Nam Sudan: Các phe phái chính trị ký kết thỏa thuận hòa bình cuối cùng

Thứ năm, 13/09/2018 15:36
(ĐCSVN) – Các phe phái chính trị ở Nam Sudan đã ký kết thỏa thuận cuối cùng nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 5 năm tại quốc gia trẻ tuổi nhất thế giới.

Các phe phái tại Nam Sudan đã có nhiều lần đàm phán và ký kết nhiều thỏa thuận
trước khi ký thỏa thuận hòa bình cuối cùng ngày 12/9/2018 (Ảnh: The Defense Post)

Thỏa thuận cuối cùng được ký kết bởi Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và thủ lĩnh các nhóm đối lập gồm Riek Machar (nhóm SPLM-IO), Gabriel Chang Changson (nhóm SSOA), Deng Alor (nhóm SPLM- FDs).

Lễ ký được diễn ra sau cuộc họp ngày 12/9 trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh khu vực được tổ chức tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, với sự chứng kiến của các nhà lãnh đạo Cơ quan Phát triển liên chính phủ (IGAD).

Trong tuyên bố sau lễ ký, Bộ trưởng Truyền thông Nam Sudan Michael Makuei đã hoan nghênh thỏa thuận hòa bình có tính “hồi sinh” được ký kết bởi tất cả các bên và kêu gọi các bên tha thứ cho nhau, để cùng nhau làm việc vì lợi ích của nhân dân Nam Sudan.

Thỏa thuận cuối cùng được ký kết đã mở ra một chương mới cho tiến trình hòa bình và ổn định lâu dài của quốc gia châu Phi này.

Trước khi có thỏa thuận cuối cùng này, các phe phái ở Nam Sudan, trong đó chủ yếu là phe Chính phủ với đại diện là Tổng thống Salva Kiir và phe đối lập với thủ lĩnh là cựu Phó Tổng thống Riek Machar đã nhiều lần tổ chức đàm phán. Các cuộc đàm phán nhằm tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình toàn diện, chấm dứt cuộc xung đột kéo dài từ năm 2013. Qua nhiều lần đối thoại, các bên đã đạt được một số thỏa thuận, bao gồm cả việc ngừng bắn vĩnh viễn và chia sẻ quyền lực, cho phép ông Riek Machar được phục hồi chức vụ Phó Tổng thống đã từng giữ trước đây.

Mới giành độc lập được 7 năm, Nam Sudan trở thành quốc gia trẻ tuổi nhất thế giới. Tuy nhiên, mâu thuẫn chính trị giữa hai nhà lãnh đạo đã khiến đất nước rơi vào xung đột đẫm máu. Kể từ tháng 12/2013 đến nay, hàng chục nghìn người đã thiệt mạng trong khi hơn 4 triệu người mất nhà cửa, khoảng 2 triệu người đã phải chạy trốn sang các quốc gia láng giềng./.

Kiều Giang (theo Sudan Tribune, Al Jazeera)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực