Liên hợp quốc cam kết thúc đẩy tiến trình phát triển ở Tây Phi và Sahel

Thứ sáu, 11/01/2019 14:49
Ngày 10/1, Đặc phái viên khu vực của LHQ, ông Mohamed Ibn Chambas (Mô-ha-mét In Cham-bát) cho biết, Văn phòng LHQ tại Tây Phi và Sahel (UNOWAS) đang nỗ lực thúc đẩy các mục tiêu ổn định lâu dài của khu vực, hợp tác chặt chẽ với các đối tác ở khu vực, trong khuôn khổ Chiến lược tích hợp mới của LHQ cho Sahel (UNISS) vào năm ngoái.

Trẻ em bị suy dinh dưỡng tại Guidan-Roumdji, Nigeria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đặc phái viên của LHQ cho rằng trong bối cảnh dân số tăng nhanh, tình trạng thất nghiệp trong độ tuổi lao động trở nên tồi tệ và các biện pháp kinh tế khắc khổ, bao gồm xóa bỏ trợ cấp ở một số quốc gia, đã khiến cho tình trạng bất an xã hội gia tăng, đặt gánh nặng lên vai chính phủ các nước trong khu vực. Trong khi đó, các nhóm cực đoan đang gia tăng số lượng các vụ tấn công, với các thủ đoạn, chiến thuật ngày càng tinh vi, có nguy cơ làm suy yếu tiến trình phát triển ở Tây Phi và Sahel.

Đại diện của LHQ nhấn mạnh trong khi những tiến bộ đáng khen ngợi đã đạt được theo Nghị quyết 2017 của Hội đồng Bảo an LHQ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Hồ Chad thì cần thêm sự hỗ trợ để thúc đẩy các nỗ lực ổn định ở Sahel.

Đặc phái viên khu vực của LHQ đánh giá cao cuộc bầu cử tổng thống ở Mali, cuộc bầu cử khu vực ở Mauritania, bầu cử ở Togo và Côte d''voire. Đồng thời, ông Chambas cho rằng, mặc dù đánh giá cao tiến trình phát triển dân chủ trong khu vực nhưng các nước cần phải tiếp tục các nỗ lực để giải quyết những vấn đề gây tranh cãi xung quanh các cuộc bầu cử.

Ông Chambas cho rằng, phụ nữ tiếp tục bị phân biệt đối xử và bị gạt ra ngoài các tiến trình chính trị và chỉ có gần 15%  nữ nghị sĩ trong quốc hội ở nhiều nước trong khu vực. Đại diện của LHQ cũng bày tỏ lo ngại về các vi phạm nhân quyền, nhất là cáo buộc vi phạm nhân quyền của các lực lượng an ninh, cũng như sự xuất hiện ngày càng nhiều các nhóm tự vệ, mà hành động của họ gây ra sự căng thẳng giữa các cộng đồng.

Đại diện đặc biệt của LHQ khẳng định “thông qua các cách tiếp cận toàn diện dựa trên tôn trọng chủ quyền quốc gia, chúng ta phải tiếp tục các nỗ lực để giải quyết thiếu hụt về mặt quản trị, tình trạng nghèo đói và kém phát triển – đó là mảnh đất màu mỡ của bạo lực vũ trang và chủ nghĩa cực đoan”./.

Hữu Thanh/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực