"Sóng cồn" trên chính trường Anh

Chủ nhật, 18/11/2018 11:57
(ĐCSVN) - Thủ tướng Anh Theresa May thông báo, chính phủ của bà đã nhất trí với bản dự thảo thỏa thuận Brexit. Những tưởng điều này đã mở ra lối thoát cho quá trình đàm phán kéo dài suốt gần 2 năm qua giữa Anh và Liên minh châu Âu, song thực tế nó lại ngay lập tức tạo ra một đợt sóng gió mới trên chính trường Anh.

Ngày 14/11, Thủ tướng Anh Theresa May thông báo, chính phủ của bà đã nhất trí với bản dự thảo thỏa thuận Brexit. Tuy nhiên, bản dự thảo này lại tạo một đợt sóng gió mới trên chính trường Anh, đào sâu thêm bất đồng giữa bên ủng hộ và bên phản đối Brexit.

Bản dự thảo thỏa thuận Brexit vừa mới đạt được này dài 585 trang, là kết quả của hàng nghìn giờ đàm phán đầy cam go giữa các nhà chức trách Anh và các đối tác Liên minh châu Âu.

 

Thủ tướng Anh Theresa May  (Ảnh: Reuters)

Bản dự thảo mới vừa đạt được bao gồm ý tưởng thiết lập một "lưới an ninh" nhằm tránh khả năng tái lập đường biên giới cứng giữa Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh với Cộng hòa Ireland; toàn bộ Vương quốc Anh sẽ ở lại trong liên minh thuế quan với Liên minh châu Âu và một liên kết đặc biệt cũng sẽ được quy định thêm cho Bắc Ireland trong giai đoạn chuyển tiếp dự kiến kéo dài đến khi các cuộc thảo luận về mối quan hệ thương mại trong tương lai giữa hai bên được hoàn tất.

Những tưởng điều này đã mở ra lối thoát cho quá trình đàm phán kéo dài suốt gần 2 năm qua giữa Anh và Liên minh châu Âu, song thực tế nó lại ngay lập tức tạo ra một đợt sóng gió mới trên chính trường Anh.

Bà Theresa May kiên quyết bảo vệ bản dự thảo này bất chấp việc chỉ hơn 12 giờ đồng hồ sau khi đạt được nó, đã có 5 quan chức cấp cao trong nội các gồm Bộ trưởng Brexit Dominic Raab, Thứ trưởng Suella Braverman, Quốc vụ khanh Bộ phụ trách vấn đề Bắc Ireland Shailesh Vara, Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí Esther McVey, Phó Chủ tịch đảng Bảo thủ cầm quyền Rehman Chishti, từ chức để bày tỏ phản đối.

Theo hãng tin Reuters, nhiều thành viên trong đảng Bảo thủ của bà May cho biết họ đã nộp đơn kiến nghị, kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm với sự lãnh đạo của bà May. Đã có nhiều ý kiến kêu gọi bà từ chức. Tuy nhiên bà May khẳng định sẽ tiếp tục chiến đấu để bảo vệ dự thảo với Liên minh châu Âu và bảo vệ vị trí của bà.

Sự ra đi của các bộ trưởng và các quan chức cấp cao trên đã làm cho bộ máy chính phủ vốn bị chia rẽ của Thủ tướng May rơi vào khủng hoảng. Bất ổn chính trị trên cũng đe dọa thỏa thuận Brexit mà bà May đã mất rất nhiều công sức mới đàm phán được với Liên minh châu Âu. Bởi dù muốn hay không thì bản dự thảo thỏa thuận Brexit vừa đạt được vẫn cần phải được Quốc hội Anh cũng như các nhà lãnh đạo châu Âu thông qua. Điều này được dự báo là một tiến trình đặc biệt khó khăn đối với Thủ tướng Theresa May trong bối cảnh nội các của bà đang bị chia rẽ.

Hiện đã có khoảng 40 nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền tuyên bố sẵn sàng bỏ phiếu chống bản dự thảo thỏa thuận. Trong khi đó, để thông qua được thỏa thuận, Thủ tướng May cần phải có được sự ủng hộ của ít nhất 320 trong số 650 nghị sĩ tại Hạ viện.

Theo hãng tin AFP, bất kể kiến nghị của nhiều nghị sĩ quốc hội không đồng tình với nội dung bản dự thảo thỏa thuận Brexit vừa đạt được giữa Anh và Liên minh châu Âu, phát biểu trong cuộc họp báo tại phố Downing ngày 15/11, bà May khẳng định sẽ không có cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai cho vấn đề Brexit nữa.

Thái độ phản ứng quyết liệt từ các nghị sĩ thuộc chính phủ và của đảng đối lập làm dấy lên những ngờ vực về khả năng bản dự thảo Brexit sẽ bị bác khi đệ trình quốc hội. Nếu kịch bản này xảy ra, ngày 29/3/2019 nước Anh sẽ phải rời Liên minh châu Âu mà không có bất cứ "tấm lưới" bảo vệ nào.

Trong khi đó, theo kết quả thăm dò dư luận của Sky Data, hơn một nửa người dân Anh hiện đang phản đối Brexit và ủng hộ tiến hành lại một cuộc trưng cầu ý dân khác.

Chỉ 1/7 người Anh cho rằng bản dự thảo Brexit do bà Theresa May đề xuất tốt hơn việc nước Anh rời Liên minh châu Âu mà không có thỏa thuận nào hay tiếp tục ở lại Liên minh châu Âu. Trước đó, Thủ tướng Anh đã cảnh báo chỉ có ba lựa chọn này sau khi kết thúc các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu.

Cũng theo thăm dò dư luận của Sky Data, hơn một nửa (54%) người Anh muốn ở lại Liên minh châu Âu, 32% chấp nhận rời Liên minh châu Âu mà không cần thỏa thuận nào, chỉ 14% chọn sẽ rời Liên minh châu Âu theo những điều khoản đạt được trong bản dự thảo vừa rồi.

Cũng có tới hơn một nửa người Anh (55%) cho biết cũng ủng hộ chính phủ tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân để chọn lựa giữa ba lựa chọn: Ở lại Liên minh châu Âu (No Brexit), rời Liên minh châu Âu không thỏa thuận (No deal) và rời Liên minh châu Âu theo thỏa thuận của bà May (May’s deal). Trong khi đó 35% phản đối và 10% không chắc chắn.

Thời điểm 29/3/2019 đang đến gần, nước Anh sẽ rời ”Ngôi nhà chung châu Âu” như thế nào trước một hiện trạng chia rẽ vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ, bất chấp quyết tâm chính trị sắt đá của Thủ tướng Theresa May./.

Tô Chu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực