Quan hệ Nga - Đức có xu hướng ấm lên?

Thứ ba, 21/08/2018 10:26
(ĐCSVN) - Ngày 18/8 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyến công du đến Berlin, hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Hai nhà lãnh đạo Nga – Đức đã đề cập đến những vấn đề quan trọng nhất mà hai bên cùng quan tâm, đó là: Dự án Dòng chảy phương Bắc 2, vấn đề hòa bình cho Syria, tình hình Ukraine...

Cuộc hội đàm kéo dài 3 giờ ở Cung điện Schloss Meseberg, tuy không ra tuyên bố chung, nhưng được đánh giá là “đạt được những kết quả thực chất”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel
hội đàm ở Schloss Meseberg. (Ảnh: sggp.org.vn).

Từ Dòng chảy phương Bắc 2…

Theo giới quan sát, thông qua hội đàm, Tổng thống Putin và Thủ tướng Merkel đã nhất trí dự án Dòng chảy phương Bắc 2 không được phép "chính trị hóa" và bày tỏ quyết tâm hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch. Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận việc chuyển khí đốt của Nga thông qua Ukraine trong dự án này.

Dự án khí Dòng chảy phương Bắc 2, dẫn khí đốt từ Nga đến Đức qua biển Baltic. Thủ tướng Merkel nhấn mạnh, bà hy vọng Ukraine sẽ tiếp tục đóng vai trò trung chuyển khí đốt đến châu Âu, đồng thời hoan nghênh việc EU, Nga và Ukraine bắt đầu thảo luận về vấn đề này.

Tổng thống Nga Putin nói, đây là những động thái kinh doanh, "Tôi muốn nhấn mạnh rằng, điều chủ yếu là việc trung chuyển khí đốt tại Ukraine, vốn là truyền thống với chúng tôi, đáp ứng các yêu cầu kinh tế", và "Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 hoàn toàn là một dự án kinh tế".

Trước đó, Ukraine lo ngại đường ống sẽ cho phép Moscow cắt bỏ vai trò trạm trung chuyển khí đốt của nước này, trong khi các nước láng giềng Đông Âu của Đức cũng đã nêu quan ngại về dự án thì nay đã được làm rõ.

Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án liên kết của công ty năng lượng khổng lồ Nga Gazprom và Engie của Pháp, OMV AG của Áo, Royal Dutch Shell của Anh - Đan Mạch và Uniper và Wintershall của Đức.

Ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Điện Kremlin cho biết, sau cuộc đối thoại tại lâu đài Meseburg, cả Tổng thống Putin và Thủ tướng Merkel đều coi Dòng chảy phương Bắc 2 là một dự án liên kết thuần tuý về thương mại, bất chấp những phản ứng chỉ trích từ chính phủ Mỹ và Ukraine.

Đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ chạy dưới lòng biển Baltic nối từ bờ biển Nga đến một địa điểm ở Đức, và có công suất vận chuyển khí đốt hàng năm vào khoảng 55 tỷ m3. Đường ống này dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2019.

Theo giới phân tích, Dòng chảy phương Bắc 2 là một trong những lợi ích quan trọng nhất gắn kết quan hệ Nga – Đức, bất chấp những thăng trầm trong quan hệ Đông – Tây. Tiếp sau là hàng loạt ứng xử “khác biệt” của Tổng thống Mỹ Donald Trump với NATO, EU, JCPOA… khiến cho hai nước có nhiều quan điểm xích lại gần nhau hơn.

… Đến vấn đề hòa bình Syria

Về vấn đề Syria, Tổng thống Nga Putin kêu gọi các nước châu Âu hỗ trợ để giúp người tị nạn Syria không phải rời bỏ nhà cửa một lần nữa trong bối cảnh chiến sự tại Syria đang giúp dòng người tị nạn hồi hương ngày càng lớn.

Lãnh đạo hai nước cũng thảo luận về việc thiết lập một cơ chế đối thoại gồm 4 nước: Nga - Đức – Pháp - Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề Syria, trước hết ở cấp chuyên viên và trợ lí. Cả hai nhà lãnh đạo đều bày tỏ quan ngại về vấn đề Syria và tình cảnh của hàng triệu người tị nạn do cuộc chiến đã kéo dài hơn 7 năm.

Tổng thống Nga Putin khẳng định, tầm quan trọng của giải pháp cho Syria không chỉ vì Syria, mà còn vì nước Đức và châu Âu, bởi gần 4 triệu người tỵ nạn còn đang chờ ở Jordan, Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là gánh nặng đối với châu Âu.

Ông Putin nhấn mạnh, phải làm mọi thứ để giúp những người tị nạn Syria hồi hương, đồng thời cần viện trợ để sớm tái thiết Syria. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng cần phải giúp những người tị nạn trở về. Tôi nghĩ châu Âu cũng rất quan tâm đến việc giúp những người tị nạn Syria trở về quê hương”.

Bà Merkel còn nhấn mạnh, việc đẩy lùi một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Idlib (Syria) và khu vực xung quanh là điều quan trọng. Thủ tướng Merkel cũng cho biết, bà và ông Putin đã thảo luận về vấn đề cải cách hiến pháp và tương lai bầu cử như đề xuất khi họ gặp nhau ở Sochi, Nga, hồi tháng 5 vừa qua.

Tình hình Ukraine…

Mối quan hệ giữa Nga - Đức trở nên căng thẳng kể từ khi Nga sáp nhập khu vực Crimea của Ukraine vào năm 2014. Qua hội đàm, hai bên tỏ ý lấy làm tiếc về việc thực thi thỏa thuận hòa bình Minsk bị đình trệ.

Nhà lãnh đạo Đức Merkel nói rằng, bà có kế hoạch nêu vấn đề nhân quyền với ông Putin và bà hy vọng những nỗ lực mới sẽ được thực hiện vào đầu năm học mới để giải quyết vấn đề của lực lượng quân đội Ukraine và người ly khai tại khu vực Donbass.

Ukraine lo lắng đường ống sẽ cho phép Moscow xóa bỏ vai trò trạm trung chuyển khí đốt của nước này, trong khi các nước láng giềng Đông Âu của Đức cũng đã nêu quan ngại về sự "xâm lấn" của Nga. Tuy nhiên, qua hội đàm Nga – Đức vấn đề nêu trên đã được làm rõ.

Ngoài ra, vấn đề Iran cũng được hai nhà lãnh đạo Nga – Đức thảo luận. Bà Merkel khẳng định: “Đức cam kết với Thỏa thuận hạt nhân Iran. Tất nhiên, chúng tôi cũng đang cân nhắc dựa trên những lo ngại về hành động của Iran trong khu vực cũng như chương trình tên lửa đạn đạo của nước này. Chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại với Nga về vấn đề này”.

Và sự phản ứng của Mỹ

Một số quan chức Nhà Trắng đã tiết lộ với WSJ về một gói các biện pháp trừng phạt mới đang được chính phủ Mỹ thảo luận với nỗ lực của Washington nhằm ngăn chặn Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 cho tới nay đã không thành công.

Vào hồi tháng 7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông thấy không thể chấp nhận được việc nước Đức đang chi hàng tỷ USD cho khí đốt của Nga, đang lên kế hoạch xây dựng một đường ống mới Dòng chảy Phương Bắc 2, trong khi Mỹ đang phải bảo vệ nước này với vai trò như một đồng minh NATO và phải chi tiêu nhiều hơn Berlin về vấn đề quốc phòng.

Mỹ hiện vẫn gây sức ép buộc Đức chấm dứt việc phát triển dự án, bởi Washington cho rằng, điều này sẽ làm gia tăng sự phụ thuộc của Berlin vào Nga. Mỹ có thể trừng phạt các công ty tham gia vào Dự án đường ống dẫn khí Nord Stream trong vài tuần tới.

Như vậy, quan hệ Nga – Đức là cặp quan hệ có vị thế quan trọng ở châu Âu. Sự cọ xát giữa hai đại chiến lược “Đông tiến” của NATO (Đức có vai trò nòng cốt) và “Chim ưng hai đầu” của Nga, đang có xu hướng hòa dịu, bất chấp sự phản ứng gay gắt từ phía Mỹ và Ukraine.

Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, tuy chưa có bước đột phá, nhưng những kết quả đạt được trong cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga – Đức cho phép kỳ vọng về sự đóng góp của hai cường quốc này cho sự ổn định, hòa bình trong khu vực và trên thế giới, nhất là sáng kiến về cơ chế đối thoại 4 bên./.

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực