Thế giới tuần qua: Ấn Độ, Pakistan lại căng thẳng về Kashmir

Chủ nhật, 18/08/2019 15:59
(ĐCSVN) – Thế giới tuần qua (12-18/8) đã trải qua nhiều sự kiện đáng chú ý, từ tranh chấp Kashmir, diễn biến thiên tai ở Trung Quốc, tình hình bán đảo Triều Tiên, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, cho tới chính sách mới về nhập cư của Mỹ và việc Tổng thống Indonesia đề xuất rời thủ đô...

Đàm phán thương mại Mỹ - Trung vẫn sẽ diễn ra vào tháng 9

Trung Quốc phân bổ hơn 42 triệu USD hỗ trợ 3 tỉnh gặp bão Lekima

Triều Tiên phóng hai vật thể về phía biển Nhật Bản

Căng thẳng Ấn Độ – Pakistan leo thang về vấn đề Kashmir

Lực lượng an ninh tuần tra tại Srinagar, thành phố lớn nhất bang Jammu và Kashmir. Ảnh: Reuters

Quân đội Pakistan cho biết ngày 15/8 đã xảy ra vụ đấu súng qua đường Ranh giới kiểm soát (LoC) ở khu vực Kashmir đang tranh chấp giữa nước này và Ấn Độ. 

Trên trang Twitter, người phát ngôn quân đội Pakistan - Thiếu tướng Asif Ghafoor cho biết các lực lượng Ấn Độ đã đấu súng dọc khu vực biên giới tranh chấp này. Theo quan chức trên, vụ đấu súng hiện vẫn còn tiếp diễn, ít nhất 3 binh sĩ Pakistan và 5 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.

Căng thẳng giữa hai nước láng giềng đã gia tăng sau khi Ấn Độ ban hành Đạo luật chia tách bang Jammu và Kashmir. Theo đó, hai vùng lãnh thổ liên bang là Ladakh - không có cơ quan lập pháp - cùng Jammu và Kashmir - có cơ quan lập pháp - sẽ chính thức được thành lập từ ngày 31/10 tới. Pakistan đã bày tỏ phản đối mạnh mẽ quyết định này, tuyên bố hạ cấp quan hệ ngoại giao, đình chỉ hoạt động thương mại song phương với Ấn Độ và đưa vấn đề này ra Liên hợp quốc. 

Ngày 16/8, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã họp kín để thảo luận về căng thẳng gia tăng giữa Ấn độ và Pakistan liên quan tới vấn đề Kashmir. Tuy nhiên, cuộc họp đã kết thúc mà không đạt được sự đồng thuận rõ ràng nào. Ba Lan, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của HĐBA LHQ trong tháng 8/2019, đã từ chối đưa ra thông báo do quan điểm bất đồng giữa các thành viên. Trong khi đó, Phó Đại sứ Nga tại LHQ cho biết, trong cuộc họp, Trung Quốc cho rằng căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan là một vấn đề quốc tế, nhưng các thành viên khác của HĐBA coi đây là vấn đề song phương. 

Siêu bão Lekima gây thiệt hại nặng nề tại Trung Quốc

Các tỉnh miền Đông Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão Lekima. (Nguồn: Reuters)

Chính phủ Trung Quốc ngày 12/8 đã phân bổ 300 triệu nhân dân tệ (gần 43 triệu USD) từ các quỹ tài chính trung ương để giúp đỡ công tác cứu hộ và cứu trợ tại 3 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề do cơn bão Lekima.

Giới chức tỉnh Chiết Giang cho biết, tính đến sáng 12/8, số người thiệt mạng tại đây tăng lên 39 người trong khi 9 người mất tích. Bão Lekima đã gây ảnh hưởng tới cuộc sống của khoảng 6,68 triệu cư dân của tỉnh, trong đó 1,26 triệu người đã phải sơ tán khẩn cấp. Bão tàn phá 234.000 hécta diện tích hoa màu, gây thiệt hại trực tiếp về kinh tế ước khoảng 24,22 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 3,4 tỷ USD).

Trong khi đó, Cơ quan Kiểm soát tình trạng khẩn cấp tại tỉnh Sơn Đông thông báo tính đến sáng cùng ngày, ít nhất 5 người đã thiệt mạng và 7 người mất tích do mưa bão. Khoảng 1,66 triệu người bị ảnh hưởng và hơn 180.000 người phải rời nhà đi lánh nạn. Tổng thiệt hại do ảnh hưởng của bão đối với ngành nông nghiệp của tỉnh là 939 triệu Nhân dân tệ. Như vậy, tổng thiệt hại kinh tế do bão Lekima gây ra tại Trung Quốc đã lên tới 18 tỷ Nhân dân tệ, trong đó có 364.000 hécta hoa màu và hơn 36.000 nhà bị tàn phá. Lekima là cơn bão thứ 9 và mạnh nhất trong mùa bão năm nay tại Trung Quốc.

Mỹ hạn chế người nghèo nhập cư

Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn có quan điểm cứng rắn về vấn đề nhập cư. (Ảnh: AP)

 
Nhà Trắng hôm 12/8 thông báo người nhập cư nhận tem phiếu thực phẩm, bảo hiểm y tế cộng đồng và phúc lợi xã hội khác sẽ không được cấp quyền công dân.  

Theo đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ từ chối cấp quyền thường trú và quyền công dân đối với những người nhập cư nhận tem phiếu thực phẩm, bảo hiểm y tế cộng đồng và các phúc lợi xã hội khác. Quy định mới này sẽ dập tắt hy vọng được cấp quốc tịch của hàng triệu người nhập cư gốc Trung, Nam Mỹ đang làm việc với mức lương thấp và phụ thuộc một phần vào các dịch vụ công.

Động thái này được xem là "đòn" mới của chính quyền ông D.Trump về vấn đề nhập cư. Chính phủ lâu nay đã cố gắng trấn áp những người vượt biên, đẩy mạnh các vụ bắt và trục xuất khoảng 10,5 triệu người nhập cư bất hợp pháp ở Mỹ.

Tuy nhiên, động thái này cũng khiến người đứng đầu Nhà Trắng phải đối mặt với những thách thức về pháp lý khi nhiều bang tại Mỹ đã đệ đơn kiện chính quyền Tổng thống D.Trump liên quan tới quy định từ chối quyền định cư lâu dài hay cấp quốc tịch cho những người nhập cư hợp pháp hưởng trợ cấp xã hội.

Mỹ và Trung Quốc sẽ nối lại đàm phán thương mại vào tháng tới

Hàng hóa tại cảng Diêm Điền, Quảng Đông (Trung Quốc). (Ảnh: Reuters)

Ngày 15/8, Tổng thống Mỹ D.Trump đánh giá: các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc đang theo đuổi các vòng đối thoại “tích cực”, đồng thời hy vọng kế hoạch nối lại đàm phán thương mại giữa hai bên trong tháng 9 sẽ vẫn diễn ra như dự kiến.

Phát biểu trước các phóng viên tại New Jersey, ngày 15/8, ông D.Trump nói: “Theo như những gì tôi hiểu thì cuộc gặp gỡ vào tháng 9 vẫn sẽ diễn ra theo dự kiến. Song tôi cho rằng, điều quan trọng hơn là hai bên đang tiến hành các cuộc điện đàm và đang có những vòng đối thoại rất hiệu quả”.

Tổng thống D.Trump cho biết, vào đầu tuần này, các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã có một “cuộc hội đàm rất tốt đẹp”, trước khi chính phủ do ông đứng đầu quyết định trì hoãn việc áp đặt mức thuế mới đối với 150 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho tới ngày 15/12/2019.

Quan hệ hai miền Triều Tiên có dấu hiệu nguội lạnh trở lại

Các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn luôn được xem là nguồn cơn khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng. (Ảnh: Yonhap)

Ủy ban Thống nhất hòa bình Triều Tiên đã ra thông báo bác bỏ những tuyên bố của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 15/8 thể hiện mong muốn thống nhất hai miền Triều Tiên. Những tuyên bố này được ông Moon Jae-in đưa ra trong bài phát biểu mừng Quốc khánh Hàn Quốc trong đó nêu rõ mục tiêu "thiết lập nền hòa bình và thống nhất" trên bán đảo Triều Tiên trước năm 2045.

Người phát ngôn của Ủy ban Thống nhất hòa bình Triều Tiên nêu rõ Bình Nhưỡng không muốn tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán với Seoul, nhấn mạnh Seoul "không nên hy vọng các cuộc đối thoại liên Triều sẽ nối lại sau khi cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn Quốc kết thúc". Người phát ngôn này để ngỏ khả năng Triều Tiên đàm phán với Mỹ, theo đó đề cập cuộc đối thoại sắp tới giữa hai nước, song cho biết "sẽ không có chỗ cho Hàn Quốc".

Ngày 16/8, Triều Tiên đã phóng hai vật thể về vùng biển phía Đông (biển Nhật Bản). Đây là vụ phóng lần thứ 6 mà Triều Tiên thực hiện trong vòng 3 tuần qua và được xem là nhằm tiếp tục thể hiện rõ quan điểm phản đối trước cuộc tập trận chung đang diễn ra giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Tổng thống Indonesia đề xuất chuyển thủ đô

Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Ảnh: Vision Times.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 16/8 đã chính thức đề xuất lên Quốc hội kế hoạch chuyển thủ đô từ Jakarta trên đảo Java về tỉnh Kalimantan trên đảo Borneo.

Trong thông điệp liên bang đọc trước Quốc hội, một ngày trước khi Indonesia kỷ niệm 74 năm ngày độc lập, Tổng thống Widodo đề nghị Quốc hội cho phép chuyển thủ đô về tỉnh Kalimantan. Theo ông, thủ đô không chỉ là biểu tượng của quốc gia mà còn thể hiện sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, Tổng thống Indonesia không nêu cụ thể địa điểm sẽ đặt thủ đô mới. 

Quyết định trên được Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo đưa ra chưa đầy 2 tuần sau khi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông đã chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Indonesia diễn ra hôm 17/4. Theo kế hoạch, Tổng thống Widodo sẽ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ hai vào tháng 10 tới./.

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực