Thế giới tuần qua: Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai

Chủ nhật, 03/03/2019 14:17
(ĐCSVN) – Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai, quan hệ Pakistan - Ấn Độ gia tăng căng thẳng, Mỹ hoãn tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bác hai dự thảo nghị quyết về Venezuela... Đó là một số tin tức quốc tế được nhiều người quan tâm trong tuần qua.

Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai: Lập trường nhất quán của Việt Nam

Cộng đồng quốc tế hoan nghênh Mỹ và Triều Tiên duy trì đối thoại

Pakistan xác nhận bắn rơi 2 máy bay chiến đấu của Ấn Độ

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bác hai dự thảo nghị quyết về Venezuela

Cử tri Cuba thông qua Hiến pháp mới

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai

Tuần qua, cộng đồng quốc tế theo dõi sát sao Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai, diễn ra trong hai ngày 27 - 28/2 tại Hà Nội. Hội nghị đã kết thúc mà không có Tuyên bố chung. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un
trao đổi tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai ở Hà Nội, ngày 27/2. (Ảnh: AP)

Liên quan đến lý do Hội nghị không đạt được thỏa thuận, hai bên đưa ra những giải thích khác nhau. Theo Tổng thống Mỹ Donald Trump, khúc mắc chính trong đàm phán là do Triều Tiên muốn dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt, trong khi phía Mỹ chưa thể đáp ứng điều đó.

Còn theo Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho, phía Triều Tiên chỉ đề nghị dỡ bỏ một phần trừng phạt để đổi lại việc phá bỏ vĩnh viễn toàn bộ cơ sở hạt nhân chính Yongbyon trước sự chứng kiến của các chuyên gia Mỹ.

Tại Hội nghị, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nêu đề xuất về việc ngừng vô thời hạn các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa, đổi lại Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết không gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên. Đây được đánh giá là kết quả tích cực của Hội nghị.

Là nước chủ nhà, Việt Nam đã nỗ lực, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho Hội nghị, thể hiện rõ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Vị thế, vai trò và công tác chuẩn bị, tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam được lãnh đạo hai nước Mỹ, Triều Tiên và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Quan hệ Pakistan - Ấn Độ gia tăng căng thẳng

Quan hệ Pakistan - Ấn Độ gần đây ngày càng trở nên căng thẳng kể từ sau vụ đánh bom đẫm máu ngày 14/2 tại vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, làm ít nhất 40 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. 

Binh sĩ Ấn Độ điều tra bên chiếc máy bay của không quân nước này bị rơi tại quận Budgam, cách thủ phủ Srinagar, bang Kashmir khoảng 30km ngày 27/2/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuần qua, căng thẳng tiếp tục dâng cao sau khi hai bên có một loạt hành động quân sự trả đũa lẫn nhau như Ấn Độ không kích trại huấn luyện của nhóm khủng bố Jaish-e-Mohammad (JeM) ở khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát, chặn các máy bay chiến đấu của Pakistan vi phạm không phận và buộc các máy bay này phải quay đầu.

Đáp lại, không quân Pakistan tấn công các cơ sở quân sự của Ấn Độ, bắn rơi 2 máy bay và bắt giữ một phi công. Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã lập tức yêu cầu Islamabad đảm bảo an toàn và trao trả phi công này. Pakistan sau đó đã đóng cửa không phận, gây xáo trộn hàng nghìn chuyến bay trên thế giới trong 2 ngày liền.

Tuy nhiên, đến ngày 1/3, Pakistan đã mở cửa lại không phận và trao trả cho Ấn Độ phi công bị các lực lượng nước này bắt giữ trên. Kế tiếp, ngày 2/3, Bộ trưởng Đường sắt Pakistan Sheikh Rashid Ahmed thông báo sẽ nối lại hoạt động vận tải đường sắt giữa nước này với Ấn Độ. Đây được cho là những "cử chỉ thiện chí" của Islamabad nhằm hạ nhiệt căng thẳng với New Delhi.

Ngày 2/3, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi tuyên bố các vấn đề giữa nước này và Ấn Độ cần được giải quyết thông qua các kênh ngoại giao và đối thoại. Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Rajnath Singh khẳng định New Delhi sẵn sàng hỗ trợ Pakistan đối phó với mối đe dọa khủng bố trên lãnh thổ quốc gia láng giềng này.

Mỹ hoãn tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc

Ngày 28/2, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) ra thông báo hoãn kế hoạch tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, sau khi Tổng thống Donald Trump đưa ra quyết định gia hạn để hai bên có thêm thời gian tìm kiếm một thỏa thuận thương mại.

Vận chuyển hàng hóa tại cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, ngày 12/10/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

USTR thông báo ngừng kế hoạch tăng thuế từ 10% lên 25% đối với số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD trước khi công bố một thông báo vào ngày 5/3 tới. Trước đó, Tổng thống Trump cũng cho biết sẽ kéo dài thời hạn ban đầu là ngày 28/2 để đạt một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, sau khi xem xét tiến triển đạt được trong các cuộc đàm phán gần đây giữa quan chức cấp cao hai bên tại Washington.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bùng phát từ giữa năm 2018, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã liên tiếp trả đũa nhau bằng các mức thuế mới. Đến nay, tổng lượng hàng hóa bị đánh thuế cao hơn của hai bên đã lên tới hơn 360 tỷ USD. Trong cuộc gặp tại Argentina hồi tháng 11/2018, lãnh đạo hai nước đã nhất trí "đình chiến thương mại"  trong 90 ngày để thương lượng một thỏa thuận nhằm chấm dứt nhiều tháng leo thang căng thẳng. Tổng thống Trump tuyên bố sẽ tăng mức thuế từ 10% hiện nay lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD nếu hai nước không đạt được giải pháp cho cuộc chiến này trước ngày 1/3. Tuy nhiên, với kết quả tích cực mà đoàn đàm phán thương mại hai nước đạt được sau cuộc thương lượng mới nhất tại Washington hôm 24/2 vừa qua, Tổng thống Trump đã thông bão hoãn kế hoạch tăng thuế nói trên.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bác hai dự thảo nghị quyết về Venezuela

Trong phiên bỏ phiếu ngày 28/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bác bỏ cả hai dự thảo nghị quyết về Venezuela do Nga và Mỹ bảo trợ vì sự phủ quyết từ các nước thành viên thường trực Hội đồng.

Đại diện các nước tham gia phiên bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về các bản nghị quyết về tình hình Venezuela do Nga và Mỹ bảo trợ, ngày 28/2 (Ảnh: Xinhua)

Bản dự thảo nghị quyết do Nga đề xuất kêu gọi một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Venezuela dựa trên cơ sở đối thoại và vấn đề hỗ trợ nhân đạo cho quốc gia Nam Mỹ này. Dự thảo nghị quyết thừa nhận vai trò đầu tàu của chính phủ Venezuela trong việc nêu đề xuất, tổ chức, phối hợp và triển khai những biện pháp khả thi liên quan tới các hoạt động viện trợ nhân đạo quốc tế trong phạm vi lãnh thổ quốc gia này. Theo quan điểm của Moscow thì mọi sáng kiến tương tự chỉ có thể được thực hiện dựa trên sự đồng thuận và yêu cầu từ phía chính phủ Venezuela.

Bản dự thảo nghị quyết của Mỹ kêu gọi khởi động một tiến trình chính trị hòa bình nhằm hướng tới các cuộc bầu cử Tổng thống “tự do, công bằng và đáng tin cậy” tại Venezuela. Dự thảo nghị quyết nhấn mạnh tính cần thiết của những nỗ lực ngăn chặn sự đi xuống của tình hình nhân đạo tại Venezuela cũng như tạo điều kiện tiếp cận và triển khai các hoạt động nhân đạo tới tất cả những người có nhu cầu trên khắp lãnh thổ Venezuela, dựa trên các nguyên tắc nhân đạo…

Cuộc họp ngày 28/2 là cuộc họp lần thứ 3 do cơ quan quyền lực Liên hợp quốc triệu tập trong vòng hơn 1 tháng qua về vấn đề Venezuela do tình hình căng thẳng chính trị leo thang tại quốc gia Nam Mỹ này. Khủng hoảng chính trị bùng phát tại Venezuela từ ngày 23/1, sau khi Chủ tịch Quốc hội Juan Guaido tự phong làm Tổng thống lâm thời của Venezuela và gây ra những phản ứng trái chiều từ các nước trên thế giới. 

Gia tăng khả năng Anh trì hoãn tiến trình rời EU 

Kế hoạch mới nhất được Thủ tướng Anh Theresa May công bố để đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), đã nhận được sự ủng hộ của các nghị sĩ nước này. Diễn biến mới này làm gia tăng khả năng trì hoãn tiến trình Brexit. 

Phiên họp của Hạ viện Anh ở London ngày 27/2/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Với 520 phiếu thuận và 20 phiếu chống, ngày 27/2, các nghị sĩ Anh đã thông qua kế hoạch gồm 3 bước của bà May, theo đó nhà lãnh đạo Anh sẽ có thêm thời gian để đàm phán lại thỏa thuận Brexit đạt được với EU hồi năm ngoái.

Cũng trong phiên họp ngày 27/2, các nghị sĩ Anh đã bỏ phiếu đối với một số sửa đổi trong thỏa thuận Brexit do chính quyền của Thủ tướng May soạn thảo và dự kiến sẽ được bỏ phiếu tại hạ viện vào ngày 12/3 tới. Theo đó, các nghị sĩ nhất trí yêu cầu Thủ tướng May phải tìm kiếm một hiệp ước bảo đảm quyền lợi của công dân nước này sau Brexit trong mọi tình cảnh. Ngoài ra, các nghị sĩ cũng bác đề xuất sửa đổi của Công đảng đối lập yêu cầu chính phủ của Thủ tướng May đàm phán về liên minh thuế quan dài hạn với EU và quyền tiếp cận thị trường đơn lẻ này. 

Cử tri Cuba thông qua Hiến pháp mới

Ủy ban Bầu cử Quốc gia Cuba ngày 25/2 đã thông báo kết quả sơ bộ cuộc trưng cầu dân ý Hiến pháp mới. Kết quả cho thấy, có 6,81 triệu cử tri đã nhất trí thông qua Hiến pháp mới trong tổng số hơn 7,85 triệu cử tri đi bỏ phiếu ngày 24/2, đạt 86,8% tổng số phiếu bầu và đạt 73,31% tổng số cử tri đăng ký trên cả nước.

Cử tri Cuba bỏ phiếu thông qua Hiến pháp mới (Ảnh: Cuban News Agency)

Dự thảo Hiến pháp mới của Cuba bao gồm một phần mở đầu và 229 điều, được chia vào 11 mục, 24 chương và 16 phần. Đây sẽ là bản Hiến pháp thứ 2 của Cuba kể từ khi Cách mạng thành công năm 1959, tiếp sau Hiến pháp 1976 hiện hành, mới được bổ sung sửa đổi 2 lần vào các năm 1992 và 2002.

Bên cạnh việc tái khẳng định mục tiêu và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, cùng việc duy trì nền tảng cơ bản của mô hình kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa, dự thảo Hiến pháp mới đưa ra nhiều thay đổi quan trọng như xác định rõ hơn vai trò của Đảng Cộng sản, tuyên bố tính chất pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Cuba, ấn định tính tối thượng của Hiến pháp trong hệ thống tư pháp, định ra các chức danh lãnh đạo mới cùng các quy định về nhiệm kỳ và giới hạn tuổi bổ nhiệm, trao thêm quyền tự chủ cho các đơn vị hành chính địa phương, đặc biệt là cấp quận huyện, mở rộng và hiến định thêm nhiều quyền của công dân, công nhận những thành phần kinh tế mới và đề ra cơ chế tự chủ cho các doanh nghiệp nhà nước, hay nâng lên tầm hiến định nhiều nguyên tắc của Cách mạng Cuba./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực