Thế giới tuần qua: Tín hiệu khả quan về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung

Chủ nhật, 29/09/2019 10:01
(ĐCSVN) - Mỹ và Trung Quốc ấn định thời điểm đàm phán thương mại, Mỹ sắp triển khai tên lửa Patriot đến Ả rập Xê út, IMF có Tổng Giám đốc mới, Afghanistan tổ chức bầu cử tổng thống ,… là một số sự kiện thế giới đáng chú ý trong tuần qua (23- 29/9).

Mỹ - Trung Quốc ấn định thời điểm đàm phán thương mại

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow ngày 27/9 cho biết vòng đàm phán thương mại tiếp theo giữa Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ diễn trong tuần thứ hai của tháng 10, ngay trước thời điểm Mỹ dự kiến tăng thuế với hàng nhập khẩu Trung Quốc.

 

Từ trái sang: Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong vòng đàm phán thương mại tại Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 1/5/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)


Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump dự định tăng thuế từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào ngày 1/10, song đã nhất trí hoãn tăng thuế cho đến ngày 15/10, dường như để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán thương mại diễn ra suôn sẻ.

Ngày 25/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng một thỏa thuận nhằm chấm dứt căng thẳng thương mại kéo dài gần 15 tháng với Trung Quốc có thể đạt được sớm hơn so với dự tính của mọi người.

Tuyên bố trên của Tổng thống Trump là tín hiệu khả quan hứa hẹn việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sớm đạt thỏa thuận thương mại, qua đó chấm dứt cuộc cạnh tranh thương mại vốn gây tác động tiêu cực đến nhiều nước khác.

Trong khi đó, theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng tổ lãnh đạo công tác nông thôn Trung Quốc, cuộc đàm phán thương mại với Mỹ mang tính xây dựng và đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho các cuộc đàm phán tiếp theo vào tháng 10 tới tại Washington.

Nhiều khả năng Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc, trong khi các quan chức Mỹ tham gia vòng đàm phán lần này bao gồm Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin.

Những động thái của Trung Quốc và Mỹ cho thấy hai bên đang nỗ lực tạo không khí hòa hoãn, thúc đẩy đàm phán hướng tới đạt được thỏa thuận giải quyết tranh chấp thương mại đang gây tổn hại cho 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng như đẩy lùi tốc độ tăng trưởng toàn cầu.

Mỹ sắp triển khai tên lửa Patriot đến Ả rập Xê út

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 26/9 thông báo về kế hoạch triển khai một khẩu đội tên lửa đánh chặn Patriot và 4 hệ thống radar giám sát tối tân Sentinel tới Ả rập Xê út. Mục đích của kế hoạch triển khai thiết bị nêu trên là nhằm bảo đảm an toàn cho khu vực miền Bắc Ả rập Xê út. Hiện nay, hầu hết các hệ thống phòng không của Ả rập Xê út đều được đóng ở vị trí gần với khu vực biên giới miền Nam tiếp giáp với Yemen.

 

Mỹ lên kế hoạch triển khai tên lửa Patriot đến Ả rập Xê út. (Ảnh: AFP)


Theo quan điểm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper thì phương án triển khai lực lượng nói trên của Mỹ chỉ là một bước đi đầu tiên và kế hoạch có thể sẽ tiếp tục được mở rộng. Cuối tuần trước, ông Esper tuyên bố, tất cả mọi bằng chứng đều khẳng định Iran đứng đằng sau vụ tấn công nhằm vào các cơ sở lọc dầu của Ả rập Xê út và Mỹ cũng đang tính đến việc điều động thêm quân tới Trung Đông.

Một số nguồn tin nước ngoài cho biết, ngoài các biện pháp kể trên, chính quyền Tổng thống Mỹ D.Trump cũng được cho là đang cân nhắc tới phương án sẵn sàng triển khai thêm 2 khẩu đội Patriot và hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới Ả rập Xê út trong trường hợp cần thiết. Ngoài ra, khoảng 200 binh sỹ Mỹ cũng đang được lên kế hoạch điều động tới Ả rập Xê út cùng với các thiết bị phòng không.

Kể từ nhiều tháng trở lại đây, phong trào Houthi Ansarullah của Yemen đã thực hiện một số vụ tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Ả rập Xê út nhằm trả đũa sự can dự quân sự của liên minh do Ả rập Xê út dẫn đầu vào cuộc chiến ở Yemen từ năm 2015.

Đỉnh điểm là cách đây ít lâu, phong trào Houthi tuyên bố đã sử dụng 10 máy bay không người lái tấn công các cơ sở lọc dầu ở Khurais và Abqaiq thuộc tập đoàn dầu khí Aramco của Ả rập Xê út. Vụ tấn công đã khiến sản lượng dầu mỏ khai thác của Ả rập Xê út bị sụt giảm hơn 1 nửa, tương đương với khoảng 5,7 triệu thùng/ngày.

Sau vụ việc trên, cả Mỹ và Ả rập Xê út đều bác bỏ tuyên bố của Houthi và quy kết trách nhiệm cho Iran về các vụ tấn công, đồng thời xem đây là “cái cớ” để tính tới các phương án trả đũa cần thiết. Tuy nhiên, kịch bản sớm bùng phát một cuộc xung đột mới ở Trung Đông như lo ngại của nhiều người đã “tạm thời bị gác lại” sau khi Tổng thống D.Trump, vào cuối tuần trước đã bác bỏ những lời đồn đoán về kế hoạch chuẩn bị không kích Iran. Thay vào đó, người đứng đầu Nhà Trắng đã thông qua các biện pháp nhằm thắt chặt các biện pháp quân sự tại Ả rập Xê út và trong khu vực.

IMF có Tổng Giám đốc mới

Ban Điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 25/9 đã thông qua đề cử Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB), bà Kristalina Georgieva vào cương vị Tổng Giám đốc IMF nhiệm kỳ mới kéo dài 5 năm bắt đầu từ ngày 1/10/2019.

 

Tân Tổng Giám đốc IMF Kristalia Georgieva. (Ảnh: Reuters)


Bà Kristalia Georgieva, nhà kinh tế học người Bulgaria đã được 24 thành viên Ban Điều hành, đại diện cho 189 quốc gia thành viên quỹ IMF lựa chọn vào cương vị này. Việc lựa chọn vị trí tân Tổng Giám đốc IMF được tiến hành từ ngày 26/7/2019.

Bà Georgieva, người kế nhiệm bà Christine Lagarde sẽ là nhà lãnh đạo IMF đầu tiên đến từ một nền kinh tế mới nổi, kể từ khi IMF thành lập năm 1944. Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đã bỏ phiếu lựa chọn bà Kristalina Georgieva là ứng cử viên duy nhất cho vị trí Tổng Giám đốc IMF.

Năm 2010, bà Kristalina Georgieva từng làm việc trong Ủy ban châu Âu và đảm nhiệm cương vị Giám đốc điều hành WB từ tháng 1/2017. Bà từng giữ chức Chủ tịch tạm quyền của WB từ tháng 2 - 4/2019. Như vậy, bà Georgieva đã trở thành nữ Tổng Giám đốc thứ hai của IMF sau bà Christine Lagarde, người đã từ chức trước đó để lãnh đạo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Phát biểu trước báo giới tại trụ sở của IMF tại Washington (Mỹ), bà Georgieva bày tỏ vinh dự khi được tín nhiệm lựa chọn vào vị trí Tổng Giám đốc IMF. Bà Georgieva cũng tự mô tả mình là “một người tin tưởng vững chắc vào nhiệm vụ của mình, là giúp đảm bảo sự ổn định của hệ thống kinh tế và tài chính toàn cầu thông qua hợp tác quốc tế".

Lãnh đạo thế giới cam kết hành động vì mục tiêu phát triển bền vững

Tại phiên khai mạc của Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), ngày 24/9, các nước thành viên Liên hợp quốc đã đồng loạt thông qua một tuyên bố chính trị với lời cam kết huy động tài chính, thúc đẩy sự thực thi và tăng cường thể chế để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững theo đúng thời hạn đã đề ra, không bỏ lại ai ở phía sau.

 

Chủ tịch khóa họp lần thứ 74 của Đại hội đồng Liên hợp quốc
Tijjani Muhammad-Bande – người triệu tập Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về SDGs. (Ảnh: UN)


Trong tuyên bố ngày 24/9, các nước thành viên Liên hợp quốc đã tỏ rõ quyết tâm từ nay đến năm 2030 “chấm dứt nghèo đói ở tất cả mọi nơi; đấu tranh chống lại sự bất bình đẳng trong phạm vi quốc gia và giữa các nước với nhau; xây dựng các xã hội hòa bình, công bằng và toàn diện; tôn trọng, bảo vệ và thực hiện các nghĩa vụ về quyền con người cũng như đạt được mục tiêu bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và các trẻ em gái; bảo đảm sự bảo vệ lâu dài cho hành tinh và các tài nguyên thiên nhiên”.

Cũng trong ngày 24/9, một số nước thành viên Liên hợp quốc đã ra tuyên bố ủng hộ Hội nghị thượng đỉnh về SDGs. Cụ thể, Brazil cam kết  giảm 1/3 tỷ lệ tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm vào năm 2030; Phần Lan cam kết đạt mục tiêu trung lập các-bon vào năm 2035 còn Mexico quyết tâm sẽ phổ cập internet tới tất cả mọi đối tượng, gồm cả những người nằm trong các cộng đồng dễ bị tổn thương…

Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức, từ sự gia tăng nghèo đói, khí thải gây hiệu ứng nhà kính cho tới sự xung đột và bất bình đẳng, Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về SDGs diễn ra trong hai ngày (24 - 25/9) là cơ hội gắn kết các nhà lãnh đạo trên các nước, các tổ chức quốc tế…cùng chung tay thúc đẩy tham vọng và tạo ra động lực cần thiết để đưa thế giới đi đúng hướng trên con đường đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

EU đe dọa tiếp tục trừng phạt Venezuela

Một ngày sau khi bổ sung 7 quan chức Venezuela vào danh sách trừng phạt, Liên minh châu Âu ngày 27/9 tiếp tục cảnh báo sẵn sàng áp đặt thêm trừng phạt đối với quốc gia Mỹ Latinh này.

 

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (Ảnh: Reuters)


Trong một tuyên bố đưa ra cùng ngày, Liên minh châu Âu nói rằng, tình hình tại Venezuela hiện nay cần phải được chấm dứt, cùng với quá trình chuyển tiếp cho một cuộc bầu cử mới. Khối này sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro nhằm đẩy nhanh sự thay đổi.

Trước đó, các nước thành viên Liên minh châu Âu cũng đã nhất trí bổ sung 7 quan chức cấp cao trong chính quyền Venezuela vào danh sách trừng phạt, nhằm gia tăng sức ép đối với Tổng thống Nicolas Maduro trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế và nhân đạo trầm trọng.

Quyết định trên được đưa ra sau cuộc họp của các đại sứ Liên minh châu Âu để đánh giá về những diễn biến mới nhất tại Venezuela. Các cá nhân bị liệt vào danh sách đen này sẽ bị phong tỏa tài sản tại châu Âu, cũng như bị cấm đi tới các nước thuộc khối này.

Như vậy, đến nay đã có tổng cộng 25 quan chức Venezuela, đều là những nhân vật thân cận của Tổng thống Maduro, bị Liên minh châu Âu áp đặt lệnh trừng phạt.

Afghanistan tổ chức bầu cử tổng thống

Ngày 28/9, các điểm bỏ phiếu đã bắt đầu mở cửa để người dân Afghanistan đến bầu chọn Tổng thống mới cho quốc gia Tây Nam Á này.

 

Tổng thống đương nhiệm Afghanistan Ashraf Ghani (phải) bỏ phiếu bầu Tổng thống
tại điểm bầu cử ở Kabul ngày 28/9/2019 (Ảnh: AFP/TTXVN)


Ước tính hơn 9 triệu cử tri Afghanistan đã đăng ký bỏ phiếu. Để đảm bảo an ninh cho cuộc bầu cử, hàng chục nghìn nhân viên an ninh Afghanistan đã được triển khai trên khắp 34 tỉnh ở nước này. Trước đó, lực lượng nổi dậy Taliban đã đe dọa cử tri phải tránh xa các điểm bỏ phiếu nếu không sẽ gánh chịu hậu quả nghiêm trọng.

Tham gia tranh cử lần này ban đầu có 18 ứng cử viên, song đã có 3 nhân vật quyết định rút. Tuy nhiên, do thời gian gấp rút, Ủy ban bầu cử đã không kịp cập nhật các lá phiếu và vẫn giữ nguyên tên 18 ứng cửa viên.

Trong số các ứng cử viên, hai nhân vật hàng đầu là Tổng thống đương nhiệm Ashraf Ghani và quan chức điều hành cấp cao chính quyền Afghanistan Abdullah Abdullah. Tổng thống Ghani và ông Abdullah đều công bố cương lĩnh tranh cử với cam kết đoàn kết đất nước và chấm dứt nội chiến. Tuy nhiên, cả hai người đều không đưa ra được kế hoạch chi tiết thúc đẩy tiến trình hòa bình để phát triển kinh tế đất nước.

Trong cuộc bầu cử năm 2014, cả hai ứng cử viên trên đều tuyên bố thắng cử và Mỹ đã đóng vai trò trung gian hòa giải để thành lập chính phủ chia sẻ quyền lực hiện tại. Giới quan sát nhận định quyết định tái tranh cử của hai đối thủ truyền thống báo hiệu Afghanistan sẽ có một cuộc bầu cử chông gai./.

 

 

 

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực