Syria: Ủy ban hiến pháp có thể giúp xây dựng lòng tin

Thứ năm, 03/10/2019 19:42
(ĐCSVN) – Đặc phái viên Liên hợp quốc tại Syria Geir Pedersen cho rằng công việc của Ủy ban hiến pháp sẽ "khắc phục sự khác biệt giữa các đảng phái tại Syria" và "mở ra cánh cửa cho một tiến trình chính trị rộng lớn hơn".

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Geneva hôm 2/10, ông Geir Pedersen đánh giá: "Ủy ban hiến pháp không thể giải quyết cuộc xung đột Syria một mình. Nhưng nó có thể giúp xây dựng lòng tin".

Trẻ em Syria trong một trại tị nạn gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi chạy trốn khỏi các cuộc đụng độ ở Idlib, tháng 6/2019 (Ảnh: UN)

Ủy ban hiến pháp dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào ngày 30/10 tới đây tại Geneva. Việc triển khai các công việc của ủy ban này là thỏa thuận chính trị cụ thể đầu tiên giữa chính phủ và phe đối lập để bắt đầu thực hiện một khía cạnh quan trọng trong nghị quyết 2254 (2015) của Hội đồng Bảo an: thiết lập thời gian biểu và phương thức để xây dựng hiến pháp mới.

"Tin tốt lành, đó là thấy các đại diện của quyền lực, phe đối lập, chính quyền và xã hội dân sự cùng ngồi dưới một mái nhà" – ông Geir Pedersen nói, đồng thời lưu ý "cơ hội duy nhất cho người Syria làm việc về một bản hiến pháp mới kèm theo các biện pháp cụ thể trên lãnh thổ" nước này.

Liên quan đến lịch trình của Ủy ban hiến pháp, Đặc phái viên Liên hợp quốc tuyên bố rằng trong giai đoạn hiện nay, vẫn còn sớm để suy đoán về thời hạn hoặc địa điểm. "Đã có rất nhiều lịch trình trong cuộc xung đột này. Thông thường, khi bạn ấn định lịch trình, nó không được tôn trọng" – ông lưu ý. Ông Geir Pedersen cũng giải thích rằng kết quả của cuộc họp đầu tiên dự kiến vào ngày 30/10 sẽ quyết định mức độ thành công và lịch trình mà công việc của ủy ban dự kiến sẽ mở ra. "Sau cuộc họp đầu tiên, tôi sẽ cho bạn biết cuộc họp có thành công hay không" – ông nói.

Về mục đích của các cuộc tham vấn này, đặc biệt là việc liệu có cần một văn bản mới hay sửa đổi hiến pháp hiện tại hay không, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria chỉ ra rằng đó không phải là "quyết định" của mình, mà tùy thuộc vào 150 thành viên của ủy ban. Ủy ban hiến pháp mới là một thực thể được tự do xem xét và sửa đổi hiến pháp năm 2012, trong đó có xem xét cả những kinh nghiệm về các bản hiến pháp khác của Syria, hoặc soạn thảo một bản hiến pháp mới.

Đặc phái viên của Liên hợp quốc cũng tin rằng rất khó để dự đoán kết quả công việc của Ủy ban hiến pháp Syria. "Sẽ có các ủy ban soạn thảo hiến pháp và chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công việc của họ" – ông cho biết, trong bối cảnh sẽ tiến hành các cuộc đối thoại chuyên sâu với nhiều bên khác nhau trước cuộc họp ngày 30/10. Các cuộc đối thoại này sau đó sẽ xác định các cơ chế hoạt động của Ủy ban, từ đó cho phép xây dựng các báo cáo định kỳ đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Thêm vào đó, Đặc phái viên Geir Pedersen cũng đặc biệt nhấn mạnh "các biện pháp xây dựng lòng tin", trong đó có tiến trình trong hồ sơ của người bị giam giữ. Ông hy vọng rằng tất cả những người bị giam giữ sẽ được thả tự do, điều này sẽ làm tăng lòng tin giữa các bên.

Tuần tới, Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Syria dự kiến sẽ thăm Damascus để hội đàm chuẩn bị với chính phủ Syria. Ông cũng dự kiến sẽ gặp các nhà lãnh đạo phe đối lập, có thể là ở Riyadh, trước khi công việc của Ủy ban hiến pháp bắt đầu ở Geneva.

Tại hội nghị hòa bình Syria do Nga tổ chức vào tháng 1/2018, các bên đã đạt thỏa thuận về việc thành lập ủy ban gồm 150 thành viên để soạn thảo hiến pháp mới cho Syria. Đây được xem là bước rất cần thiết để tiến tới cuộc bầu cử và giải pháp chính trị cho cuộc xung đột khiến khoảng 400.000 người thiệt mạng tại Syria.

Trước đó, các bên liên quan đã đạt thỏa thuận về danh sách 50 thành viên của Ủy ban hiến pháp Syria đến từ Chính phủ nước này và phe đối lập. Tuy nhiên, các bên phải mất gần 20 tháng để thống nhất danh sách này, chủ yếu do sự phản đối của Chính phủ Syria./.

Khánh Linh (Theo UN, AFP, AP, Reuters)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực