Sudan: Tổng thống từ chức, quân đội kiểm soát đất nước

Thứ năm, 11/04/2019 16:42
(ĐCSVN) – Trước sức ép trong nhiều tháng qua từ các cuộc biểu tình, tình trạng bất ổn, những cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người dân, Tổng thống Sudan Omar al-Bashir đã từ chức sau khi có sự can thiệp của quân đội.

Tổng thống Sudan Omar al-Bashir tuyên bố từ chức sau 30 năm cầm quyền
(Ảnh: Reuters)

Nhiều phương tiện truyền thông, trong đó có kênh truyền hình Al – Arabiya ngày 11/4 đưa tin, nơi cư trú của Tổng thống Bashir đã bị bao vây và các lực lượng quân đội đã tiến vào bên trong. Trong khi đó, các cựu quan chức và quan chức chính phủ cấp cao đương nhiệm, lính canh gác và nhiều chính trị gia khác đã bị giam giữ. Kênh truyền hình này cho biết, quân đội đã kiểm soát các kênh truyền hình và đài phát thanh nhà nước.

Theo tin từ kênh Al Hadath TV, sân bay quốc tế ở thủ đô Khartoum đã bị đóng cửa.

Trong khi đó, tờ Sudan Tribune đưa tin, các xe bọc thép thuộc Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) đã được triển khai ở một số vị trí chiến lược của thủ đô. Trong khi đó, các binh sỹ cũng có mặt khắp Khartoum và quân đội dự kiến sẽ sớm đưa ra một thông báo quan trọng.

Vào chủ nhật vừa qua, tình trạng mất điện xảy ra trên khắp Sudan. Bộ Điện lực và Nguồn nước đã xác nhận điều này và không đưa ra lời giải thích nào, tuy nhiên cho biết các kỹ sư và kỹ thuật viên đang cố gắng khắc phục và sẽ cung cấp thêm thông tin.

Một cuộc biểu tình của người dân Sudan. (Ảnh: Sudan Tribune)

Các cuộc biểu tình tại Sudan xảy ra từ ngày 19/12/2018, khi người dân phản đối tình trạng giá lương thực tăng mạnh, đồng thời bất bình với những chính sách kinh tế yếu kém của chính quyền khiến đời sống của người dân khó khăn hơn. Tổng thống Bashir lên nắm quyền từ năm 1989 và từng tuyên bố không từ chức. Ông khẳng định cách duy nhất để thay đổi chính phủ là thông qua bầu cử.

Những ngày gần đây, hàng nghìn người đã tập trung trước trụ sở Bộ Quốc phòng để kêu gọi quân đội đứng về phía người biểu tình. Họ kêu gọi chính phủ đương nhiệm từ chức, yêu cầu quân đội tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp, nhằm thành lập một chính phủ chuyển tiếp./.

Kiều Giang (theo TeleSUR, Sudan Tribune, AFP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực