Sudan: Hội đồng Quân sự chuyển tiếp chịu nhiều sức ép từ dư luận

Thứ tư, 17/04/2019 16:03
(ĐCSVN) – Tình hình Sudan tiếp tục diễn biến phức tạp vì các cuộc biểu tình phản đối của người dân, trong khi Hội đồng Quân sự chuyển tiếp Sudan phải chịu sức ép lớn từ trong nước và quốc tế sau khi tiến hành đảo chính.
Người dân Sudan mong muốn nhanh chóng thành lập một chính quyền dân sự (Ảnh: AFP)

Ngày 16/4, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn bên ngoài các sở chỉ huy quân đội ở Sudan khi người dân yêu cầu quân đội nhanh chóng thành lập một chính quyền dân sự, thay vì duy trì Hội đồng Quân sự chuyển tiếp.

Trước đó, các cuộc biểu tình của người dân chỉ nhằm phản đối tình trạng giá lương thực tăng mạnh, bất bình với những chính sách kinh tế yếu kém của chính quyền Tổng thống Omar al-Bashir khiến đời sống của người dân khó khăn hơn. Sau khi quân đội bắt giữ Tổng thống Omar al-Bashir và thành lập Hội đồng Quân sự chuyển tiếp nhằm điều hành đất nước trong thời gian dự kiến 2 năm, thì các cuộc biểu tình của người dân vẫn tiếp tục. Họ yêu cầu giải tán Hội đồng quân sự và thay thế bằng một Hội đồng dân sự có đại diện của quân đội, đồng thời yêu cầu bãi nhiệm một số quan chức.

Trong khi đó, ngày 16/4, Hội đồng Quân sự chuyển tiếp Sudan thông báo đã bãi nhiệm trưởng công tố Omar Ahmed Mohamed Abdelsalam, sau hàng loạt cuộc biểu tình phản đối nhân vật này. Ngày 14/4, Bộ trưởng Quốc phòng Awad Ibn Auf và Tham mưu trưởng quân đội Sudan cũng đã từ nhiệm các cương vị lãnh đạo Hội đồng Quân sự mà họ đã đảm nhiệm sau khi lật đổ Tổng thống Omar al-Bashir.

Ngày 14/4, theo người phát ngôn Hội đồng quân sự Sudan, Trung tướng Shams El Din Kebashy, Hội đồng này sẵn sàng phối hợp với các nhóm dân sự để thành lập một chính phủ dân sự mới. Theo đó, phe đối lập có 1 tuần để đưa ra những kiến nghị của mình.

Tổng thống Sudan bị lật đổ Omar al-Bashir (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Sudan Awad Ibn Auf (trái)
cũng từ nhiệm vị trí lãnh đạo Hội đồng Quân sự . Ảnh: AFP/TTXVN

Trước cuộc chính biến tại Sudan, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 16/4 đã bổ nhiệm ông Nicholas Haysom làm đặc phái viên về Sudan để phối hợp với Liên minh châu Phi (AU) giải quyết cuộc khủng hoảng ở nước này.

AU - tổ chức có 55 nước thành viên đã lên án mạnh mẽ cuộc đảo chính ở Sudan, đồng thời kêu gọi quân đội Sudan chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự trong vòng 15 ngày, cũng như kịch liệt chỉ trích việc quân đội nước này phế truất Tổng thống Omar al-Bashir. Hội đồng an ninh và hòa bình của AU cảnh báo sẽ đình chỉ tư cách thành viên của Sudan trong tổ chức gồm 55 quốc gia này nếu lực lượng quân sự không thiết lập chính phủ dân sự.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu – bà Federica Mogherini ngày 16/4 đã kêu gọi việc chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự và cho biết EU sẽ không công nhận Hội đồng Quân sự chuyển tiếp ở Sudan.

Trong một diễn biến có liên quan, Bộ  Ngoại giao Mỹ ngày 16/4 cho biết Washington sẽ không đưa Sudan ra khỏi danh sách các nước tài trợ cho khủng bố cho đến khi ban lãnh đạo và chính sách của nước này thay đổi và quân đội không còn nắm quyền điều hành đất nước./.

Kiều Giang (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực