 2018. Trong khi đó, tăng trưởng tại Liên minh châu Âu (EU) vẫn được giữ ở mức ổn định 2%, ngay cả khi đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, gồm cả những rủi ro tiềm ẩn từ Brexit. Liên hợp quốc dự báo tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giữ mức vừa phải 6,3% trong năm 2019 so với mức ghi nhận 6,6% trong năm 2018, cùng với việc nước này thực hiện các chính sách hỗ trợ nhằm bù đắp tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại với Mỹ.

 

Một số nước xuất khẩu hàng hóa lớn như Brazil, Nigeria và LB Nga dự kiến sẽ có mức tăng trưởng vừa phải trong giai đoạn 2019 - 2020, dù vẫn ở ngưỡng thấp.

 

Tuy nhiên, báo cáo của Liên hợp quốc cũng chỉ ra một thực tế rằng, mức tăng trưởng này lại không đạt được ở những nơi cần tăng trưởng kinh tế nhất. Trong đó, năm 2019, thu nhập bình quân đầu người tại một số khu vực ở châu Phi, Tây Á, Mỹ Latinh và Caribe được dự báo sẽ tiếp tục giữ nguyên hoặc chỉ tăng nhẹ.

 

Cũng theo đánh giá của Liên hợp quốc, ngay cả khi tăng trưởng bình quân đầu người được thúc đẩy mạnh mẽ, thì các hoạt động kinh tế lại thường được thực hiện chủ yếu bởi các khu công nghiệp giữ vai trò cốt lõi và các khu vực thành thị, trong khi các khu vực ngoại ô và nông thôn thường bị “bỏ lại phía sau”.

 

Báo cáo của Liên hợp quốc nêu rõ: “Nỗ lực xóa đói giảm nghèo vào năm 2030 sẽ đòi hỏi đồng thời cả mục tiêu tăng trưởng ở mức hai con số tại châu Phi và giảm mạnh sự bất bình đẳng về thu nhập”. Bản báo cáo cũng chỉ ra những yếu tố cản trở tăng trưởng gồm: sự gia tăng tranh chấp chính sách thương mại, bất ổn tài chính có sự liên hệ với việc gia tăng các khoản nợ, cùng những rủi ro về khí hậu ngày càng trở nên rõ nét trong bối cảnh ngày càng có nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra trên thế giới.

 

Từ việc phân tích những nguyên nhân nêu trên, Liên hợp quốc nhấn mạnh, việc tăng cường hợp tác toàn cầu đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Báo cáo cũng cảnh báo rằng, những quan hệ căng thẳng về thương mại trên phạm vi toàn cầu đang đẩy lùi triển vọng tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, việc siết chặt đột ngột các điều kiện tài chính toàn cầu được cho là có nguy cơ gây ra những bất ổn tài chính, và những rủi ro về biến đổi khí hậu vẫn chưa được cân nhắc tới trong quá trình đưa các quyết sách về kinh tế./.

Thu Lan (Theo Xinhua, news.un.org)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực