Sudan: Các bên đạt được Tuyên bố Chính trị về chia sẻ quyền lực

Thứ tư, 17/07/2019 22:06
(ĐCSVN) – Hội đồng Quân sự chuyển tiếp Sudan (TMC) và Các lực lượng Tự do và Thay đổi (FFC) đã đạt được một thỏa thuận mang tên “Tuyên bố Chính trị” cho giai đoạn chuyển tiếp.

Sudan: Hội đồng Quân sự chuyển tiếp nhất trí về đề xuất thành lập Hội đồng chủ quyền

Các phe phái tại Sudan nhất trí nối lại đàm phán

Các đại diện của TMC và FFC ký kết thỏa thuận tại Khartoum ngày 17/7/2019

 với sự chứng kiến của các nhà trung gian hòa giải (Ảnh: Al Arabiya)

Thỏa thuận được ký kết trong ngày 17/7 tại thủ đô Khartoum, với sự chứng kiến của các nhà trung gian hòa giải của Ethiopia và Liên minh châu Phi. Thỏa thuận này là một trong hai văn kiện liên quan đến vấn đề chia sẻ quyền lực tại Sudan mà các nhà hoạt động hi vọng rằng sẽ mở đường cho nền dân chủ ở quốc gia Đông Phi này.

Phó Chủ tịch TMC Mohamed Hamdan Dagalo mô tả đó là “một thời khắc lịch sử”. Trong khi đó, một lãnh đạo của FFC Ibrahim al-Amin cho biết: “Hôm nay, chúng tôi đã hoàn tất tuyên bố chính trị. Còn văn kiện hiến pháp chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán vào ngày 19/7 tới”.

Tuyên bố Chính trị bao gồm các nội dung liên quan đến việc thành lập ba cơ quan: Hội đồng Chủ quyền, Chính phủ và Hội đồng Lập pháp. Ngoài ra, tuyên bố cũng đề cập đến các nhiệm vụ trong giai đoạn chuyển tiếp như vấn đề hòa bình, cải cách kinh tế và cứu trợ nhân đạo. Thêm vào đó, tuyên bố cũng tái khẳng định việc tiến hành điều tra các về các vụ bạo lực nhằm vào dân thường sau khi Tổng thống al-Bashir bị lật đổ vào tháng 4/2019.

Một trong những điểm quan trọng nhất trong văn kiện chính trị nói trên là số lượng thành viên của Hội đồng Chủ quyền gồm 11 thành viên. Mỗi bên sẽ chỉ định 5 thành viên và thành viên thứ 11 do cả hai đồng thuận. Ban đầu, TMC đề xuất thành viên thứ 11 nên là một cựu quân nhân nhưng FFC đã không nhất trí điều này. Kết quả cuối cùng, Hội đồng Chủ quyền sẽ gồm 6 dân thường và 5 quân nhân.

Tuyên bố Chính trị cũng nhất trí thành lập cơ chế chủ tịch luân phiên. Theo đó, TMC sẽ bổ nhiệm một chủ tịch của Hội đồng Chủ quyền giữ chức vụ trong vòng 21 tháng, tiếp theo đó là chủ tịch do FFC bổ nhiệm giữ chức vụ trong vòng 18 tháng còn lại.

Trước khi Tuyên bố Chính trị được ký kết, vào ngày 5/7, TMC và FFC –  một liên minh các nhóm đối lập và biểu tình - đã đạt một thỏa thuận chia sẻ quyền lực trong giai đoạn chuyển tiếp. Theo thỏa thuận đạt được, hai bên nhất trí thành lập một hội đồng lãnh đạo luân phiên giữa quân đội và phía dân sự trong giai đoạn 3 năm hoặc lâu hơn. Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí thành lập một chính phủ kỹ trị độc lập và tiến hành một cuộc điều tra minh bạch, độc lập về các vụ bạo lực trong những tuần gần đây.

Việc đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền lực là một bước tiến sau nhiều cuộc đàm phán giữa TMC và FFC trong bối cảnh xảy ra chính biến tại Sudan. Vào ngày 11/4/2019, quân đội thực hiện đảo chính, lên nắm quyền điều hành đất nước và thành lập ra Hội đồng Quân sự chuyển tiếp (TMC), dự kiến hoạt động trong 2 năm.

Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Omar al-Bashir bị phế truất sau 30 năm cầm quyền và quân đội lên nắm quyền, người biểu tình lo ngại quân đội tìm cách duy trì quyền lực lâu dài nên vẫn tiếp tục các cuộc biểu tình (bắt đầu từ tháng 12/2018), nhằm gây sức ép để TMC sớm chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự./.

Kiều Giang (theo Sudan Tribune, Al Arabiya)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực