Những nét chính trong Thông điệp liên bang của Tổng thống Nga V.Putin

Thứ năm, 21/02/2019 14:49
(ĐCSVN) – Ngày 20/2, Tổng thống Vladimir Putin đã đọc Thông điệp liên bang thường niên trước Hội đồng Liên bang Nga, vạch ra những đường hướng đối nội và đối ngoại của người đứng đầu nhà nước Nga trong thời gian tới.

Tổng thống Vladimir Putin đọc Thông điệp liên bang thường niên
trước Hội đồng Liên bang Nga, ngày 20/2. (Ảnh: TASS)

Nếu như bản Thông điệp liên bang năm 2018 được xem là bản cương lĩnh tranh cử của ông Putin trong cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra cùng năm, thì bản Thông điệp liên bang năm nay lại mang những nét mới và được chia làm 2 phần nội dung chính. Phần thứ nhất là các vấn đề liên quan tới phát triển kinh tế – xã hội, nhân khẩu học, giáo dục, y tế trong khi phần còn lại đề cập tới lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc tế với nhiều nội dung đáng chú ý.

Mở đầu Thông điệp liên bang, Tổng thống Putin nhấn mạnh chính phủ Nga cần ưu tiên cho các vấn đề xã hội, đồng thời đề ra mục tiêu khôi phục mức tăng dân số tự nhiên vào năm 2023-2024. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Nga cũng đưa ra giải pháp cho vấn đề này thông qua đề xuất tăng các khoản chi trả cho các hộ gia đình sinh con thứ 1 và thứ 2, bắt đầu từ ngày 1/1/2020.

Trong bản Thông điệp liên bang, ông Putin kêu gọi xây dựng thêm 90.000 trường mẫu giáo vào năm 2019 và con số này cần vượt ngưỡng 270.000 trường mẫu giáo trong vòng 3 năm tới.

Trong lĩnh vực văn hóa – giáo dục, Tổng thống Putin đề ra mục tiêu đến cuối năm 2021, tất cả các trường học tại Nga phải được trang bị internet tốc độ cao. Bên cạnh việc ghi nhận những thành công và tiến bộ mà lĩnh vực giáo dục đã đạt được trong những năm qua, Tổng thống Putin cũng chỉ ra một thực tế rằng, vấn còn nhiều trường học không có hệ thống sưởi ấm hoặc đang trong quá trình sửa chữa. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh rằng những vấn đề cần thiết này cần phải được giải quyết trong vòng 2 năm tới.

Tổng thống Putin tin tưởng rằng, chương trình Giáo viên Zemsky mà ông đưa ra sẽ được triển khai vào năm 2020, nhằm khuyến khích các giáo viên làm việc tại các làng và các thị trấn nhỏ trên toàn quốc. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Nga cũng đề cập tới những khoản tiền lên tới hàng tỷ rúp, phân bổ cho các hoạt động xây dựng và tái thiết các trung tâm cộng đồng nông thôn và trung tâm văn hóa địa phương, với mục tiêu thúc đẩy phát triển văn hóa ở các vùng miền xa xôi của đất nước…

Trong bản Thông điệp liên bang dài 1 tiếng 27 phút, Tổng thống Putin đã dành một thời lượng đáng kể để đề cập tới cuộc chiến chống đói nghèo cũng như những biện pháp phát triển kinh tế – xã hội của nước Nga trong thời gian tới. Tổng thống Putin đề ra tiêu chí cụ thể đó là nước Nga cần đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 3% vào năm 2021 để có thể xóa bỏ tình trạng nghèo đói.

Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, Tổng thống Putin kêu gọi đầu tư ít nhất 1 nghìn tỷ rúp cho cuộc chiến chống ung thư trong vòng 6 năm tới, đồng thời nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc “phòng ngừa sớm” căn bệnh nguy hiểm này. Nhà lãnh đạo này cam kết, các dịch vụ chăm sóc y tế sẽ được phổ cập trên khắp lãnh thổ Nga vào cuối năm 2020 và sẽ có hơn 1.900 trung tâm chăm sóc y tế được xây dựng, hiện đại hóa trong giai đoạn 2019-2020 nhằm cải thiện từ 66-75% tình trạng người dân phải chờ đợi khi khám chữa bệnh.

Đề cập tới các biện pháp bảo vệ hệ sinh thái, Tổng thống Putin kêu gọi thành lập một thương hiệu sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, hoạt động dựa trên các công nghệ an toàn cho sức khỏe con người. Nhà lãnh đạo Nga đề ra mục tiêu đến năm 2024, tất cả các bãi rác lớn trong nước sẽ được dọn dẹp sạch. Tỷ lệ tái chế rác thải cũng sẽ được tăng từ 8-9% lên mức 60% trong giai đoạn này.

Về phát triển kinh tế, ông Putin khẳng định nước Nga đang có một “vùng đệm an toàn tài chính mạnh mẽ”. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Nga cũng chỉ thị chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những hoạt động khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao. Ông Putin kêu gọi Ngân hàng Trung ương, các cơ quan hành pháp của Nga cần hành động để “làm trong sạch” lĩnh vực cho vay vi mô, đồng thời hối thúc thực hiện việc nới lỏng hạn chế thị thực cho khách du lịch và mở rộng việc cấp thị thực điện tử.

Nhà lãnh đạo Nga chỉ thị chính phủ và Ngân hàng Trung ương điều chỉnh các mục tiêu lạm phát, đồng thời kêu gọi giới chức Nga ưu tiên các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, trong đó cần giải quyết những vấn đề mang tính hệ thống như: bảo đảm tăng trưởng nhanh năng suất lao động, cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế và tạo ra một lực lượng lao động chất lượng.

Quang cảnh buổi công bố Thông điệp liên bang của Tổng thống Nga. (Ảnh: TASS)

Về lĩnh vực ngoại giao và chính sách đối ngoại, Tổng thống Putin cho rằng, dù Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) cho tới nay đã lỗi thời, song Mỹ không nên đưa ra những lập luận “phù phiếm” để cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước này. Nhà lãnh đạo Nga cáo buộc Mỹ đã có hành động vi phạm nghiêm trọng tinh thần của INF thông qua việc triển khai các bệ phóng tên lửa ở Romania và Ba Lan.

Đề cập tới mối quan hệ nhiều sóng gió giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Putin hy vọng rằng các nước EU sẽ có những bước đi thực tế nhằm khôi phục các mối quan hệ kinh tế và chính trị bình thường với Moscow.

Bên cạnh đó, ông Putin cũng khẳng định Nga đang “lưu tâm đặc biệt” tới các mối quan hệ với Ấn Độ và Trung Quốc. 

“Nga sẽ không còn là một quốc gia nếu không có chủ quyền. Một số quốc gia có thể làm được điều này, song Nga thì không... Xây dựng mối quan hệ với Moscow có nghĩa là cùng tìm giải pháp chung cho các vấn đề khó khăn nhất, và không cố gắng đưa ra mệnh lệnh” – ông Putin nêu rõ.

Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, ông Putin chỉ thị cho các quan chức chính phủ và Cơ quan hàng không vũ trụ Roscosmos cùng phối hợp để mở một Trung tâm vũ trụ quốc gia ở thủ đô Moscow. Nhà lãnh đạo này đề ra mục tiêu đưa Nga trở thành một trong những nước dẫn đầu về gen và công nghệ thông tin vào năm 2025.

Ông Putin khẳng định khoa học và công nghệ đóng vai trò là các ưu tiên chủ chốt của Nga, đồng thời tin tưởng rằng, thông qua sự chung tay từ phía nhà nước, doanh nghiệp và các cộng đồng khoa học, giáo dục thì các mục tiêu này sẽ trở thành sự thật. Bên cạnh đó, ông Putin cũng chỉ thị chính phủ bảo đảm tiếp cận internet tốc độ cao ở mọi nơi và bắt đầu vận hành thế hệ mạng di động thứ 5 (5G) trong vài năm tới.

Về năng lực quân sự và phòng thủ, Tổng thống Putin cảnh báo Nga sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả tương xứng nếu Mỹ triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở châu Âu. Nhà lãnh đạo Nga cho biết, tất cả các hệ thống lazer chiến đấu Peresvet vốn đang trong công đoạn vận hành thử nghiệm cho các lực lượng vũ trang Nga, sẽ được đưa vào sứ mệnh chiến đấu từ tháng 12/2019. Ngoài ra, tên lửa siêu thanh tối tân Tsirkon có khả năng đạt tốc độ lên tới Mach 9 (tức gấp 9 lần tốc độ âm thanh) đang được phát triển thành công và sẽ hoàn thành đúng hạn. Nga sẽ tiếp tục xây dựng các lực lượng vũ trang, song song với việc nâng cao chất lượng đào tạo chiến đấu, dựa trên những kinh nghiệm từ chiến dịch chống khủng bố ở Syria.

Tổng thống Putin tuyên bố Moscow sẽ không gõ cánh cửa mà Washington đang khép kín để tiến hành thảo luận về vấn đề giải trừ vũ khí. “Chúng tôi sẵn sàng đối thoại về giải trừ vũ khí (với Mỹ), tuy nhiên, chúng tôi sẽ không tiếp tục gõ cánh cửa còn đang đóng kín… Chúng tôi sẽ chờ đợi cho tới khi nào các đối tác của chúng tôi sẵn sàng và nhận ra tính cần thiết của việc đối thoại về vấn đề này dựa trên cơ sở bình đẳng”- nhà lãnh đạo Nga nêu rõ.

Như thông lệ, trong Thông điệp Liên bang, mỗi Tổng thống sẽ đưa ra đánh giá về các vấn đề của đất nước và vạch ra phương hướng chủ yếu trong chính sách đối nội và đối ngoại của đất nước. Đây là một nhiệm vụ của người đứng đầu nhà nước đã được quy định trong Hiến pháp Liên bang Nga.

Ngày 24/2 tới đây sẽ tròn 25 năm kể từ khi các Tổng thống Nga đọc thông điệp trước Hội đồng liên bang Nga về các định hướng phát triển cơ bản của đất nước. 25 năm trước, lần đầu tiên trong lịch sử nước Nga hiện đại, Tổng thống Boris Yeltsin đọc Thông điệp liên bang (ngày 24/2/1994). Tổng cộng ông Yeltsin đã có 6 lần trình bày Thông điệp liên bang.

Tổng thống Putin đã đọc Thông điệp liên bang 14 lần, gần đây nhất là vào ngày 1/3/2018. Thủ tướng đương nhiệm Dmitry Medvedev trong thời gian giữ cương vị Tổng thống Nga đã đọc Thông điệp liên bang 4 lần./.

Thu Lan (Theo báo chí Nga)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực