Nghị viện châu Âu phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do EU-Nhật Bản

Thứ năm, 13/12/2018 22:43
Ngày 12/12, kế hoạch thiết lập khu vực thương mại tự do lớn nhất toàn cầu giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đã vượt qua những thử thách cuối cùng khi nhận được sự ủng hộ của các nghị sĩ nghị viện châu Âu, mở đường cho thỏa thuận thương mại tự do song phương hai bên chính thức có hiệu lực vào năm tới.
Các thành viên Nghị viện châu Âu bỏ phiếu tại một phiên họp của nghị viện
tại Strasbourg, Pháp ngày 25/10/2017. Ảnh: AFP/ TTXVN

Với 474 phiếu thuận và 156 phiếu chống, thỏa thuận thương mại tự do giữa hai nền kinh tế chiếm 1/3 GDP toàn cầu, đã được thông qua tại nghị viện châu Âu. Thỏa thuận thương mại tự do EU-Nhật Bản sẽ cho phép loại bỏ 10% thuế nhập khẩu xe ô tô từ Nhật Bản và 3% cho hầu hết các phụ tùng, thiết bị xe ô tô. Phía Nhật Bản cũng gỡ bỏ mức thuế lên tới 30% với các sản phẩm pho mát và 15% với các loại rượu nhập từ EU, đồng thời nới rộng cơ hội cho các doanh nghiệp EU tiếp cận một số lĩnh vực công nhạy cảm tại Nhật Bản. Tokyo sẽ mở cửa thị trường dịch vụ chào đón các doanh nghiệp EU, đặc biệt trong các lĩnh vực như tài chính, viễn thông, thương mại điện tử và giao thông.

Ủy viên EU phụ trách Thương mại Cecilia Malmstrom (Xê-xi-li-a Man-xtrôm) cho rằng quyết định này sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho các công ty, nông dân, các nhà cung cấp dịch vụ và nhiều doanh nghiệp khác tại châu Âu. Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều phối chính sách thương mại của EU, cho biết kết quả bỏ phiếu này mở đường cho thỏa thuận có hiệu lực vào ngày 1/1/2019. Trước đó, ngày 8/12, thỏa thuận cũng đã được Quốc hội Nhật Bản thông qua.

Động thái trên phát đi thông điệp chống chủ nghĩa bảo hộ. Cả EU và Nhật Bản đều đang đối mặt với những biện pháp gia tăng căng thẳng thương mại từ Mỹ, trong đó có các mức thuế nhập khẩu nhôm thép mà Washington đã áp đặt với hầu hết các đối tác thương mại chính nhằm giảm mức thâm hụt thương mại với các quốc gia này. Là một thành viên Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Nhật Bản đã nhanh chóng chuyển trọng tâm sang các đối tác tiềm năng khác, trong đó có EU, sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định thương mại đầy tham vọng này. Trong khi đó, EU cũng bắt đầu tìm kiếm đối tác mới sau khi các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) với Mỹ rơi vào bế tắc năm 2016./.

Lê Ánh/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực